Đẩy mạnh hơn nữa công nghệ Nano tại Việt Nam

Thứ năm, 21/07/2016 17:16

(ĐCSVN) - Thế kỷ 21, việc phát triển công nghệ Nano được hi vọng là tiềm năng cho phép giải quyết các bài toán lớn của nhân loại. Tại Việt Nam, công nghệ Nano đã có nhiều bước tiến  vượt bậc trong việc sản xuất các loại thuốc mới có thể điều trị những căn bệnh tiêm nhiễm nặng, ung thư, và liên quan đến liệu pháp gen. Các thuốc Nano đã chứng minh khả năng cải thiện hiệu quả đáng kể và an toàn so với các loại thuốc bào chế.

Tìm hiểu về vấn đề này, phóng viên Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam đã có cuộc trao đổi với GS. Nguyễn Hoàng Lương, Giám đốc Trung tâm Nano và năng lượng, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội.

GS. Nguyễn Hoàng Lương, Giám đốc Trung tâm Nano và năng lượng,
Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội. (Ảnh: BL)

Phóng viên (PV): Thưa Giáo sư, ông đánh giá gì về tiềm năng ứng dụng của công nghệ Nano trong các lĩnh vực tại Việt Nam hiện nay?

GS. Nguyễn Hoàng Lương: Công nghệ Nano có thể thay đổi thế giới ở hầu hết các lĩnh vực của đời sống. Bởi vậy, việc phát triển công nghệ Nano là cần thiết. Công nghệ Nano không chỉ được các quốc gia phát triển mà cả những quốc gia đang phát triển rất quan tâm, vấn đề là chọn cách đi như thế nào cho phù hợp với thực tiễn của từng quốc gia.

Tại Việt Nam, năm 1997, lần đầu tiên tại Hội nghị vật lý chất rắn toàn quốc, GS.TS Nguyễn Văn Hiệp đã phát động việc nghiên cứu và chuyển sang ứng dụng khoa học công nghệ Nano. Từ đó, các nhà khoa học Việt Nam ngày càng quan tâm đến khoa học công nghệ Nano. Cho đến nay, một số kết quả trong nghiên cứu cũng như trong ứng dụng công nghệ Nano đã được ứng dụng trong thực tiễn.

Tuy nhiên, việc ứng dụng công nghệ Nano để cho ra những sản phẩm phục vụ đời sống xã hội còn chưa nhiều. Vì vậy, mong muốn của chúng tôi là phát triển mạnh mẽ hơn nữa công nghệ Nano tại Việt Nam.

PV: Chúng ta phải chọn hướng đi để có thể phát triển công nghệ Nano tại Việt Nam. Vậy theo Giáo sư, hướng đi của chúng ta là gì?

GS. Nguyễn Hoàng Lương: Như chúng ta thấy, y - dược học là một trong những lĩnh vực mà công nghệ Nano được phát triển. Nhiều kết quả nghiên cứu cũng như một số sản phẩm trong lĩnh vực này đã được thương mại hóa và đang được đẩy mạnh trong thời gian tới. Bởi vậy, việc kết nối giữa nhà quản lý, nhà khoa học, các bệnh viện, doanh nghiệp (DN) để cùng nhau trao đổi là cần thiết. Trên cơ sở đó, các nhà khoa học cần biết nhu cầu thực tế là gì, có đặt hàng gì với các bệnh viện từ đời sống hay không? Từ đó mới quay trở lại nghiên cứu những điều kiện hợp với nhu cầu của đất nước. Như vậy, sẽ rút ngắn rất nhiều khoảng cách giữa những nghiên cứu cơ bản với ứng dụng.

PV: Các nhà khoa học cần hỗ trợ như thế nào để đưa những nghiên cứu của họ vào sản xuất, thưa Giáo sư?

GS. Nguyễn Hoàng Lương: Từ những nhu cầu, những đặt hàng của đời sống, các nhà khoa học sẽ xác định được nên làm gì. Từ đó, họ sẽ có những đề xuất cho hướng nghiên cứu của mình và để những hướng nghiên cứu đấy trở thành khả thi, có kết quả, thì trước hết phải có chính sách của các cơ quan quản lý. Từ đó sẽ có nguồn hỗ trợ, đầu tư thích hợp để các nhà khoa học có thể cung cấp sản phảm nghiên cứu của mình kết hợp với DN sản xuất để ra được sản phẩm cuối cùng, chứ không chỉ dừng ở phòng thí nghiệm.

PV: Nếu nghiên cứu tốt, DN có sẵn sàng đầu tư và chính sách hỗ trợ từ phía Nhà nước đã đủ để thực hiện chưa, thưa Giáo sư?

GS. Nguyễn Hoàng Lương: Riêng đối với khoa học công nghệ Nano thì Nhà nước ta ngày càng quan tâm đầu tư. Tuy nhiên, để được đầu tư thì những nhà khoa học cũng phải có những đề xuất xứng tầm. Các nhà khoa học phải có những đề xuất phù hợp thì Nhà nước sẵn sàng tập trung nguồn lực để đầu tư và trên cơ sở đó có thể phối hợp với DN để ra được sản phẩm cuối cùng phục vụ xã hội.

PV: Thưa Giáo sư, trong số vật liệu tại sao công nghệ Nano lại được đánh giá quan trọng, ứng dụng được nhiều hơn?

GS. Nguyễn Hoàng Lương: Ở Việt Nam, công nghệ tiên tiến này ngày càng được đầu tư, giới khoa học đã có nhiều nghiên cứu ứng dụng như bộ kít phát hiện ung thư vòm vọng; que thử nhanh phát hiện virus rota gây tiêu chảy ở trẻ em; tách chiết ADN phục vụ chẩn đoán.

Trong nông nghiệp, nano bạc, đồng có khả năng khử khuẩn, khử nấm giúp cây trồng quang hợp tốt; nano các-bon làm tăng khả năng sinh trưởng của cây. Nano bạc tắm cho tôm giống, còn nano canxi, kẽm được dùng như các loại phân vi lượng và thức ăn chăn nuôi.

Trong y - dược, Việt Nam đang hướng tới sử dụng công nghệ nano trong đánh dấu sinh học, tách chiết tế bào, đốt nhiệt tế bào ung thư, tiêm thuốc. Nano bạc để khử trùng và là giải pháp thay thế khuốc kháng sinh. Nó còn sử dụng trong băng gạc y tế và có khả năng kích thích mọc da non nhanh hơn ở những vết bỏng, vết thương. Trong khi nano canxi, kẽm giúp cơ thể dễ hấp thụ các chất đi vào dạ dày hơn; còn nano cucumin chống ung thư và bệnh đường ruột.

Theo tôi, hiện nay Nhà nước ngày càng quan tâm đến việc phát triển công nghệ Nano trong mọi lĩnh vực. Tuy nhiên để ra được sản phẩm cuối cùng trong công nghệ Nano thì việc đầu tư phải đạt ngưỡng, không chỉ dừng ở đề tài nho nhỏ, dừng ở một kết quả nghiên cứu trong phòng thí nghiệm mà nên xem xét việc đầu tư để ra được sản phẩm cuối cùng.

PV: Ông đánh giá thế nào về tiềm năng của các sản phẩm đã được giới thiệu từ việc ứng dụng công nghệ Nano?

GS. Nguyễn Hoàng Lương: Tôi nghĩ các sản phẩm đã được ứng dụng rất có tiềm năng. Nhưng còn một số sản phẩm đang dừng trong phòng thí nghiệm cần phải được chuyển giao và cần được sản xuất ở quy mô lớn hơn thì mới phát huy được hiệu quả.

Bên cạnh đó, nhân lực trong ngành công nghệ Nano hiện còn rất mỏng, trong khi đó nhu cầu về nhân lực trong ngành này là rất lớn. Bởi vậy, chúng ta cần đội ngũ nghiên cứu chuyên sâu để đưa công nghệ Nano áp dụng vào thực tiễn mới có thể tạo sự đột phá trong ngành công nghệ Nano cũng như những lĩnh vực ứng dụng tại Việt Nam./.

Công nghệ Nano là loại công nghệ sử dụng kỹ thuật phân tử để xử lý những yếu tố mang tính chất siêu vi mô. Nói cách khác, công nghệ Nano được coi là công nghệ siêu nhỏ và là một bước ngoặt của khoa học kỹ thuật thế giới. Công nghệ này được giới khoa học Anh nhận định là có khả năng tiềm tàng, đem lại nhiều lợi ích trong các lĩnh vực khác nhau. Các nhà khoa học dự báo, trong tương lai không xa, công nghệ Nano sẽ chiếm lĩnh hầu hết các lĩnh vực khoa học chủ đạo của con người.

Bích Liên

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực