Dạy học trực tuyến cần thiết khi dịch Covid-19 kéo dài

Thứ tư, 25/03/2020 17:12
(ĐCSVN) – Khi sinh viên, học sinh nghỉ học dài ngày để phòng, chống dịch Covid-19, nhiều trường học đã triển khai dạy học trực tuyến.

Dịch bệnh kéo dài dẫn đến việc nghỉ học kéo dài khiến nhiều trường học, nhiều địa phương phải tiến hành dạy và học trực tuyến nhằm bảo đảm kế hoạch học tập cũng như việc kết nối giữa nhà trường, giáo viên và học sinh. Tuy nhiên, vì là hình thức dạy học chưa được công nhận chính thức; điều kiện còn quá khác nhau ở mỗi địa phương, nhà trường nên việc áp dụng cũng gặp khá nhiều khó khăn.

 Đối với các trường quốc tế và một số trường tư thục vốn có nền tảng công nghệ thông tin tốt và lâu nay vẫn áp dụng việc dạy học trực tuyến, thì việc áp dụng hình thức này trong thời gian học sinh nghỉ học vì dịch bệnh khá thuận lợi và bài bản. Cạnh đó đa số các trường công lập trong cả nước khi học trực tuyến mới chỉ giải quyết được một phần chương trình học còn đang dang dở. Trong đó chủ yếu là học sinh lớp 9, 12 phải tập trung học nhiều hơn để kịp thời cho cuộc thi vào trung học phổ thông  và đại học.

Lắp đặt thiết bị công nghệ thông tin, truyền hình
trong một buổi dạy học trực tuyến trên kênh HTV Key. (Ảnh: T.H ).

Tại TP. Hồ Chí Minh, học sinh lớp 9 ôn tập môn Văn, Toán, Tiếng Anh; lớp 12 ôn Toán, Lý, Hoá trên kênh HTV Key. Chương trình được Sở GD&ĐT TP. Hồ Chí Minh phối hợp Đài Truyền hình TP thực hiện nhằm giúp học sinh cuối cấp ôn tập trong thời gian nghỉ tránh dịch.

 Tại Hà Nội, nhiều trường cũng chuẩn bị khá tốt. Từ ngày 10/3, trường THCS & THPT Nguyễn Tất Thành (quận Cầu Giấy) là một trong số ít trường kiên trì tổ chức dạy học trực tuyến đúng theo thời khóa biểu. 7h sáng học sinh có mặt để điểm danh qua mạng và trong suốt giờ học phải liên tục tương tác, trả lời câu hỏi của giáo viên. Giáo viên chủ nhiệm, ban giám hiệu nhà trường có thể dự giờ bất cứ môn học nào của lớp để nắm tình hình, chấn chỉnh sai sót. Các trường hợp bị ảnh hưởng bởi đường truyền Internet, không tương tác, học sinh thiếu tập trung, không hoàn thành bài tập về nhà đều được thống kê, trao đổi với cha mẹ học sinh sau mỗi buổi học. Còn tại trường THCS&THPT Ban Mai (quận Hà Đông), Ban giám hiệu đã xây dựng kế hoạch bài bản về thời khóa biểu; tổng quan nội dung học tập trong từng tuần; phân công các tổ chuyên môn soạn giáo án online và giáo viên trực giảng dạy và hỗ trợ học sinh. Đến nay, việc tổ chức dạy học online đã nhận được phản hồi tích cực của phụ huynh và học sinh.

Tại trường Đại học Mở Hà Nội, sinh viên của trường vẫn nghỉ học ở nhà học trực tuyến theo thời khóa biểu bình thường. Trên hệ thống đào tạo trực tuyến, giảng viên điểm danh bằng việc theo dõi trực tuyến, có chấm điểm, vào điểm các môn học. Còn tại Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, từ ngày 9 - 15/3, sinh viên toàn trường tạm thời nghỉ học và chỉ học các lớp mở online theo đúng giờ thời khóa biểu mà nhà trường đã thông báo. Trong khi đó, tại trường Đại học Kinh tế Quốc dân, từ ngày 9-15/3, tất cả các học phần sẽ học theo hình thức Blended learning (hình thức học tập trực tuyến thông qua phần mềm) để sinh viên tự học, tự kiểm tra và đánh giá sự tiến bộ của mình.

Nhiều sinh viên tỏ ra hứng thú với cách học trực tuyến. Sinh viên Nguyễn Hồng Nhung (Đại học Thương Mại Hà Nội) chia sẻ:  “Bắt đầu từ ngày 17/2, tất cả sinh viên học trực tuyến qua app TranS, đến giờ học, giáo viên mở phòng, sinh viên nhập mã để được vào phòng học. Mỗi môn học sẽ lập nhóm trên Facebook, giáo viên gửi bài tập qua đó để cả lớp cùng thực hiện. Học theo phương pháp này khá hiệu quả, hạn chế việc đi lại mà vẫn kịp tiến độ của nhà trường”.

Theo Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ, việc học trực tuyến không phải hình thức mới đối với các trường đại học. Nhiều trường hiện cũng đã công nhận kết quả học tập này. “Tuy nhiên, đối với cấp phổ thông, việc giáo dục còn mang tính chất giáo dục con người, do đó cần phải dạy học trực tiếp. Bộ sẽ tiếp thu ý kiến này và sẽ nghiên cứu. Tuy nhiên, đây là một vấn đề mang tính khoa học, cho nên có thể sử dụng để bổ trợ chứ không thể thay thế việc dạy tại phổ thông. Dạy chữ phải gắn với dạy người nên rất cần sự giao tiếp trực tiếp, từ đó hình thành phẩm chất và năng lực của học sinh”, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ nói./.

Tuệ An - Trường Quân

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực