Đổi mới hoạt động kiểm tra chuyên ngành, tạo điều kiện thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu

Thứ tư, 11/10/2017 21:05
(ĐCSVN) - Ngày 11/10, tại tỉnh Vỉnh Phúc, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) đã phối hợp với Dự án Quản trị Nhà nước nhằm tăng trưởng toàn diện (GIG) của Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tổ chức Hội thảo Rà soát hàng hóa nhóm 2 và văn bản quy phạm pháp luật về thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu của các Bộ quản lý ngành, lĩnh vực.
Toàn cảnh hội thảo. (Ảnh: BL)

 Tham dự hội thảo có đại diện của 12 Bộ quản lý ngành, lĩnh vực (Công Thương; Y tế; Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn; Giao thông Vận tải; Xây dựng; Thông tin và Truyền thông; Lao động - Thương binh và Xã hội; Công an; Quốc phòng; Tư pháp; Văn hóa, Thể thao và Du lịch…) và đại diện của Văn phòng Chính phủ, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương, các Hiệp hội, ngành hàng có liên quan tới hoạt động kiểm tra chuyên ngành và các chuyên gia quản lý kinh tế, chất lượng độc lập.

Theo Bộ KH&CN, hàng hóa nhóm 2 là các sản phẩm, hàng hoá (SPHH) có khả năng gây mất an toàn, ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng.Tuy nhiên, hiện danh mục các SPHH nhóm 2 được các bộ, ngành quy định quá rộng, nhiều mặt hàng không thực sự có nguy cơ gây mất an toàn.

Theo đó, ngày 9/8/2017, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số số 75/NQ-CP, trong đó giao Bộ KH&CN chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan rà soát và loại bỏ ít nhất 50% số mặt hàng trong danh mục hàng hóa nhóm 2 thuộc diện phải kiểm tra nhà nước trước khi thông quan của 12 Bộ chuyên ngành.

Cũng trong Nghị quyết này, Chính phủ giao các Bộ: Công Thương, Giao thông vận tải, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Y tế rà soát, cắt giảm thủ tục kiểm tra chuyên ngành với mục tiêu giảm tỷ lệ các lô hàng nhập khẩu phải kiểm tra chuyên ngành tại giai đoạn thông quan từ 30 - 35% hiện nay xuống 15%.

Triển khai nhiệm vụ được Chính phủ giao, Bộ KH&CN, trực tiếp là Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng rà soát hàng hóa nhóm 2 và các văn bản quy phạm pháp luật về thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu của các Bộ, quản lý ngành, lĩnh vực không phù hợp với Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa, Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật, Luật An toàn thực phẩm.

Với mục tiêu đổi mới hoạt động kiểm tra chuyên ngành theo chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết số 19-2017/NQ-CP về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2017, định hướng đến năm 2020, hội thảo là diễn đàn để đối thoại trực tiếp giữa các cơ quan quản lý và doanh nghiệp về định hướng các giải pháp, đề xuất cụ thể nhằm tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu thông qua việc giảm tỷ lệ hàng hóa kiểm tra chuyên ngành trước thông quan từ 35% xuống 15% và sửa đổi bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật chồng chéo, bất cập, không phù hợp với Luật Chất lượng SPHH; Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật; Luật An toàn thực phẩm...theo đúng tinh thần chỉ đạo của Chính phủ.

Phát biểu tại hội thảo, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng Việt Nam (Bộ KH&CN) Nguyễn Hoàng Linh cho biết, để triển khai nhiệm vụ được giao tại Nghị quyết 19, Bộ KH&CN đã chủ động làm việc với các Bộ, ngành để triển khai chỉ đạo của Chính phủ, đề nghị các Bộ chủ động rà soát các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến quy định về chứng nhận hợp quy, quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa theo quy định.

Theo đó, các Bộ đã rà soát, đề xuất cắt giảm hàng hóa nhóm 2 như: Bộ Công thương đề xuất loại bỏ ra khỏi danh mục 01 nhóm hàng hóa (sản phẩm dệt may các loại), Bộ Y tế đề xuất loại bỏ ra khỏi danh mục nhóm 02 với 26 sản phẩm, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đề xuất loại bỏ ra khỏi danh mục 16 sản phẩm (giống cây trồng lâm nghiệp, giống vật nuôi trên cạn, động vật và sản phẩm động vật phi thực phẩm...), Bộ Xây dựng đề xuất loại bỏ ra khỏi danh mục 36 sản phẩm...

Tuy vậy, hoạt động kiểm tra chuyên ngành, trong đó có hoạt động kiểm tra chất lượng sản phẩm hàng hóa còn nhiều bất cập.

Theo báo cáo mới nhất của Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ, công tác kiểm tra chuyên ngành còn gây khó khăn, tốn kém chi phí cho doanh nghiệp như: kiểm tra còn chồng chéo; danh mục hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành còn nhiều trong khi chưa ban hành đầy đủ quy chuẩn, tiêu chuẩn quốc gia, chủ yếu kiểm tra bằng cảm quan và trên hồ sơ nên tỷ lệ phát hiện lô hàng vi phạm chỉ 0,03%; chưa đẩy mạnh việc thừa nhận lẫn nhau...

Theo Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng, hiện các Bộ quản lý ngành, lĩnh vực cũng đang triển khai rà soát danh mục hàng hóa nhóm 2, biện pháp quản lý đối với hàng hóa nhóm 2 để chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm theo tinh thần chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết 19, Nghị quyết 75. Trong đó, cần đẩy mạnh thừa nhận lẫn nhau, quản lý rủi ro, chuyển sang hậu kiểm, giảm danh mục hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành tại khâu thông quan đến bảo đảm mục tiêu giảm tỷ lệ các lô hàng nhập khẩu phải kiểm tra chuyên ngành tại giai đoạn thông quan từ 35% hiện nay xuống 15%.

Trên cơ sở đó, Bộ KH&CN cùng các Bộ quản lý ngành, lĩnh vực sẽ nghiên cứu, tổng hợp, báo cáo về những văn bản dưới luật còn bất cập, chồng chéo, không phù hợp với các Luật chuyên ngành, cần phải bãi bỏ, điều chỉnh hoặc sửa đổi trong thời gian tới. Đồng thời, đề xuất với Chính phủ các giải pháp đổi mới hoạt động kiểm tra chuyên ngành trong từng lĩnh vực nhằm tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho cộng đồng doanh nghiệp nhưng vẫn đảm bảo việc kiểm soát chất lượng sản phẩm hàng hóa, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Tại hội thảo, các đại biểu nghe báo cáo Tổng quan chung về tình hình danh mục sản phẩm, hàng hóa nhóm 2, rà soát các văn bản QPPL của các Bộ liên quan của đại diện Tổng cục TTCĐLCL; báo cáo tình hình rà soát danh mục SPHH nhóm 2 và các VBQPPL của Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Xây dựng, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Giáo dục và Đào tạo…Hội thảo diễn ra trong 3 ngày, từ 11-13/10/2017./.

Bích Liên

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực