Đảm bảo chỗ học cho học sinh đến tuổi đi học - nguyên tắc hàng đầu

Thứ sáu, 25/09/2020 16:24
(ĐCSVN) – Đó là khẳng định của đồng chí Dương Anh Đức, Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh khi trả lời phỏng vấn Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam về việc giải quyết các trường hợp học sinh không có hộ khẩu thành phố, KT3 không đủ thời gian 1 năm theo qui định khi bước vào năm học 2020-2021.

PV: Trước nguy cơ hàng ngàn học sinh tại TP Hồ Chí Minh không được xét vào lớp 1 do gia đình không có hộ khẩu, KT3 ở TP Hồ Chí Minh, đồng chí đã có cuộc họp với các sở ngành, quận huyện khẳng định TP phải bảo đảm tất cả trẻ trong độ tuổi đi học được đến trường. Vậy kế hoạch triển khải để giải “bài toán” này như thế nào thưa đồng chí?

 Đồng chí Dương Anh Đức: Thành phố Hồ Chí Minh là đô thị đặc biệt, hàng năm thu hút rất đông người dân đến sinh sống, làm việc và học tập. Cũng như các ngành khác của thành phố, ngành Giáo dục luôn phải đối diện với áp lực về trường lớp, phải đảm bảo chỗ học cho 100% học sinh đủ độ tuổi đến trường, dù có hay không có hộ khẩu.

Đồng chí Dương Anh Đức, Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh dự lễ khánh thành

 và lễ khai giảng trường Tiểu học Nguyễn An Ninh, huyện Hóc Môn.

Thực tế thời gian qua, với sự quan tâm, ưu tiên đầu tư của thành phố, hàng năm dành khoảng ¼ ngân sách cho giáo dục; công tác xây dựng trường lớp của thành phố đã được đẩy mạnh, nhất là việc thực hiện chỉ tiêu “300 phòng học/ 10.000 dân trong độ tuổi đi học” của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ X. Trong nhiệm kỳ qua, hàng năm, thành phố xây trung bình 1.500 phòng học mới (nhiệm kỳ trước, trung bình mỗi năm xây khoảng 1.000 phòng học). Từ tỉ lệ 247 vào năm 2015, với nỗ lực của toàn hệ thống chính trị thành phố, đến cuối năm 2020, thành phố sẽ đạt chỉ tiêu 300 phòng học đề ra từ đầu nhiệm kỳ.

 Thực hiện chương trình Giáo dục phổ thông 2018, trong đó yêu cầu 100% học sinh học chương trình mới được học 2 buổi/ngày, khiến áp lực về chỗ học gia tăng từ năm học 2020 - 2021. Vừa qua, trong quá trình tuyển sinh, do nhu cầu tăng đột biến (chủ yếu từ dân cư mới) có địa phương đã lúng túng nên đã xảy ra việc chậm giải quyết nhập học cho các trẻ chưa có hộ khẩu hoặc KT3. Thành phố đã ngay lập tức quán triệt lại nguyên tắc phải đảm bảo chỗ học cho 100% trẻ trong độ tuổi đi học; dù rằng trước mắt, sẽ chưa đáp ứng hoàn toàn yêu cầu của chương trình mới.

 Để giải quyết triệt để vấn đề trên, từng quận/huyện phải tiếp tục nỗ lực, làm tốt công tác quy hoạch tại địa bàn và tăng tốc trong việc xây dựng trường lớp. Trong tháng 9/2020, Ủy ban nhân dân thành phố đã chỉ đạo các quận/huyện tổng kết việc thực hiện quy hoạch trường lớp theo Quyết định số 02/2003/QĐ-UB. Đến tháng 10/2020, Thành phố sẽ tiến hành tổng kết. Đây là đợt cao điểm để toàn thành phố rà soát công tác quy hoạch mạng lưới trường lớp, tiếp tục đề xuất các giải pháp căn cơ tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc còn tồn tại để tiếp tục đẩy mạnh công tác xây dựng trường lớp; phấn đấu giữ vững và nâng chất việc thực hiện chỉ tiêu “300 phòng học/vạn dân trong độ tuổi đi học” ở nhiệm kỳ tiếp theo.

 Đồng thời, Thường trực Ủy ban nhân dân thành phố đã chỉ đạo các sở ngành liên quan đẩy mạnh hỗ trợ, hoàn thiện một số chính sách nhằm khuyến khích các nguồn lực tăng cường đầu tư cho giáo dục.

 PV: Để đáp ứng nhu cầu về chỗ học cho các em, một số quận huyện phải chấp nhận sĩ số HS/lớp khá cao. Vậy Thành phố đã tính đến phương án hỗ trợ các trường trong việc bổ sung đội ngũ giáo viên, chương trình giảng dạy, cơ sở vật chất?

 Đồng chí Dương Anh Đức: Như đã thông tin, thời gian qua, các quận huyện đã tập trung xây trường khá tốt; phần nào kéo giảm sĩ số học sinh/lớp. Những năm qua, với sự ưu tiên đầu tư, ưu tiên về ngân sách, việc chỉnh trang cơ sở vật chất các trường cũng được thực hiện tốt, đáp ứng yêu cầu chỗ học cho trẻ. Đối với các trường có sĩ số học sinh còn cao, vấn đề nằm ở phòng học chứ không thuộc về đội ngũ, chương trình,… Một số môn đặc thù như Anh văn, Tin học, Nhạc, Họa,… còn có hiện tượng thiếu giáo viên cơ hữu, nhưng Thành phố vẫn tạo điều kiện để các trường hợp đồng thỉnh giảng với các giáo viên có chất lượng, đảm bảo chương trình cho học sinh. Thành phố cũng đã giao cơ quan chuyên môn (Sở - Phòng Giáo dục và Đào tạo) hướng dẫn thêm về các biện pháp chuyên môn cho các trường đảm bảo chất lượng dạy – học.

Nguyên tắc hàng đầu của Thành phố luôn là ưu tiên đảm bảo chỗ học cho các em học sinh 

đến tuổi đi học dù có hộ khẩu, KT3 hay không. (Ảnh minh họa: Nguồn: tuoitrexahoi.vn)

Hàng năm, trên cơ sở báo cáo, đề nghị của các Phòng Giáo dục quận/huyện và số liệu tổng hợp từ các trường do Sở Giáo dục và Đào tạo quản lý, Sở Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Sở Nội vụ Thành phố trình Ủy ban nhân dân Thành phố xem xét, chấp thuận chủ trương cho phép tuyển giáo viên các cấp, nhằm bổ sung cho các trường có số lượng học sinh lớn nhưng chưa đảm bảo đủ số lượng đội ngũ giáo viên theo nhu cầu.

 Đồng thời như đã nói ở trên, về cơ sở vật chất, Thường trực Ủy ban nhân dân Thành phố đã chỉ đạo quyết liệt để có thể giữ vững chỉ tiêu “300 phòng học/ 10.000 dân trong độ tuổi đi học” của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ X.

 Thực hiện rà soát, xây dựng lộ trình sắp xếp lại các cơ sở giáo dục theo hướng dồn ghép, xóa các điểm trường lẻ không đủ các điều kiện cơ sở vật chất để đảm bảo chất lượng và các điều kiện cho định hướng phát triển ngành giáo dục. Đẩy mạnh công tác xã hội hóa đầu tư xây dựng hệ thống cơ sở vật chất, trường lớp theo quy hoạch góp phần đa dạng hóa loại hình vừa giảm áp lực đầu tư từ ngân sách Nhà nước.

 PV: Đồng chí có thể cho biết, về lâu dài, trước mắt là những năm tới Thành phố có bỏ điều kiện hộ khẩu, KT3 ở TP Hồ Chí Minh để xét duyệt vào lớp 1 không? Hay phải xây dựng kế hoạch khác để tránh tình trạng đưa ra giải pháp tình thế như hiện nay.

 Đồng chí Dương Anh Đức: Với tình hình thực tế của Thành phố (mỗi năm tăng thêm khoảng 1 triệu dân – phần lớn là tăng cơ học), bài toán đảm bảo chỗ học cho các em trong lứa tuổi đến trường luôn là bài toán khó. Muốn giải quyết tận gốc thì cần sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị và phải có sự hợp tác của người dân. Tuy vậy, nguyên tắc hàng đầu của Thành phố luôn là ưu tiên đảm bảo chỗ học cho các em đến tuổi đi học dù có hộ khẩu, KT3 hay không. Ngay từ bây giờ, ngay sau Đại hội Đảng bộ Thành phố lần thứ XI, ngành Giáo dục và Đào tạo Thành phố cùng với các ban ngành liên quan sẽ bắt tay rà soát, lên kế hoạch phát triển cơ sở vật chất để chuẩn bị tốt hơn cho năm học 2021-2022 và các năm tiếp theo.

 Bên cạnh đó, chúng tôi cũng đề nghị người dân Thành phố có sự hợp tác tích cực với chính quyền Thành phố để giảm thiểu các “điểm nóng cục bộ” do mật độ trẻ em đến tuổi đi học quá cao, giúp cho bài toán khó khăn này giảm phần nào sự phức tạp, để tất cả con em chúng ta được hưởng những điều kiện học tập tốt nhất mà Thành phố có thể mang lại.

PV: Trân trọng cảm ơn đồng chí!./.

Trọng Nguyễn (thực hiện)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực