ĐHQGHCM: Chủ động nâng tầm hội nhập khu vực và quốc tế

Thứ năm, 06/08/2020 20:57
(ĐCSVN) - Từ những ngày đầu thành lập, Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh (ĐHQGHCM) đã nhận thức được vai trò và tầm quan trọng của hội nhập quốc tế, coi đây là động lực to lớn để thúc đẩy quá trình đổi mới tại ĐHQGHCM.

Trong quá trình phát triển, ĐHQGHCM luôn định hướng tiếp tục đẩy mạnh nâng tầm hội nhập quốc tế và khu vực trên các lĩnh vực hoạt động như: quản trị, đào tạo, phát triển đội ngũ, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ… Nhờ đó, ĐHQGHCM luôn là một trong những đơn vị tiên phong triển khai nhiều mô hình, công nghệ mới trong giáo dục và đào tạo, đạt được nhiều thành tựu, góp phần đổi mới giáo dục đại học Việt Nam.

Hợp tác trong nghiên cứu khoa học

Hội nhập quốc tế luôn được xem là động lực to lớn để thúc đẩy quá trình đổi mới

tại ĐHQGHCM.

Trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học, thời gian qua, việc hợp tác nghiên cứu khoa học vật liệu chính là điểm nhấn khi ĐHQGHCM đã có chương trình hợp tác với hai đại học lớn của Hoa Kỳ là Đại học California, Berkeley (UCB) và Đại học California, Los Angeles (UCLA). Điều này, đã góp phần gắn kết chặt chẽ giữa nghiên cứu và đào tạo sau đại học qua mô hình Mentoring. Nhờ mô hình này đã xây dựng truyền thống làm việc sáng tạo giữa các thế hệ thầy - trò thông qua truyền đạt kinh nghiệm học tập và nghiên cứu. Trên cơ sở chương trình Kỹ thuật hóa học, chuyên ngành Vật liệu cấu trúc nano và phân tử (MANAR) được triển khai từ năm 2009. ĐHQGHCM đã hình thành một số nhóm nghiên cứu vật liệu MOF và ZIF tại một số đơn vị thành viên và trực thuộc ĐHQGHCM. Từ đó, xây dựng được Trung tâm Nghiên cứu Vật liệu cấu trúc Nano và Phân tử (INOMAR) với hệ thống phòng thí nghiệm với trang thiết bị hiện đại. Các nhà khoa học trẻ của ĐHQGHCM đã làm chủ công nghệ thiết kế và tổng hợp các vật liệu khung cơ kim (MOF, ZIF, COF). Trong giai đoạn từ năm 2015 tới nay, các nhóm nghiên cứu mạnh của Trung tâm đã công bố 82 bài báo trên các tạp chí khoa học quốc tế uy tín thuộc hệ thống ISI trong đó có các tạp chí nổi tiếng có chỉ số ảnh hưởng (impact factor: IF) trên 11.

Cùng với đó, việc hợp tác nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực khoa học y sinh cũng được ĐHQGHCM chú trọng đầu tư và kêu gọi hợp tác thông qua hợp tác với UCLA. ĐHQGHCM đã đầu tư và triển khai Phòng thí nghiệm trọng điểm nghiên cứu ung thư với những trang thiết bị, phương tiện hiện đại như: Máy PCR, Kính hiển vi confocal; hệ thống nuôi chuột sạch và hệ thống robot sàng lọc thuốc. Bên cạnh đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, để phát huy năng lực cũng như hiệu quả trong hợp tác quốc tế, ĐHQGHCM đã tổ chức thành công 4 hội thảo, hội nghị quốc tế về khoa học Y Sinh từ 2013 đến năm 2017 và cử 12 nghiên cứu sinh sang đào tạo từ 1-2 năm tại UCLA theo mô hình Center for Global Mentoring. Các nhóm nghiên cứu của ĐHQGHCM cũng đang phối hợp với phía UCLA đăng ký sở hữu sáng chế quốc tế.

Chất lượng đào tạo theo chuẩn quốc tế

Hiện nay ĐHQGHCM đang tổ chức đào tạo 105 chương trình chất lượng cao, chiếm gần 64% ngành đào tạo chính quy, tổng quy mô đào tạo là hơn 12.900, đạt tỷ lệ 19% trên tổng quy mô đào tạo sinh viên đại học chính quy. 

Hiện nay ĐHQGHCM đang tổ chức đào tạo 105 chương trình chất lượng cao, chiếm gần 64% ngành đào tạo chính quy, tổng quy mô đào tạo là hơn 12.900, đạt tỷ lệ 19% trên tổng quy mô đào tạo sinh viên đại học chính quy. Trong đó, có 59 chương trình đào tạo chất lượng cao, 35 chương trình tài năng, 3 chương trình tiên tiến, 8 chương trình Kỹ sư chất lượng cao PFIEV đang triển khai đào tạo tại ĐHQG-HCM. Riêng bậc sau đại học, ĐHQGHCM triển khai chương trình đào tạo thạc sĩ chất lượng cao ở 4 ngành: Kỹ thuật dầu khí, Kỹ thuật viễn thông, kỹ thuật khoa học máy tính và quản lý xây dựng; 16 ngành liên kết sau đại học với các trường đại học danh tiếng trên thế giới.

PGS.TS Đinh Đức Anh Vũ –Phó Hiệu trưởng trường ĐH Quốc tế, ĐHQGHCM (nguyên Trưởng ban ban Đại học ĐHQGHCM) cho biết, việc chuẩn hóa chương trình đào tạo theo chuẩn mực quốc tế là yếu tố mang tính nền tảng hướng đến mục tiêu đào tạo đầu ra là những lao động với kiến thức và kỹ năng đáp ứng thị trường lao động quốc tế. Việc phát triển các chương trình chất lượng cao, trình độ quốc tế cũng là để thực hiện các nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu đặt ra trong dự thảo Báo cáo chính trị Đại hội Đại biểu Đảng bộ TP.HCM lần thứ XI: “Đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, trình độ quốc tế ở các lĩnh vực ưu tiên, phát huy vai trò trung tâm giáo dục - đào tạo của cả nước”.

Theo TS. Nguyễn Quốc Chính, Giám đốc Trung Tâm khảo thí và Đánh giá chất lượng Đào tạo ĐHQGHCM, hiện nay, ĐHQGHCM đang rất tích cực tham gia và phát huy vai trò thành viên trong các tổ chức và mạng lưới hợp tác trong khu vực và quốc tế. Đối với khu vực Đông Nam Á, ĐHQGHCM là thành viên chính thức và tích cực của Mạng lưới các trường Đại học Đông Nam Á (AUN) từ năm 1999. ĐHQGHCM đã xây dựng được quan hệ gắn kết với gần 30 đại học uy tín của khu vực Đông Nam Á và 21 trường đại học của Nhật Bản – Hàn Quốc – Trung Quốc. Tại đây, ĐHQGHCM đã tham gia tích cực vào quá trình xây dựng các đề xuất và phương hướng hợp tác chung giữa các trường đại học thành viên trong Mạng lưới AUN thông qua các cuộc họp Ban Chỉ đạo AUN, Hội nghị Hiệu trưởng các trường Đại học AUN, Hội nghị Hiệu trưởng các trường Đại học ASEAN+3, Hội nghị lãnh đạo quan hệ quốc tế ASEAN+3. ĐHQGHCM cũng là một trong những thành viên tích cực nhất trong AUN với việc tham gia 13 trong tổng số 16 mạng lưới theo chủ đề do AUN thành lập nhằm thúc đẩy các hoạt động trao đổi và giao lưu sinh viên, các hoạt động trao đổi học thuật và nghiên cứu trong các lĩnh vực đổi mới sáng tạo, kinh tế, khoa học sức khỏe, văn hóa – nghệ thuật.

Đối với khu vực châu Âu, ĐHQGHCM cũng là một trong những thành viên sáng lập và đóng góp tích cực trong Mạng lưới các trường đại học châu Âu – Đông Nam Á (ASEA-UNINET) với hơn 90 trường đại học từ 20 quốc gia khác nhau. Ngoài ra, ĐHQGHCM cũng là thành viên Tổ chức Đại học Pháp ngữ (Agence Universitaire Francophonie - AUF). Thông qua các mạng lưới giáo dục của châu Âu, ĐHQGHCM đã ký kết và triển khai các dự án thuộc khuôn khổ của Chương trình Eramus plus như: Dự án Phát triển chương trình đào tạo trong lĩnh vực IT và Công nghệ dệt may với trường ĐH Minho (Bồ Đào Nha); Dự án trao đổi cán bộ giảng viên hợp tác với A4U (Tây Ban Nha), UCTM (Bulgary), Liechtenstein (Liechtenstein), Uminho (Bồ Đào Nha), ĐH Sư phạm ở Krakow (Ba Lan).

“Việc tham gia tích cực vào các tổ chức giáo dục uy tín trên đã giúp ĐHQGHCM nâng cao vị thế quốc tế và hội nhập trong lĩnh vực giáo dục đại học, nghiên cứu và đổi mới. Đồng thời qua đó, đã góp phần nâng cao năng lực cho giảng viên và sinh viên. Chính vì thế, hiện nay, ĐHQGHCM đang dẫn đầu cả nước về các chương trình đào tạo đạt chuẩn kiểm định quốc tế với 66 chương trình, trong đó 4 chương trình đạt chuẩn ABET, 53 chương trình đạt chuẩn AUN-QA và 9 chương trình đạt chuẩn quốc tế khác” TS. Nguyễn Quốc Chính nhấn mạnh.

Gắn kết với cộng đồng - doanh nghiệp

 Trong giai đoạn năm 2016-2020, toàn ĐHQGHCM đã thu hút và triển khai được nhiều dự án tài trợ chính phủ và phi chính phủ với các quy mô khác nhau. Có thể kể tới như: Dự án “Kỹ năng nghề nghiệp Việt Nam” (kinh phí tài trợ của Canada cho dự án là 17,351 triệu CAD).

Trong giai đoạn năm 2016-2020, toàn ĐHQGHCM đã thu hút và triển khai được nhiều dự án tài trợ chính phủ và phi chính phủ với các quy mô khác nhau. Có thể kể tới như: Dự án “Kỹ năng nghề nghiệp Việt Nam” (kinh phí tài trợ của Canada cho dự án là 17,351 triệu CAD); Dự án “Nghiên cứu xử lý chất thải trong nuôi trồng thủy sản, chuyển đổi thành năng lượng điện thông qua pin nhiên liệu rắn thế hệ mới – góp phần phát triển bền vững vùng Đồng bằng sông Cửu Long” (kinh phí tài trợ của Nhật Bản cho dự án là 479.780.000 JPY). Hay như Dự án “Mạng lưới phát triển Giáo dục Kỹ thuật các Trường đại học Đông Nam Á” giai đoạn 3 (từ 2013 – 2018) (vốn viện trợ không hoàn lại của Nhật Bản là 11.4 triệu USD) và giai đoạn 4 (từ 2018 - 2023) (kinh phí tài trợ của Nhật Bản cho dự án là 1.8 triệu USD)…

Không chỉ đẩy mạnh các hoạt động quốc tế, ĐHQGHCM cũng còn rất chú trọng các hoạt động trong nước, nhằm gắn kết đại học - doanh nghiệp trong nghiên cứu khoa học và đào tạo đáp ứng nhu cầu xã hội. Giai đoạn 2016 – 2020, ĐHQGHCM đã tích cực triển khai các hoạt động xúc tiến, mở rộng quan hệ hợp tác, ký kết các thỏa thuận hợp tác, biên bản ghi nhớ, thỏa thuận tài trợ với 25 doanh nghiệp, tổ chức trong cả nước.

PGS.TS Vũ Hải Quân, Phó Giám đốc ĐHQGHCM cho biết, từ nay tới năm 2025, ĐHQGHCM phấn đấu bắt kịp các trường đại học nghiên cứu hàng đầu khu vực Đông Nam Á ở một số lĩnh vực đào tạo và nghiên cứu; đến năm 2030 phấn đấu đứng trong nhóm 100 trường đại học hàng đầu của châu Á. ĐHQGHCM cũng xác định sẽ tiếp tục đẩy mạnh việc chủ động hội nhập và hợp tác với khu vực và quốc tế, thúc đẩy các hoạt động quan hệ đối ngoại, tham gia đóng góp tích cực cho sự phát triển của cộng đồng và xã hội.

Với đặc thù là một đại học đa ngành, đa lĩnh vực, chất lượng cao, được Nhà nước ưu tiên đầu tư phát triển, làm nòng cốt trong hệ thống giáo dục Việt Nam. ĐHQGHCM đã xây dựng được các mối quan hệ hợp tác quốc tế với các đại học, viện nghiên cứu danh tiếng trên thế giới, tiếp thu các thành tựu, kinh nghiệm, từ đó phục vụ nhu cầu đổi mới và phát triển giáo dục Việt Nam./.

V.Lê

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực