Đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ trong nông nghiệp

Thứ sáu, 27/03/2020 15:12
(ĐCSVN) – Theo Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Phạm Công Tạc, KH&CN đã góp phần vào thành công của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới; tham gia hỗ trợ theo chuỗi giá trị cho các sản phẩm quốc gia chủ lực, sản phẩm trọng điểm của địa phương…
leftcenterrightdel
(Ảnh minh họa: Bích Liên) 

Theo đó, hệ thống tổ chức sản xuất kinh doanh trong nông nghiệp, nông thôn tiếp tục được đổi mới phù hợp hơn với cơ chế thị trường. Kinh tế hộ nông thôn chuyển dịch theo hướng phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa, hình thành nhiều trang trại với quy mô lớn, hiệu quả cao. Doanh nghiệp nông nghiệp phát triển nhanh, đến năm 2019, cả nước có gần 10.000 doanh nghiệp nông nghiệp, tăng gần 4 lần so với 10 năm trước khi thực hiện Chương trình quốc gia xây dựng Nông thôn mới. Tổ chức liên kết sản xuất theo chuỗi phát triển đa dạng về hình thức và cấp độ, hình thành và được nhân rộng ở nhiều địa phương. Hiện cả nước có gần 25.000 mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, ứng dụng công nghệ cao, dần hình thành một số vùng sản xuất tập trung theo hướng hàng hóa quy mô lớn.

Trình độ khoa học và công nghệ (KH&CN) của nền nông nghiệp cũng được nâng cao, công tác đào tạo nghề cho nông dân được đẩy mạnh, xuất hiện nhiều điển hình tiêu biểu, cách làm sáng tạo ở tất cả các lĩnh vực kinh tế - xã hội, môi trường trong xây dựng nông thôn mới. Sự sáng tạo không chỉ ở một lĩnh vực, một chỉ tiêu mà hầu hết các lĩnh vực đều có những gương điển hình tiêu biểu, cách làm hay và trải rộng trên nhiều địa phương. Bên cạnh đó, còn có nhiều mô hình điển hình, cách làm hay, sáng tạo, hiệu quả trên khắp cả nước trong xây dựng nông thôn mới đã góp phần tích cực tạo nên sự thành công của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới.

Thứ trưởng Bộ KH&CN Phạm Công Tạc cho rằng: Tác động của biến đổi khí hậu ngày càng rõ nét và ảnh hưởng đến môi trường nông thôn, diễn biến thời tiết đang ngày càng phức tạp, tần suất và cường độ thiên tai ngày càng lớn và nghiêm trọng hơn. Do vậy, yêu cầu của ngành KH&CN trong phát triển bền vững nông nghiệp nông thôn ngày càng quan trọng. KH&CN đang có những bước phát triển vượt bậc, đặc biệt cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 mở ra cơ hội cho ngành Nông nghiệp nâng cao hiệu quả quản lý tài nguyên, quản lý sản xuất, nâng cao năng suất và giá trị gia tăng cho sản phẩm. Đồng thời, đưa các tiến bộ khoa học và kỹ thuật vào sản xuất theo chuỗi giá trị, tạo hướng đi mới để thay đổi cách thức tổ chức sản xuất.

Điển hình, nhờ ứng dụng KH&CN trong sản xuất mà tỷ trọng gạo chất lượng cao của Việt Nam chiếm trên 80% gạo xuất khẩu, giúp nâng giá gạo xuất khẩu bình quân tăng từ 502 USD/tấn năm 2018 lên 510 USD/tấn năm 2019. Đặc biệt, tại Hội nghị thương mại gạo thế giới lần thứ 11 tổ chức tại Phi-lip-pin, giống gạo ST25 của Việt Nam được công nhận là “gạo ngon nhất thế giới năm 2019”.

Cũng nhờ ứng dụng KH&CN, sản lượng xoài của Việt Nam đạt 825.000 tấn, tăng 4,2% so với năm trước; cam đạt trên 928.000 tấn, tăng 8,5%; bưởi đạt trên 739.000 tấn, tăng 12,1% ...

Tiếp tục phát huy hiệu quả những thành tựu trên, Bộ KH&CN cho biết sẽ phối hợp chặt chẽ với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nghiên cứu, tìm giải pháp để kiềm chế, ngăn chặn bệnh dịch; nghiên cứu sản xuất vắc-xin; đặc điểm bệnh lý sinh học dịch tễ; đánh giá hoạt tính kháng virus của một số chế phẩm tự nhiên; giải pháp an toàn sinh học; xử lý môi trường; giải pháp quản lý... để giúp ngành Nông nghiệp phát triển bền vững./.

Bích Liên

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực