Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân khảo sát các mô hình sản xuất an toàn thực phẩm tại tỉnh Hà Nam

Thứ ba, 23/02/2016 20:56
(ĐCSVN) - Chiều 23/2, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân dẫn đầu đoàn công tác liên ngành: MTTQ Việt Nam, Y tế, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công thương... đã khảo sát các mô hình sản xuất an toàn tại tỉnh Hà Nam.

Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân làm việc với lãnh đạo tỉnh Hà Nam

Cuộc khảo sát này là một trong những hoạt động nhằm chuẩn bị cho việc giám sát về an toàn vệ sinh thực phẩm - nội dung giám sát duy nhất của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam trong năm 2016.

Sau khi đi khảo sát các mô hình sản xuất an toàn tại tỉnh Hà Nam, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân đã làm việc với lãnh đạo tỉnh Hà Nam về một số nội dung liên quan đến sản xuất, bảo quản, tiêu thụ nông sản sạch, bảo đảm an toàn thực phẩm; giải pháp phát triển sản xuất nông nghiệp theo mô hình chuỗi liên kết, nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm...

Báo cáo với đoàn khảo sát, đồng chí Mai Tiến Dũng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Hà Nam cho biết: Nhận thức rõ việc xây dựng, tạo lập và phát triển nông nghiệp sạch là hướng đi mới trong xây dựng nông thôn mới, thời gian qua, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã ban hành nhiều Nghị quyết, Chỉ thị, Kế hoạch, Chương trình, Đề án và đặc biệt là có cơ chế, chính sách cụ thể trong xây dựng nông thôn mới cũng như phát triển sản xuất nông nghiệp, trong đó chú trọng phát triển nông nghiệp sạch, bảo vệ môi trường vì sức khỏe người dân.

Đến nay, tỉnh đã có 1.441 hộ tham gia thực hiện mô hình trồng và nhân giống nấm ăn các loại; 5.353 hộ tham gia thực hiện mô hình chăn nuôi trên nền đệm lót sinh học (lợn không tắm) nhằm phát triển chăn nuôi hộ gia đình, chống ô nhiễm môi trường trong khu dân cư; 208 trang trại chăn nuôi bò sữa với gần 3.000 con được quy hoạch và thiết kế theo mô hình "Biệt thự bò'' để kiểm soát môi trường, phòng chống dịch bệnh, tạo sản phẩm sữa sạch, sản lượng sữa đạt 14,8 tấn/ngày và nhiều mô hình khuyến nông mang lại hiệu quả kinh tế cao. Tỉnh đã đầu tư chợ lợn đầu mối tại Bối Cầu, huyện Bình Lục là điểm tập trung cung cấp lợn sạch (không sử dụng chất cấm trong chăn nuôi) cho thị trường Hà Nội và các tỉnh lân cận với gần 4.000 con lợn sống/ngày...

Cùng với đó, tỉnh có cơ chế ưu đãi đầu tư hạ tầng khung trong và ngoài khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, cơ chế ưu đãi về thuế, đất.. để thu hút các doanh nghiệp nước ngoài, nhất là Nhật Bản. Các doanh nghiệp này sẽ đầu tư các khu sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao làm hạt nhân (đã có 3 khu), tạo sự lan tỏa trong dân, thu hút nông dân tham gia chuỗi sản xuất, hướng tới xuất khẩu cũng như cung cấp thực phẩm sạch cho người dân.

Tuy đã bước đầu có một số kết quả trong sản xuất an toàn, nhưng theo Bí thư Tỉnh ủy Hà Nam Mai Tiến Dũng, nan giản nhất hiện nay nằm ở khâu chế biến; các cơ sở giết mổ nhỏ lẻ của người dân không bảo đảm an toàn thực phẩm...

Đánh giá cao tỉnh Hà Nam đã mở ra cuộc vận động "Toàn dân tham gia xây dựng nông thôn mới gắn với xây dựng con người Hà Nam văn hóa, thi đua sản xuất hàng hóa nông sản và thực phẩm sạch vì sức khỏe cộng đồng'', coi đó là tiêu chí thứ 20 trong xây dựng nông thôn mới, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân nêu rõ kết quả đạt được từ những mô hình, đề án trong sản xuất nông sản sạch có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở và người dân, tạo hiệu ứng tích cực từ sản xuất đến tiêu dùng.

Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, hiện nay có tình trạng người dân trồng rau ở một mảnh đất riêng để ăn, còn rau trồng để bán thì ở khu vực khác. Đây là điều rất đáng báo động vì rau trồng riêng để ăn thì an toàn và rau để bán thì ngược lại. Trong khi đó, rau, cây và gia súc, gia cầm không an toàn là hành vi đầu độc người tiêu dùng. Sản xuất không an toàn là đồng nghĩa với việc đầu độc chính người Việt Nam.

Đoàn công tác khảo sát mô hình sản xuất cây trồng chất lượng cao của Công ty cổ phần An Phú Hưng

Trong khi đó, trong thời kỳ hội nhập quốc tế hiện nay, người dân đang lựa chọn mua rau quả, thịt nhập khẩu với niềm tin an toàn thực phẩm. Do đó, hàng hóa Việt Nam dù rẻ hơn nhưng không tạo được niềm tin về an toàn thực phẩm sẽ có nguy cơ thua ngay trên sân nhà. “Phát triển nông nghiệp hiện nay phải gắn với vấn đề bảo vệ môi trường, ứng dụng công nghệ cao, bảo đảm an toàn thực phẩm. Mỗi địa phương cần có những cơ chế mang tính sáng tạo, đột phá để bảo đảm mục tiêu này” – Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân nói.

Do đó, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân đề nghị tỉnh Hà Nam cần có giải pháp xây dựng thương hiệu cho các mặt hàng nông sản; quan tâm, giám sát chất lượng các sản phẩm mang thương hiệu của tỉnh để bảo đảm niềm tin của nhân dân về an toàn thực phẩm; cần tuyên truyền, vận động người dân hiểu được cần nuôi, trồng, nuôi bảo đảm an toàn vì bản thân, gia đình và xã hội. Trong tiêu chí gia đình văn hóa cần xác định tiêu chí không trồng, nuôi, bán sản phẩm nông nghiệp không an toàn…

Trước đó, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân cùng đoàn công tác đã đến thăm mô hình sản xuất cây trồng chất lượng cao của Công ty cổ phần An Phú Hưng tại xã Nhân Khang, huyện Lý Nhân, với sản lượng rau đạt được năm 2015 là 491,75 tấn, hiệu quả diện tích sản xuất rau củ quả sạch gấp 10 lần sản xuất truyền thống; khu Biệt thự Bò sữa tại xã Nhân Bình, huyện Lý Nhân. Phát biểu tại các nơi đến thăm, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, nền nông nghiệp Việt Nam muốn vươn lên công nghệ cao cần suy nghĩ các phương thức hiệu quả như áp dụng tiên bộ khoa học công nghệ vào các khâu và sự trợ giúp của các chuyên gia nước ngoài… Đó cũng chính là hướng đi tắt đón đầu và là con đường đưa công nghiệp cao vào nông nghiệp của tỉnh Hà Nam./.

Phan Thảo

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực