Đẩy mạnh tự chủ và xã hội hóa trong ngành y tế

Thứ năm, 23/02/2017 16:41
(ĐCSVN) - Ngành y tế TP.Hồ Chí Minh những năm qua đã có những bước phát triển mạnh mẽ, có nhiều đổi mới theo chiều sâu. Việc đẩy mạnh tự chủ đồng thời phát huy mô hình xã hội hóa sẽ góp phần nâng cao hơn nữa chất lượng dịch vụ khám chữa bệnh, giúp giảm tải đáng kể cho những bệnh viện chuyên khoa, bệnh viện tuyến trên.

Tự chủ về tài chính là mô hình cần nhân rộng

GS.TS Nguyễn Tấn Bỉnh, Giám đốc Sở Y tế TP.Hồ Chí Minh cho biết, từ năm 2006, Đảng ủy Sở Y tế Thành phố tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các đơn vị y tế Thành phố thực hiện tự chủ tự chịu trách nhiệm về tài chính. Tính đến cuối năm 2016, Thành phố đã có 10 cơ sở y tế công lập được giao quyền tự chủ bảo đảm toàn bộ chi phí hoạt động thường xuyên, 72 cơ sở y tế công lập được giao quyền tự chủ tự bảo đảm một phần chi phí hoạt động thường xuyên, 12 cơ sở y tế công lập do Nhà nước đảm bảo chi thường xuyên. Trong đó, khối bệnh viện có 9/55 bệnh viện tự bảo đảm chi thường xuyên, 43/55 bệnh viện tự bảo đảm một phần chi thường xuyên và 3/55 bệnh viện do Nhà nước bảo đảm chi thường xuyên.


Với mô hình tự chủ về tài chính, theo ông Nguyễn Tấn Bỉnh, các bệnh viện có điều kiện tuyển được nhân lực chất lượng cao, đầu tư cơ sở vật chất và trang thiết bị, mở rộng và nâng cao chất lượng các loại hình dịch vụ, thu nhập cán bộ viên chức được tăng thêm, có điều kiện hợp tác, liên doanh, liên kết với cơ sở y tế tư, vay vốn đầu tư xây dựng cơ sở mới để chuyển lên mô hình tự chủ tài chính tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư.

Tuy nhiên, mô hình này cũng có những hạn chế nhất định. Trong một thời gian dài (từ năm 2006 tới 2015), giá thu khám chữa bệnh của các đơn vị tự bảo đảm chi thường xuyên không được kết cấu tiền lương nên các bệnh viện chưa đủ điều kiện thực hiện tự chủ toàn phần (nhất là các bệnh viện đa khoa và quận, huyện).

Ông Bỉnh cho biết thêm, từ ngày 21/12/2016 Thành phố thực hiện giá dịch vụ Khám chữa bệnh BHYT bao gồm cả chi phí tiền lương cho các bệnh viện tự bảo đảm một phần chi thường xuyên và bệnh viện do Nhà nước bảo đảm chi thường xuyên. Việc đưa tiền lương vào giá và có lộ trình tính đúng, tính đủ giá dịch vụ y tế của Chính phủ là giải pháp căn cơ, bền vững thúc đẩy các cơ sở y tế nâng cao quyền tự chủ tài chính, tạo đòn bẩy để nâng cao chất lượng khám chữa bệnh. Với cơ chế này, ông Bỉnh cho rằng, một số bệnh viện sẽ có điều kiện chuyển lên mô hình tự chủ tài chính tự bảo đảm chi thường xuyên và mô hình tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư.

Đại diện nhiều bệnh viện trên địa bàn Thành phố khẳng định, việc thực hiện tự chủ tài chính là một chủ trương đúng đắn cần phải đẩy mạnh. Giám đốc Bệnh viện Quận 2 Trần Văn Khanh cho biết, qua 1 năm thực hiện tự chủ toàn phần, doanh thu của bệnh viện tăng 32%, số bệnh nhân đến tăng 30% (từ 2.100 lượt khám ngoại trú/ngày lên 2.400 – 2.500 lượt/ngày), công suất sử dụng giường bệnh đạt 98%, tỉ lệ bệnh nhân chuyển viện thấp hơn so với trước khi tự chủ. Tự chủ là hướng đi đúng nếu như các đơn vị được đầu tư tốt từ ban đầu, ông Khanh nhấn mạnh.

Nhà thuốc bệnh viện quận 2, một trong những cơ sở y tế công lập được giao quyền tự chủ tự bảo đảm toàn bộ chi phí hoạt động thường xuyên
 (ảnh: website quận 2/TP.Hồ Chí Minh)

Đẩy mạnh xã hội hóa y tế

Để lĩnh vực y tế ngày càng phát triển, đảm bảo chất lượng khám chữa bệnh cho người dân tốt nhất, việc xã hội hóa y tế cần phải được đẩy mạnh. Từ năm 2006 tới nay, ngành y tế Thành phố đã có 91 dự án đầu tư thuộc chương trình vay kích cầu để đầu tư xây dựng, mở rộng bệnh viện, hệ thống xử lý nước thải, trang thiết bị y tế với tổng giá trị vay là 3.929 tỷ đồng, thời gian hoàn vốn từ 5-7 năm. Đây là hình thức vay vốn tối ưu nhất vì được ngân sách Thành phố trả lãi vay, giá thu dịch vụ do đơn vị tự quyết định, người bệnh không phải trả chi phí lãi vay, tài sản sau khi trả nợ thuộc về đơn vị và tiếp tục tạo nguồn thu, ngoài ra đây còn là cầu nối giúp khơi thông nguồn vốn cho các ngân hàng an toàn mà hiệu quả.

Bên cạnh việc vay vốn kích cầu, hình thức hợp tác trong sử dụng tài sản để liên doanh liên kết hoặc góp vốn liên doanh để mua sắm trang thiết bị cũng là một giải pháp hữu ích. Đến cuối năm 2016, trên địa bàn Thành phố có 109 đề án thực hiện hình thức đối tác lắp đặt trang thiết bị, bệnh viện tổ chức cung cấp dịch vụ với tổng giá trị là 1.100 tỷ đồng. Theo ông Bỉnh, hình thức này đã đáp ứng nhanh nguồn vốn đang thiếu hụt của đơn vị, góp phần giảm gánh nặng cho ngân sách, cơ sở y tế được đầu tư trang thiết bị hiện đại, nâng cao hiệu quả chẩn đoán, điều trị, phát hiện sớm, chính xác bệnh tật, giảm tỷ lệ tử vong. Các đối tượng nghèo, cận nghèo, trẻ em, chính sách xã hội cũng được hưởng lợi từ trang thiết bị này và được quỹ bảo hiểm thanh toán, ngoài ra phương thức này cũng góp phần giảm tải tuyến trên, giảm chi phí đi lại, thời gian chờ đợi của người bệnh. Tuy nhiên, hạn chế của hình thức này chính là ở chỗ mong muốn phải thu hồi vốn nhanh trong liên doanh, liên kết nên sẽ dẫn đến tình trạng có đơn vị lạm dụng các dịch vụ kỹ thuật, người bệnh phải thực hiện các kỹ thuật không cần thiết, tốn kém chi phí.

Trong các mô hình triển khai xã hội hóa, hiện nay, việc triển khai cơ chế hợp tác công -tư tại các bệnh viện cần phải được chú trọng đẩy mạnh. Theo ông Bỉnh, hiện nay Thành phố đã triển khai 6 đề án hợp tác công - tư, trong đó có 3 đề án đang thực hiện, 1 đề án đã trình UBND Thành phố, 2 đề án đang hoàn thiện Đề án trình UBND Thành phố.

Ưu điểm của hình thức hợp tác này là thực hiện giảm tải cho các bệnh viện công lập đang trong tình trạng quá tải, sử dụng nguồn lực sẵn có của các cơ sở y tế tư, tiếp cận được kỹ năng và kinh nghiệm của khu vực tư nhân, gia tăng và cải thiện chất lượng dịch vụ y tế nhằm đáp ứng nhu cầu xã hội.

Tuy nhiên, hợp tác theo hình thức này vẫn còn một số khó khăn. Hiện, bản thân các bệnh viện công lập quá tải chưa mạnh dạn hợp tác với các cơ sở y tế tư nhân vì muốn duy trì số bệnh nhân đến khám chữa bệnh để tạo nguồn thu cho đơn vị. Bên cạnh đó, hiện cũng chưa làm rõ về cơ chế cử công chức, viên chức, người lao động từ bệnh viện công sang làm việc tại cơ sở khám, chữa bệnh trong Đề án.

Ông Bỉnh cho rằng, trong thời gian tới, cần xây dựng cơ chế chính sách để khuyến khích các nhà đầu tư tham gia trong các hoạt động khám chữa bệnh, hoạt động cấp cứu ngoại viện, hoạt động dự phòng, hoạt động đào tạo. Triển khai các mô hình xã hội hóa y tế theo hướng mở rộng với nhiều hình thức đa dạng.

Mục tiêu của ngành y tế Thành phố Hồ Chí Minh từ nay tới năm 2020, phấn đấu xây dựng hệ thống y tế từng bước hiện đại, hoàn chỉnh, hướng đến công bằng, hiệu quả và phát triển, bảo đảm mọi người dân được hưởng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu, mở rộng tiếp cận và sử dụng các dịch vụ y tế có chất lượng. Đồng thời, phát triển ngành y tế trở thành ngành dịch vụ chất lượng cao, đóng góp lớn vào sự tăng trưởng kinh tế và phát triển xã hội bền vững. Bên cạnh đó, ngành y tế sẽ phấn đấu giảm các yếu tố nguy cơ gây bệnh, giảm tỷ lệ mắc bệnh và chết, nâng cao thể lực, tăng tuổi thọ của người dân. Để thực hiện được mục tiêu trên, việc đẩy mạnh tự chủ và xã hội hóa trong y tế là cần thiết và cần được triển khai mạnh mẽ hơn nữa bởi thực tế cho thấy mô hình trên đã và đang đem lại hiệu quả thiết thực, nâng cao rõ rệt về chất lượng khám chữa bệnh cho người dân./.

VL

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực