Đẩy mạnh quản lý, đánh giá đề tài khoa học bằng hình thức trực tuyến

Thứ ba, 25/04/2017 22:49
(ĐCSVN) – Ngày 25/4, tại Hà Nội, Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ Quốc gia –Nafosted (Bộ Khoa học và Công nghệ) đã tổ chức hội nghị triển khai đánh giá xét chọn đề tài nghiên cứu cơ bản thuộc lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn (KHXH&NV) năm 2017 đợt 1.

Toàn cảnh hội nghị. Ảnh: BL

Phát biểu tại hội thảo, ông Đỗ Tiến Dũng - Giám đốc Nafosted cho biết, hệ thống đánh giá, nhận xét đề tài trực tuyến sẽ giúp các nhà khoa học và hội đồng tiết kiệm được thời gian, giảm thiểu chi phí và chuyên gia có thể tham gia tư vấn mọi lúc, mọi nơi.

Đánh giá cao việc ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động đăng ký, xét duyệt đề tài/dự án của Quỹ, GS-TS Đỗ Hoài Nam – thành viên Hội đồng chuyên ngành kinh tế - cho rằng các thành viên hội đồng có thể đọc trên bản điện tử và nhận xét, như vậy công việc sẽ thuận tiện hơn rất nhiều. Khi phản biện online, Quỹ có thể mời chuyên gia quốc tế. Các chuyên gia đi công tác nước ngoài vẫn có thể tham gia họp hội đồng và phản biện.

Theo Nafosted, trong đợt 1/2017, trong số 43 hồ sơ thuộc lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn (KHXH&NV) được gửi đến quỹ, có 36 hồ sơ đủ điều kiện, 3 không đủ và 3 đang được đề nghị xem xét. Chương trình nghiên cứu cơ bản thuộc lĩnh vực khoa học tự nhiên và kỹ thuật có 330 hồ sơ gửi đến và 294 đủ điều kiện lựa chọn, xem xét hỗ trợ.

Tại hội nghị, các thành viên hội đồng chuyên ngành cũng cho rằng hệ thống đánh giá, nhận xét đề tài trực tuyến cho phép các nhà khoa học gửi các đề xuất tham gia chương trình tài trợ của Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ Quốc gia. Các chuyên gia phản biện cũng có thể thông qua đây để đánh giá, nhận xét các đề xuất này.

Các thành viên hội đồng cũng cho ý kiến về điều kiện xét chọn đề tài theo Thông tư 37/2014/TT-BKHCN (có kết quả nghiên cứu chuyên ngành phù hợp được công bố trên tạp chí quốc tế có uy tín trong thời gian 5 năm tính đến thời điểm nộp hồ sơ). Đồng thời, cần thúc đẩy công bố quốc tế trong lĩnh vực KHXH&NV. Tuy nhiên, với điều kiện đặt ra của Thông tư 37, đối với lĩnh vực KHXH&NV cũng cần có lộ trình. Bên cạnh đó, cần khuyến khích tăng cường công bố quốc tế, nhưng với những ngành hội nhập còn chậm, cần có lộ trình, vừa khuyến khích động viên tối đa, vừa tạo điều kiện cho những nghiên cứu chưa có công bố quốc tế tham gia (ví dụ hội đồng triết học)…/.

 

BL

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực