Đẩy mạnh truyền thông, thay đổi nhận thức về sử dụng thuốc kháng sinh

Thứ ba, 29/11/2016 17:55
(ĐCSVN) – Trưa 29/11 tại Hà Nội, Tổ chức lương thực và nông nghiệp của Liên hợp quốc (FAO) cùng Tổ chức y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam phối hợp với Bộ Y tế tổ chức họp báo chủ đề về kháng kháng sinh tại Việt Nam.

Tại họp báo, Ban tổ chức đã giới thiệu về "Tuần lễ nâng cao nhận thức về sử dụng thuốc kháng sinh lần thứ 2 ở Việt Nam" kế từ năm 2015 tới nay. Năm nay, Tuần lễ kéo dài từ 30/11 đến 7/12/2016. Đây là hoạt động nhằm nêu bật cam kết ở cấp lãnh đạo của Chính phủ nhằm chống tình trạng kháng thuốc kháng vi sinh vật (AMR).

Với chủ đề “Chung sức chống tình trạng kháng thuốc kháng vi sinh vật mạnh mẽ hơn nữa”, chiến dịch này hội tụ sự phối hợp của nhiều ngành khác nhau: y tế, nông nghiệp, công thương, tài nguyên môi trường, các học viện, chính quyền địa phương, các cộng đồng và công chúng. Trong đó, điểm nhấn là Lễ mít tinh hưởng ứng Tuần lễ sẽ được diễn ra vào ngày 30/11/2016 tại Thủ đô Hà Nội với sự góp mặt của đại diện các bộ, ngành liên quan. Lễ mít tinh hứa hẹn sẽ là lời kêu gọi mạnh mẽ nhất đến với cộng đồng Việt Nam để cùng chung tay phòng chống kháng thuốc.

Họp báo diễn ra tại Tòa nhà Liên hợp quốc tại Hà Nội (Ảnh: HNV)

Cũng tại họp báo, bác sĩ Lokky Wai, đại diện WHO đã đưa ra cảnh báo về tình trạng kháng thuốc kháng sinh diễn ra hiện nay. Theo bác sĩ Lokky Wai, sự phát minh ra thuốc kháng sinh đã làm thay đổi công cuộc phát triển của y học hiện đại, giúp cho các bác sĩ có khả năng điều trị được những bệnh nhiễm khuẩn mà trước đó nguy hiểm đến tính mạng con người. Tuy nhiên, thuốc kháng sinh ngày càng mất đi hiệu nghiệm của nó do hiện tượng kháng thuốc kháng sinh. Hiện tượng này đang gây nguy hại và ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của cả cộng đồng. Theo đó, khi sử dụng thuốc kháng sinh không đúng cách (dùng thuốc sai liều, dùng thuốc không đủ thời gian…), thuốc kháng sinh sẽ thúc đẩy sự phát triển của các vi khuẩn kháng thuốc. Điều này làm giảm hiệu quả của thuốc, thậm chí không thể chữa được các vết thương nhiễm trùng và các bệnh nhiễm khuẩn. Từ đó kéo dài quá trình điều trị của người bệnh, tăng số lượng và chi phí điều trị, cuối cùng tăng nguy cơ tử vong.

Nguyên nhân dẫn đến hiện tượng kháng thuốc kháng sinh, theo Bác sĩ Lokky Wai, do hậu quả của tình trạng sử dụng quá mức và không hợp lý thuốc kháng sinh ở tất cả các cấp trong hệ thống chăm sóc y tế cũng như người dân nói chung. Ngoài nguyên nhân đến từ việc sử dụng thuốc kháng sinh không đúng, lạm dụng thuốc kháng sinh. Theo đại diện tổ chức WHO hiện tượng kháng thuốc kháng sinh cũng đến từ vấn đề an toàn thực phẩm. Các loại kháng sinh sử dụng trên động vật nhằm điều trị bệnh, phòng bệnh và kích thích tăng trưởng cho vật nuôi. Tình trạng phát triển tính kháng thuốc kháng sinh ở động vật được truyền sang con người qua chuỗi thực phẩm sử dụng.

Ở Việt Nam, WHO nhận định hiện tượng kháng thuốc kháng sinh đang đe dọa đến sức khỏe tính mạng của con người, ảnh hưởng đến môi trường cũng như tính bền vững của hệ thống sản xuất thực phẩm và nông nghiệp.

Đồng tình với nhận định của WHO, trong buổi họp báo, ông Cao Hưng Thái, Phó Cục trưởng Cục Quản lý khám - chữa bệnh, Bộ Y tế cho biết, hiện tượng kháng thuốc kháng sinh đã và đang diễn ra tại Việt Nam. Theo ông Cao Hưng Thái, có 3 nguyên nhân chính dẫn đến hiện tượng kháng thuốc kháng sinh ở Việt Nam hiện nay. Thứ nhất, nhận thức của người dân, đội ngũ y tế, cơ sở khám chữa bệnh trong việc kê đơn, chỉ định điều trị thuốc kháng sinh chưa đầy đủ. Thứ hai, người dân tự ý mua, sử dụng thuốc kháng sinh mà không có hướng dẫn của bác sĩ. Thứ ba, cơ sở bán thuốc, hiệu thuốc bán thuốc, tư vấn khuyến cáo người dân sử dụng kháng sinh không theo đơn thuốc của bác sĩ.

Ông Thái cho rằng việc sử dụng thuốc kháng sinh không theo hướng dẫn, lạm dụng thuốc kháng sinh dẫn đến hiện tượng kháng thuốc kháng sinh tại Việt Nam.

Trước hiện tượng này, từ năm 2013, Việt Nam đã thông qua Kế hoạch hành động quốc gia về kháng thuốc kháng sinh và trở thành quốc gia đầu tiên khu vực Tây Thái Bình Dương của WHO thực hiện được điều này. Từ đó, Việt Nam đã xây dựng hệ thống toàn diện và đa chiều nhằm chống tình trạng kháng thuốc kháng sinh.

Các hệ thống bao gồm: Hệ thống giám sát quốc gia về kháng thuốc kháng sinh; Giám sát sử dụng và tiêu dùng thuốc kháng sinh; Chương trình quản lý sử dụng thuốc kháng sinh quốc gia; Giám sát chất lượng sau tiếp thị và tăng cường các quy định về đăng ký, phân phối, tiêu thụ và tiếp thị thuốc kháng sinh.

Đặc biệt, thông qua chương trình “Chung sức chống tình trạng kháng thuốc kháng vi sinh vật” với sự chủ trì của Bộ Y tế cùng sự tham gia của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương, Bộ Tài nguyên và Môi trường, chính quyền địa phương và sự chung tay của cả cộng đồng đã giúp nâng cao nhận thức người dân về việc sử dụng đúng thuốc kháng sinh.

Đánh giá cao sự chủ động của Việt Nam, tuy nhiên đại diện WHO cho rằng các văn bản bản pháp luật từ các bộ ngành, cơ quan quản lý nhà nước Việt Nam đã có nhưng quan trọng hơn Việt Nam phải thực hiện và giám sát thực hiện theo những văn bản đó để nâng cao nhận thức người dân về hiện tượng kháng thuốc kháng sinh và nguy hại của nó. Đặc biệt, để nâng cao hiệu quả của hành động chống kháng thuốc kháng sinh, TS Socorro Escalante, WHO tại Việt Nam khuyến nghị, các cơ quan chức năng của Việt Nam cần siết chặt hệ thống quản lý, giám sát và tăng cường chế tài xử phạt với các hành vi lạm dụng kháng sinh, đặc biệt các cơ quan chủ quản phải đảm bảo quy định của ngành về sử dụng kháng sinh phải được tuân thủ đúng và chặt chẽ với những quy chế đầy đủ hơn về trách nhiệm của bác sĩ, nhân viên y tế, dược sĩ trong kê đơn thuốc kháng sinh, sử dụng kháng sinh cũng như tăng cường hơn các can thiệp trong cộng đồng nhằm giảm thiểu tinh trạng lạm dụng kháng sinh. “Chính sách đã có nhưng các bạn cần tăng cường thực thi chính sách một cách rộng khắp và thiết thực hơn” – TS Socorro Escalante nhấn mạnh./.

Minh An - Hà Anh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực