Đổi mới thi và tuyển sinh là đảm bảo trung thực, khách quan, giảm áp lực, giảm chi phí đối với thí sinh

Thứ hai, 31/10/2016 16:30
(ĐCSVN) – Báo cáo với đại biểu Quốc hội tại Kỳ họp thứ 2, khóa XIV về công tác tổ chức kỳ thi THPT quốc gia trong hai năm 2015- 2016, Bộ trưởng Bộ Giáo dục & Đào tạo (GD&ĐT) khẳng định: Đổi mới thi và tuyển sinh là một trong những nhiệm vụ quan trọng được cụ thể hóa trong Nghị quyết số 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.

Ảnh minh họa. Nguồn: VA.

Mục tiêu chung của đổi mới thi và tuyển sinh là đảm bảo trung thực, khách quan, giảm áp lực, giảm chi phí đối với thí sinh, gia đình và xã hội. Để đạt được mục tiêu đó, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ GD&ĐT xây dựng kế hoạch tổ chức kỳ thi THPT quốc gia để sử dụng kết quả với hai mục đích: Xét công nhận tốt nghiệp THPT và làm căn cứ để tuyển sinh ĐH, CĐ.

Trên cơ sở tiếp thu các ý kiến đóng góp và xem xét một cách toàn diện các khía cạnh của vấn đề, Thủ tướng Chính phủ đồng ý để Bộ GD&ĐT triển khai phương án đổi mới thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ từ năm 2015.

Theo phương án, lộ trình đổi mới thi và tuyển sinh được thực hiện qua 2 bước đảm bảo khoa học và khả thi: Giai đoạn đầu là đổi mới cách thức tổ chức thi và giai đoạn thứ hai là đổi mới phương thức thi với sự điều chỉnh hợp lý để dần hoàn thiện qua từng giai đoạn, tạo tâm lý ổn định cho học sinh, giáo viên, gia đình và xã hội.

Đánh giá về kỳ thi THPT quốc gia năm 2015, đây là năm đầu tiên Bộ GD&ĐT tổ chức kỳ thi THPT quốc gia, lấy kết quả để xét công nhận tốt nghiệp THPT và làm căn cứ để các cơ sở giáo dục ĐH sử dụng xét tuyển ĐH, CĐ.

Việc tổ chức kỳ thi này đã khắc phục về cơ bản những bất cập gây tốn kém, bức xúc của xã hội của các kỳ thi trước. Tuy nhiên, để đảm bảo tính khách quan, trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2015, Bộ GD&ĐT đã giao nhiệm vụ cho các trường ĐH chủ trì các cụm thi liên tỉnh và yêu cầu mỗi cụm thi phải có thí sinh của ít nhất 2 tỉnh nên vẫn còn một bộ phận thí sinh phải di chuyển từ tỉnh này sang tỉnh khác, gây khó khăn cho thí sinh và gia đình thí sinh. Bên cạnh đó, việc tổ chức 2 loại cụm thi (do trường ĐH chủ trì đối với thí sinh sử dụng kết quả cho 2 mục đích và Sở giáo dục và đào tạo chủ trì đối với thí sinh sử dụng kết quả để xét công nhận tốt nghiệp THPT) đã gây tâm lý băn khoăn về sự công bằng trong tổ chức thi và kết quả thi; việc huy động một số lượng lớn giảng viên các trường ĐH về địa phương để tổ chức thi dẫn đến tốn kém. Đặc biệt, việc cho thí sinh thay đổi nguyện vọng đăng ký xét tuyển ĐH, CĐ đã xảy ra hiện tượng đổi nguyện vọng gây xáo trộn ở một số trường có tính cạnh tranh cao, gây bức xúc trong xã hội. Tuy chỉ liên quan đến khâu xét tuyển nhưng cũng ảnh hưởng tới kết quả chung của công tác đổi mới kỳ thi.

Đánh giá về kỳ thi THPT quốc gia năm 2016, trên cơ sở phát huy những kết quả tích cực cũng như khắc phục những tồn tại, hạn chế của kỳ thi THPT quốc gia năm 2015, kỳ thi THPT quốc gia năm 2016 được tổ chức tốt hơn, trong đó có việc tổ chức cụm thi do trường ĐH chủ trì tại tất cả các tỉnh, thành phố, tạo điều kiện thuận lợi cho thí sinh trong việc đi lại, ăn ở, giảm áp lực và chi phí cho thí sinh và xã hội; đề thi có độ phân hóa tốt, đáp ứng được yêu cầu vừa sử dụng để công nhận tốt nghiệp THPT, vừa sử dụng để xét tuyển vào ĐH, CĐ; bước đầu đã ứng dụng công nghệ thông tin có hiệu quả trong quản lý thi và tuyển sinh; các Sở giáo dục và đào tạo đã đảm nhiệm tốt công tác tổ chức thi tại địa phương với sự phối hợp của các trường ĐH, CĐ.

Kỳ thi THPT quốc gia năm 2016 tuy đã khắc phục cơ bản những tồn tại của năm 2015 nhưng việc tổ chức kỳ thi vẫn còn một số bất cập như: Duy trì 2 loại cụm thi (một do trường ĐH chủ trì, một do Sở giáo dục và đào tạo địa phương chủ trì); một số lượng lớn cán bộ, giảng viên từ các trường ĐH, CĐ phải di chuyển về các địa phương, có nơi rất xa để coi thi, gây tốn kém và áp lực cho giảng viên; đề thi chưa bao quát tối đa chương trình, khiến cho học sinh vẫn lo lắng, dẫn đến học tủ, học lệch; thời gian thi, nhất là số ngày thi còn dài (thi 08 môn trong 4 ngày) gây vất vả cho thí sinh và công tác tổ chức; công tác chấm bài thi tự luận dù được tập trung chỉ đạo nhưng vẫn chưa thể đảm bảo tính khách quan tuyệt đối vì còn phụ thuộc nhiều vào giáo viên chấm thi... Do đó, nếu chỉ dừng lại ở việc đổi mới cách thức tổ chức kỳ thi mà không đổi mới phương thức thi thì việc đổi mới thi THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ vẫn chưa đạt được mục tiêu mà Nghị quyết số 29-NQ/TW đã đề ra.

Cùng với việc tổ chức kỳ thi THPT quốc gia, từ năm 2015, thí sinh được đăng ký xét tuyển sau khi có kết quả thi, tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh. Nhưng do chưa quen với hình thức xét tuyển mới này nên nhiều học sinh, phụ huynh còn lo lắng. Việc cho thí sinh đăng ký nhiều nguyện vọng cũng dẫn đến vấn đề "thí sinh ảo" gây khó khăn cho các trường. Đây là những vấn đề mà phương án tuyển sinh năm 2017 cần tiếp tục xử lý.

Xuất phát từ thực tiễn trên, phát huy những kết quả tích cực, khắc phục những điểm hạn chế của kỳ thi năm 2016, Bộ GD&ĐT đã xây dựng phương án tổ chức kỳ thi THPT quốc gia và xét tuyển vào ĐH, CĐ năm 2017 và những năm tiếp theo. Cụ thể, Bộ GD&ĐT vẫn tiếp tục tổ chức kỳ thi THPT quốc gia lấy kết quả để xét công nhận tốt nghiệp THPT và làm căn cứ để các trường ĐH, CĐ tuyển sinh. Kỳ thi được tổ chức ở tất cả các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương do Sở giáo dục và đào tạo chủ trì; các trường ĐH, CĐ phối hợp, hỗ trợ tổ chức thi; triệt để ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác tổ chức thi và xét tuyển ĐH, CĐ.

Đặc biệt, áp dụng hình thức thi trắc nghiệm khách quan với hầu hết các bài thi (trừ môn Ngữ văn). Mỗi thí sinh trong cùng một phòng thi có một mã đề thi riêng. Kết quả làm bài của thí sinh được chấm bằng máy quét với phần mềm máy tính. Phương thức thi này có thể xem như hàng rào kỹ thuật đảm bảo cho kết quả kỳ thi tin cậy hơn, loại trừ hầu hết tiêu cực có thể xảy ra trong quá trình coi thi, chấm thi.

Theo Bộ GD&ĐT, đổi mới thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ, ngoài việc làm cho kỳ thi trở nên nhẹ nhàng, trung thực, khách quan hơn, còn tác động tích cực trong đổi mới cách dạy, cách học của các trường THPT, từ đó nâng cao chất lượng đào tạo. Đối với các trường ĐH, CĐ, kết quả của kỳ thi nghiêm túc, có độ phân hóa tốt sẽ giúp cho các trường thuận lợi hơn trong tuyển sinh; tổ hợp xét tuyển đa dạng cũng giúp cho các trường tuyển được thí sinh phù hợp hơn đối với các ngành khác nhau.

Phương án tổ chức kỳ thi THPT quốc gia năm 2017 sẽ được tiếp tục áp dụng trong các năm 2018, 2019 với những điều chỉnh hợp lý trên cơ sở rút kinh nghiệm tổ chức thi và tuyển sinh từng năm, đồng bộ với quá trình đổi mới dạy học, kiểm tra đánh giá trong các nhà trường phổ thông, để từ năm 2020 trở đi được tổ chức ổn định, đảm bảo sự tương thích với định hướng đổi mới chương trình giáo dục phổ thông đã được Chính phủ phê duyệt./. 

Mỹ Anh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực