Đại hội Công đoàn Giáo dục Việt Nam lần thứ XV

Thứ năm, 19/04/2018 17:18
(ĐCSVN) - Trong nhiệm kỳ mới, Công đoàn Giáo dục Việt Nam tập trung đổi mới nội dung, phương thức hoạt động công đoàn giáo dục các cấp để tập hợp đông đảo người lao động tham gia tổ chức công đoàn; thực hiện tốt chức năng đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của cán bộ, nhà giáo, người lao động, bảo vệ danh dự, nhân phẩm, uy tín nhà giáo, nghề giáo...

Ngày 19/4, tại Hà Nội, 275 đại biểu chính thức, đại diện cho khoảng 1,5 triệu công đoàn viên là cán bộ, nhà giáo, người lao động ngành Giáo dục trong toàn quốc dự khai mạc Đại hội Công đoàn Giáo dục Việt Nam lần thứ XV, nhiệm kỳ 2018 – 2023.

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ phát biểu tại Đại hội. Ảnh: VA

Phát biểu tại Đại hội, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ đánh giá cao báo cáo Đại hội với những nhận định được minh chứng bằng số liệu, trong đó, lãnh đạo Công đoàn Giáo dục Việt Nam đã bám rất sát các chỉ đạo của lãnh đạo Bộ GD&ĐT, của ngành; đồng hành các nhiệm vụ lớn, các cuộc vận động, trở thành chỗ dựa tin cậy cho các công đoàn viên, thầy cô giáo, người lao động ngành Giáo dục.

Với trách nhiệm người đứng đầu ngành, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ khẳng định sẽ tiếp thu để có những chỉ đạo sát sao hơn, thực tế và thiết thực hơn, cùng chia sẻ với các thầy cô giáo; đặc biệt nhấn mạnh không chỉ chủ trương, định hướng mà là hành động.

Về phương hướng nhiệm kỳ tới, Bộ trưởng gợi ý phương châm thiết thực, khả thi, hiệu quả, gắn bó với công đoàn viên toàn ngành, không dừng lại ở khẩu hiệu; chương trình cụ thể phải thể hiện được ước nguyện của công đoàn viên; phân công rõ nhiệm vụ; chi tiết, sát sao hơn qua quy chế phối hợp Công đoàn Giáo dục với Tổng liên đoàn Lao động, qua tuyến Liên đoàn Lao động cấp huyện...

Bộ trưởng đề nghị, ngoài những công việc đã thống nhất theo chương trình Đại hội, cần quan tâm đến việc chăm lo, bảo vệ quyền lợi hợp pháp của công đoàn viên, trước hết là về chế độ, chính sách. Trong đó, thảo luận, góp ý cho Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục mà trọng tâm là chương về Nhà giáo; đồng thời, tập trung thảo luận đưa ra giải pháp chủ động làm công tác tư tưởng cho đội ngũ nhà giáo; hỗ trợ giáo viên nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ; tư vấn cho địa phương để hài hòa trong thực hiện dồn điểm trường, tinh giản đầu mối với điều kiện học tập của học sinh, nhất là học sinh vùng dân tộc…

Báo cáo tại Đại hội, trong nhiệm kỳ qua, Công đoàn Giáo dục (CĐGD) Việt Nam đã quan tâm chỉ đạo CĐGD các cấp triển khai hoạt động công đoàn gắn với chuyên môn, phát huy tinh thần trách nhiệm, hướng về cơ sở; có nhiều giải pháp đột phá; đổi mới nội dung, phương thức hoạt động; thực hiện có hiệu quả 8 nhiệm vụ, 6 chương trình công tác toàn khóa, nhiều chỉ tiêu hoàn thành đạt và vượt so với Nghị quyết Đại hội XIV đã đề ra.

Công tác tuyên truyền, giáo dục có nhiều đổi mới và chuyển biến tích cực, góp phần tạo được sự đồng thuận trong ngành và xã hội đối với chủ trương đổi mới của ngành; nhận được sự quan tâm, chia sẻ của cộng đồng đối với nhà giáo, nghề giáo; chủ động tham gia quản lý, thực hiện tốt dân chủ trong các nhà trường; nâng cao phẩm chất đạo đức, năng lực nghề nghiệp đối với đội ngũ cán bộ, nhà giáo, người lao động (CNNGNLĐ) đáp ứng yêu cầu mới.

Phát động, tổ chức hiệu quả phong trào thi đua, cuộc vận động mang tính ngành nghề sâu sắc, góp phần xây dựng và phát triển nhà trường, nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo. Công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ công đoàn được đổi mới; công tác phát triển đoàn viên, xây dựng tổ chức công đoàn vững mạnh, kiểm tra giám sát được triển khai thực hiện nghiêm túc; bồi dưỡng, giới thiệu được nhiều đoàn viên ưu tú cho Đảng. Công tác đối ngoại được mở rộng, từng bước khẳng định và nâng cao vai trò, vị thế của CĐGD Việt Nam trong khu vực và trên trường quốc tế...

Tuy nhiên, công tác chỉ đạo, điều hành của Ban Chấp hành, Ban Thường vụ, của cơ quan CĐGD Việt Nam dù đã có nhiều cố gắng nhưng chưa theo kịp yêu cầu đổi mới hiện nay. Công đoàn một số trường đại học, cao đẳng sư phạm còn lúng túng trong thực hiện đổi mới cơ chế quản lý, chưa nêu cao vai trò chủ động trong việc phát hiện và đề xuất giải pháp tháo gỡ vướng mắc, bất cập để xây dựng, phát triển nhà trường. Một số cán bộ công đoàn chưa tâm huyết, chưa đổi mới phương pháp nên hiệu quả chưa cao...

Trong nhiệm kỳ mới, Công đoàn Giáo dục Việt Nam tập trung đổi mới nội dung, phương thức hoạt động CĐGD các cấp để tập hợp đông đảo người lao động tham gia tổ chức công đoàn; thực hiện tốt chức năng đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của CBNGNLĐ, bảo vệ danh dự, nhân phẩm, uy tín nhà giáo, nghề giáo; tăng cường phát triển lợi ích của đoàn viên công đoàn; đẩy mạnh và đổi mới công tác tuyên truyền giáo dục, tập trung nâng cao năng lực nghề nghiệp cho đội ngũ CBNGNLĐ, kỹ năng ứng xử, đạo đức, phong cách nhà giáo; xây dựng môi trường giáo dục văn hóa, dân chủ, kỷ cương, an toàn, thân thiện trong các nhà trường.

Bên cạnh đó đổi mới và triển khai có chiều sâu các phong trào thi đua yêu nước và các cuộc vận động trong ngành. Tiếp tục nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ công đoàn, xây dựng tổ chức công đoàn ngành Giáo dục ngày càng vững mạnh, góp phần thực hiện đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục Việt Nam theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa, xã hội hóa, dân chủ hóa và hội nhập quốc tế./.

Mỹ Anh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực