Doanh nghiệp chưa quan tâm đến bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ

Thứ tư, 13/03/2019 15:59
(ĐCSVN) - Quyền sở hữu trí tuệ (SHTT), đặc biệt là quyền sở hữu công nghiệp (SHCN) ngày càng có ý nghĩa quan trọng và mang tính sống còn đối với doanh nghiệp (DN) trong quá trình hoạt động sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên, thực tế hiện không ít DN và người tiêu dùng chưa nhận thức rõ điều này, khiến tình trạng các vụ xâm phạm quyền SHCN gia tăng.

 
Thanh tra Bộ KH&CN xử lý vi phạm về hàng giả, hàng nhái.
(Ảnh minh họa. Nguồn ảnh: Bích Liên)

DN thờ ơ với đăng ký quyền SHCH

Theo Cục Sở hữu trí tuệ, năm 2018, Cục đã tiếp nhận 63.617 đơn đăng ký xác lập quyền sở hữu công nghiệp (tăng 8,1% so với năm 2017), trong đó, 46.369 đơn về nhãn hiệu đăng ký quốc gia, 7.508 đơn đăng ký quốc tế nhãn hiệu, 6.071 đơn sáng chế, 2.873 đơn kiểu dáng công nghiệp, 557 đơn giải pháp hữu ích…Trên cơ sở này, Cục đã xử lý được 42.867 đơn đăng ký xác lập quyền sở hữu công nghiệp (tăng 9,2% so với năm 2017), trong đó, 28.204 đơn nhãn hiệu đăng ký quốc gia, 7.508 đơn đăng ký quốc tế nhãn hiệu, 3.481 đơn sáng chế, 2.866 đơn kiểu dáng công nghiệp, 469 đơn giải pháp hữu ích…

Theo đánh giá của các chuyên gia, mặc dù số lượng đơn đăng ký quyền SHCN tăng nhưng ở mức độ rất khiêm tốn. Điều này cho thấy, nhận thức về SHTT, SHCN của các doanh nghiệp và cả người tiêu dùng Việt Nam hiện vẫn còn hạn chế, vẫn chưa hình thành văn hóa tôn trọng quyền SHTT của chủ thể khác.

Báo cáo mới nhất của Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (Bộ Công An) cũng cho thấy, năm 2018 lực lượng Cảnh sát kinh tế toàn quốc đã phát hiện, điều tra xử lý 467 vụ sản xuất, buôn bán hàng giả và xâm phạm SHTT, trong đó khởi tố 65 vụ/84 bị can; chuyển xử lý hành chính 402 vụ, còn một số vụ việc là hàng hóa giả mạo, xâm phạm nhưng không chứng minh được đối tượng liên quan (hàng vô chủ) nên chỉ tịch thu, tiêu hủy.

Theo ông Phan Ngân Sơn – Phó Cục trưởng Cục SHTT, tại Việt Nam, hoạt động khởi nghiệp sáng tạo đang phát triển ngày một mạnh mẽ. Tuy nhiên, có một thực trạng chung đó là các nhóm khởi nghiệp chỉ tập trung vào hình thành doanh nghiệp, kêu gọi vốn đầu tư mà chưa nghĩ đến việc đăng ký quyền bảo vệ SHTT hoặc ngại đăng ký vì nhiều lý do. Đôi khi điều này xuất phát từ sự thiếu hiểu biết về kiến thức bảo hộ quyền SHTT của các doanh nghiệp. Các doanh nghiệp thường không nắm được tầm quan trọng của quyền sở hữu trí tuệ và vẫn còn “thờ ơ” với việc đăng ký sở hữu trí tuệ. Đây cũng chính là nguyên nhân, tạo kẽ hở cho tình trạng vi phạm quyền SHTT gia tăng.

Do đó, việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho xã hội về sở hữu trí tuệ, đổi mới sáng tạo là hết sức quan trọng, đặc biệt là việc tuyên truyền sâu rộng về vai trò và sự gắn kết giữa đổi mới sáng tạo và sở hữu trí tuệ trong cộng đồng sinh viên và doanh nghiệp khởi nghiệp.

Triển khai quản trị đơn SHCN, xử lý vi phạm quyền SHTT

Các chuyên gia cũng cho rằng, sở dĩ SHTT có vai trò vô cùng quan trọng đối với DN. Bởi khi DN nắm giữ độc quyền về nhãn hiệu, kiểu dáng, sáng chế… cho một sản phẩm thì đương nhiên các đối thủ cạnh tranh sẽ không được phép khai thác, sử dụng các nhãn hiệu, kiểu dáng công nghiệp và sáng chế đó để sản xuất sản phẩm, vì thế DN duy trì được vị thế của sản phẩm trên thị trường. Nói cách khác đây là biện pháp phòng thủ của DN trước các đối thủ cạnh tranh tiềm năng, giúp DN chống lại những hành vi gian lận của các chủ thể khác.

Theo bà Nguyễn Như Quỳnh - Phó Chánh Thanh tra Bộ Khoa học và Công nghệ, doanh nghiệp và người tiêu dùng có thể hiểu rõ thêm về những nguyên nhân dẫn đến thực trạng vi phạm quyền SHTT. Mặc dù thanh tra của Bộ cùng các cơ quan chức năng khác đã có những biện pháp rất quyết liệt trong cuộc chiến chống xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp. Tuy nhiên, những cố gắng vẫn chưa thể đáp ứng so với yêu cầu của thực tiễn.

Dưới góc độ của cơ quan thực thi quyền SHTT, Phó Chánh Thanh tra Bộ Khoa học và Công nghệ khuyến cáo cộng đồng doanh nghiệp và người tiêu dùng nên chủ động đăng ký bảo hộ sở hữu công nghiệp cho nhãn hiệu hàng hoá của mình, phối hợp cùng các cơ quan chức năng xử lý các hành vi xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp...

Ông Đinh Hữu Phí - Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ cũng cho biết, để bảo vệ DN và cộng đồng trong thực thi quyền SHTT, Cục SHTT xác định bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp nói riêng cũng như hoạt động của Cục đều hướng đến hỗ trợ DN. Năm 2019, Cục tiếp tục xây dựng và thực hiện các giải pháp nhằm đẩy mạnh công tác xử lý đơn sở hữu công nghiệp, trong đó ưu tiên các đơn sáng chế, nhãn hiệu và đơn khiếu nại tồn sâu, cũng như đơn sáng chế của người nộp đơn Việt Nam để triển khai các chương trình, kế hoạch của Chính phủ và của Bộ Khoa học và Công nghệ.

Bên cạnh đó, thực hiện xây dựng định mức kinh tế - kỹ thuật và đơn giá thẩm định đơn sở hữu công nghiệp; xây dựng hệ thống dịch vụ công trực tuyến đạt cấp độ 4; nâng cao năng lực hạ tầng công nghệ thông tin để đáp ứng công việc chuyên môn và quản lý. Đặc biệt, triển khai tốt và đầy đủ Dự án Phát triển hệ thống quản trị đơn sở hữu công nghiệp điện tử (WIPO IPAS), cũng như các công việc có liên quan để từng bước đưa vào vận hành. Hệ thống phần mềm này sẽ hỗ trợ rất đắc lực cho Cục trong việc đẩy nhanh tốc độ xử lý đơn cũng như tạo ra sự thay đổi thiết thực trong thực tế.

Ông Phí cũng cho biết, dự kiến ngày 1/4/2019, Cục sẽ bắt đầu triển khai WIPO IPAS để áp dụng cho việc xử lý đơn kiểu dáng công nghiệp; cuối năm 2019 áp dụng cho nhãn hiệu; đầu năm 2020 áp dụng cho đơn sáng chế./.

Bích Liên

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực