Doanh nghiệp – Yếu tố thúc đẩy nghiên cứu khoa học gắn với đời sống

Thứ tư, 16/05/2018 15:35
(ĐCSVN) - Nằm trong chuỗi các hoạt động kỷ niệm ngày Khoa học Công nghệ Việt Nam (18/5), Đại học quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN) vừa tổ chức Tọa đàm “Phát triển khoa học công nghệ thông qua kết nối với doanh nghiệp”.

Phát biểu tại tọa đàm, Giám đốc ĐHQGHN Nguyễn Kim Sơn cho biết, ĐHQGHN luôn chú trọng phát triển các hoạt động nghiên cứu khoa học ứng dụng gắn với doanh nghiệp, hướng tới khởi nghiệp theo phương châm “KHCN là động lực phát triển của đại học nghiên cứu”.

Tọa đàm “Phát triển khoa học công nghệ thông qua kết nối với doanh nghiệp” tổ chức ngày 15/5 tại Hà Nội. Ảnh: HG

Các sản phẩm khoa học công nghệ (KHCN) của ĐHQGHN ngày càng đa dạng và khẳng định được vị thế của mình, được xã hội ghi nhận. Tuy nhiên, sự phát triển KHCN của ĐHQGHN còn gặp nhiều vướng mắc, trong đó có vấn đề kết nối với doanh nghiệp. “Mục tiêu KHCN mà ĐHQGHN hướng tới là giải quyết các vấn đề thực tiễn nhưng các vấn đề này sẽ không được giải quyết tốt nếu không có sự kết nối, vào cuộc của doanh nghiệp” – Giám đốc ĐHQGHN Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh.

Còn theo Phó Giám đốc ĐHQGHN Nguyễn Hữu Đức, ĐHQGHN luôn thúc đẩy các hoạt động KHCN, phát triển thành đại học định hướng nghiên cứu và hỗ trợ khởi nghiệp. Các hoạt động KHCN đang được kiến tạo, quản lý và tổ chức theo mô hình 4P: Tăng cường quản trị theo mục tiêu (Purpose); Phát triển sản phẩm “Đạt đỉnh cao dựa vào tri thức”, nghiên cứu dẫn dắt giảng dạy và học tập, nghiên cứu tạo ra công bố, bằng sáng chế và tư vấn chính sách (Products); Tập trung vào các nhiệm vụ ưu tiên (Priorities) và Thúc đẩy quan hệ đối tác (Partnerships).

Thực hiện giá trị cốt lõi – tiên phong trong nghiên cứu khoa học và đào tạo trình độ cao cùng với chủ trương kết hợp giữa viện nghiên cứu và trường đại học, gắn nghiên cứu – triển khai với sản xuất – kinh doanh, ĐHQGHN xác định hợp tác trường – viện – doanh nghiệp – đối tác quốc tế vừa là phương thức vừa là mục tiêu hướng tới sự phát triển chung cho sự nghiệp KHCN và giáo dục đại học Việt Nam.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Phùng Đức Tiến cũng đánh giá cao vai trò của KHCN với trường đại học và cần thiết kết nối giữa nhà trường và doanh nghiệp. Ông cho rằng, với tiềm lực lớn về KHCN cùng sự quan tâm sát sao của Ban Giám đốc, ĐHQGHN có thể tận dụng thế mạnh này cho sự phát triển bền vững của mình.

Tại tọa đàm, các đại biểu tập trung thảo luận các vấn đề xung quanh mô hình hợp tác trường – viện – doanh nghiệp. Các đại biểu đều cho rằng, mối quan hệ hợp tác giữa trường đại học và doanh nghiệp cần có định hướng, không dàn trải, đặc biệt ưu tiên các sản phẩm dẫn dắt thị trường. Khái niệm doanh nghiệp xã hội, doanh nghiệp xanh không còn mới đối với các nước trên thế giới, nhưng mới chỉ manh nha xuất hiện ở Việt Nam vài năm trở lại đây. Chính vì vậy, trường đại học đóng vai trò nghiên cứu, hỗ trợ doanh nghiệp thông qua các hoạt động KHCN. Đồng thời, trường đại học phải phát triển đồng bộ hệ sinh thái khởi nghiệp, gắn kết nhà khoa học, các phòng thí nghiệm, các đơn vị với các doanh nghiệp, đối tác, cựu sinh viên, các quỹ đầu tư…

Đại biểu tham dự phát biểu tại Tọa đàm. Ảnh: HG

Nhận định về cơ chế, chính sách phát triển khoa học công nghệ, Phó Chủ nhiệm Phùng Đức Tiến cho biết, Nhà nước có nhiều cơ chế, chính sách tạo động lực cho hoạt động KHCN nói chung. Tuy nhiên, chưa có cơ chế để doanh nghiệp tham gia đầu tư vào trường đại học, sự phối hợp hệ sinh thái đổi mới sáng tạo chưa chặt chẽ, thiếu cơ chế cụ thể. Sự đầu tư của Nhà nước còn đứt quãng, chưa dẫn dắt thị trường. Bên cạnh đó, phía đơn vị chủ trì (trường đại học) còn thiếu tính chủ động về việc hỗ trợ thông tin, tài chính (phần lớn do các nhà khoa học tự triển khai); thiếu cơ chế chính sách trong việc chuyển giao tri thức, cơ chế hình thành doanh nghiệp KHCN dựa trên gắn kết nhà khoa học với doanh nghiệp.

Trưởng ban Khoa học và Công nghệ Vũ Văn Tích cho biết, đến nay, ĐHQGHN có 27 nhóm nghiên cứu mạnh, 5 nhóm nghiên cứu tiềm năng, 10 phòng thí nghiệm/trung tâm nghiên cứu trọng điểm, là đầu mối triển khai các nhiệm vụ KHCN trọng điểm của ĐHQGHN đồng thời tham gia giải quyết các nhiệm vụ KHCN ưu tiên của đất nước, tạo ra các sản phẩm KHCN tiên tiến, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, tăng cường năng lực hợp tác và hội nhập quốc tế.

Các định hướng ưu tiên phát triển và nhu cầu hợp tác với doanh nghiệp của ĐHQGHN tập trung vào các nhóm sản phẩm: Sản xuất chế biến trong nông nghiệp công nghệ cao; Sản xuất dược phẩm; Sản xuất Nhiên liệu sinh học và ứng dụng công nghệ xử lý môi trường; Phát triển công nghệ giám sát và quan trắc hàng hải; Công nghệ thông tin, viễn thông trong tư vấn và quản trị…/.

Hương Giang

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực