Đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ Dự án Phát triển giáo dục THPT 2

Thứ ba, 21/03/2017 17:37
(ĐCSVN) - Ngày 21/3, tại Hà Nội, Bộ Giáo dục & Đào tạo (GD&ĐT) và Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) tổ chức Hội nghị tổng kết đánh giá giữa kỳ Dự án Phát triển giáo dục THPT giai đoạn 2.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ phát biểu tại Hội nghị đánh giá giữa kỳ Dự án phát triển giáo dục THPT 2.
Ảnh: Bá Hải

Báo cáo tại Hội nghị, bà Eiko Izawa – Trưởng đoàn đánh giá cho biết, tổng giá trị thực hiện đến thời điểm này của Dự án đã đạt trên 61%, số vốn giải ngân đạt trên 51,1%; hoạt động của Dự án đến thời điểm này đã đạt yêu cầu đặt ra so với kế hoạch; các hoạt động của Dự án có bước tiến triển đúng tiến độ đề ra, hạng mục xây dựng cơ bản có bước triển khai mạnh mẽ; các gói thầu, hồ sơ thầu được trình ADB với tiến độ kịp thời, đúng trình tự.

Phát biểu kết luận tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ nêu rõ quan điểm của Bộ là cần thúc đẩy tiến độ giải ngân Dự án, các hoạt động của Dự án phải đẩy mạnh giải ngân trước thời hạn để phát huy hiệu quả đồng vốn. Trong khi điều kiện đảm bảo các hoạt động giáo dục tại Việt Nam còn rất nhiều khó khăn, cần phải đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ của dự án, nhất là các hoạt động hỗ trợ cơ sở vật chất trường học vùng khó khăn để phát huy hiệu quả dự án.

Về các hoạt động của dự án từ nay đến cuối kỳ, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đề nghị ADB bổ sung một số hoạt động, mục tiêu hỗ trợ, điều chuyển một phần một số hoạt động của Dự án để tránh trùng lắp với các hoạt động, chương trình khác của Bộ nhằm phát huy hiệu quả dự án, như: chuyển hạng mục nghiên cứu phương pháp giảng dạy Toán sang nghiên cứu mô hình phân luồng hiệu quả; Chuẩn chỉnh lại nội dung hỗ trợ học sinh khiếm thính; Chuyển nội dung nghiên cứu phần mềm hỗ trợ trường học sang nội dung khác; Tập trung đào tạo, bồi dưỡng hiệu trưởng trường THPT ngay tại Việt Nam, mời các chuyên gia về giảng dạy thay vì cử cán bộ ra nước ngoài đào tạo nhằm tiết giảm chi phí.

Bộ trưởng cũng đề nghị Dự án bổ sung, hỗ trợ hoạt động truyền thông giáo dục vì trên thực tế nhiều hoạt động của các dự án khác cũng như hoạt động của Bộ GD&ĐT phải đẩy mạnh công tác truyền thông để xã hội thấy được hiệu quả hoạt động, từ đó tạo sự đồng thuận trong người dân. Chính vì vậy những chương trình, dự án khác của Bộ đều có cấu phần truyền thông;

Bổ sung hạng mục nghiên cứu, tích hợp các bộ tiêu chí kiểm định chất lượng và bộ quy chuẩn trường học để phát triển công tác đánh giá trường học của Bộ.

Được biết, mục tiêu của Dự án Phát triển giáo dục THPT giai đoạn 2 nhằm góp phần đổi mới căn bản, toàn diện cho nền giáo dục, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao tại các vùng khó khăn, vùng có đông người dân tộc thiểu số.

Ngoài ra, Dự án cũng sẽ góp phần nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo nghề để từ nay đến năm 2020 có ít nhất 95% học sinh tốt nghiệp các trường đào tạo nghề đáp ứng được các yêu cầu; 30% học sinh tốt nghiệp THCS và THPT được học nghề. Tỷ lệ lao động được đào tạo trong lực lượng lao động là 65%.

Dự án được thực hiện đến tháng 12/2018 tại khoảng 25 tỉnh, thành, huyện nghèo có điều kiện kinh tế-xã hội khó khăn./.

Mỹ Anh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực