Đề xuất ban hành đạo luật về kiểm soát ô nhiễm không khí

Thứ ba, 25/04/2017 16:30
(ĐCSVN) - Ngày 25/4, tại Hà Nội, trong khuôn khổ hợp tác với Quỹ Hanns Seidel - Cộng hòa Liên bang Đức, Văn phòng Quốc hội (VPQH) đã tổ chức Hội thảo "Ô nhiễm không khí tại Việt Nam - Thực trạng và giải pháp".

Hội thảo "Ô nhiễm không khí tại Việt Nam - Thực trạng và giải pháp". (Ảnh: BL)

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Phó Chủ nhiệm VPQH Đỗ Mạnh Hùng nêu rõ: Ô nhiễm môi trường không khí đang là vấn đề nghiêm trọng đối với môi trường đô thị, các khu công nghiệp và các làng nghề ở nước ta hiện nay. Tổ chức Y tế thế giới (WTO) liên tục đưa ra cảnh báo Việt Nam là quốc gia có mức độ ô nhiễm không khí đặc biệt cao so với các nước trong khu vực châu Á và Thái Bình Dương. Ở Việt Nam, có tới hơn 50% số ngày trong năm là có chất lượng không khí kém, trong đó Hà Nội là một trong những thành phố có mức độ ô nhiễm cao trên thế giới.

Ô nhiễm không khí không chỉ là vấn đề nóng tập trung ở các đô thị phát triển, các khu cụm công nghiệp mà trở thành mối quan tâm của toàn xã hội, được xem là một trong những tác nhân hàng đầu có nguy cơ tác động xấu đối với sức khỏe cộng đồng. Ô nhiễm môi trường không khí có tác động xấu đối với sức khỏe con người, đặc biệt là gây ra các bệnh đường hô hấp, ảnh hưởng đến các hệ sinh thái và biến đổi khí hậu (hiệu ứng nhà kính, mưa axít và suy giảm tầng ozone)… Công nghiệp hóa càng mạnh, đô thị hóa càng phát triển thì nguồn thải gây ô nhiễm môi trường không khí càng nhiều, áp lực làm biến đổi chất lượng không khí theo chiều hướng xấu càng lớn, yêu cầu bảo vệ môi trường không khí càng quan trọng.

Đồng quan điểm trên, ông Nguyễn Văn Thùy, Giám đốc Trung tâm quan trắc môi trường, Tổng cục Môi trường chia sẻ, bên cạnh các nguồn ô nhiễm trong nước, Việt Nam đang đối mặt với ô nhiễm không khí xuyên biên giới.

Theo ông Thùy, Việt Nam có biên giới với một số quốc gia có hoạt động sản xuất khá mạnh, chắc chắn bị ảnh hưởng bởi vấn đề ô nhiễm xuyên biên giới. Vấn đề ô nhiễm xuyên biên giới khá nhiều, không chỉ ảnh hưởng của một hai nước lân cận mà chúng ta còn bị ảnh hưởng từ những vùng khá xa.

Một số vấn đề như lắng đọng axit, sương mù quang hóa hay ô nhiễm xuyên biên giới tuy chưa có biểu hiện rõ ràng nhưng đã xuất hiện những dấu hiệu ảnh hưởng nhất định. Riêng việc quan trắc lắng đọng axit đã phát hiện chất ô nhiễm từ các quốc gia khác. “Hiện nay chưa có nhiều số liệu về vấn đề ô nhiễm xuyên biên giới. Tuy nhiên, Việt Nam đã bắt đầu tham gia mạng quan trắc lắng đọng axit, thủy ngân, các chất ô nhiễm xuyên biên giới, một thời gian nữa sẽ có số liệu”, ông Thùy cho biết.

Tại Hội thảo, các đại biểu đã nghe các tham luận về: Ô nhiễm không khí và tác động của ô nhiễm không khí tới tình hình kinh tế - xã hội; đánh giá thực trạng ô nhiễm không khí ở Việt Nam hiện nay và các nguyên nhân gây ô nhiễm; quản lý nhà nước về môi trường không khí và chống ô nhiễm không khí ở Việt Nam; ô nhiễm không khí ở Cộng hòa Liên bang  Đức: các chính sách và quy định kiểm soát ô nhiễm không khí; một số kinh nghiệm quốc tế trong quản lý chất lượng không khí; vai trò của Quốc hội trong công tác giám sát tình trạng ô nhiễm không khí ở Việt Nam; một số khuyến nghị nhằm hạn chế ô nhiễm không khí ở Việt Nam và việc hoàn thiện chính sách, pháp luật ở Việt Nam hiện nay.

Trước thực trạng trên, nhiều đại biểu cho rằng, cần thiết phải có những nghiên cứu và xây dựng chính sách phù hợp, nhằm hạn chế những tác hại đối với sức khỏe cộng đồng, góp phần làm giảm thiểu tác hại ảnh hưởng tới biến đổi khí hậu. Trong đó, có việc khẩn trương nghiên cứu để ban hành một đạo luật về kiểm soát ô nhiễm không khí với những quy định chi tiết để khắc phục những bất cập nêu trên. Đồng thời, cần xây dựng cơ chế thực thi pháp luật nghiêm minh, quy định rõ trách nhiệm, nghĩa vụ của các bên, mà trước tiên là trách nhiệm quản lý nhà nước./.

BL

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực