Đồng Nai nâng cao chất lượng khám chữa bệnh

Thứ sáu, 04/12/2015 19:50
(ĐCSVN) – Theo Sở Y tế tỉnh Đồng Nai, đến nay công tác khám chữa bệnh của tỉnh này đã có bước phát triển mạnh mẽ cả về quy mô, trang thiết bị, chất lượng chuyên môn. Hệ thống y tế của Đồng Nai đã đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu khám chữa bệnh ngày càng cao và đa dạng của nhân dân.

Bước phát triển vượt bậc về cơ sở vật chất

Bệnh viện đa khoa mới Đồng Nai vừa được đưa vào sử dụng trong năm 2015. (Ảnh: K.V)

Từ năm 2010 đến nay, tuyến tỉnh của Đồng Nai đã có 9 bệnh viện với cơ sở vật chất và trang thiết bị đạt chuẩn được đưa vào sử dụng. Các bệnh viện tuyến tỉnh đều được xây mới hoặc nâng cấp, mở rộng. Năm 2015, số giường bệnh của hệ thống y tế Nhà nước ở Đồng Nai đã tăng 22% so với năm 2010, từ 4.820 giường lên 6.195 giường.

Đối với y tế tuyến xã, tỉnh Đồng Nai cũng đã đầu tư xây dựng mới và bổ sung trang, thiết bị cho 22 trạm y tế. Thông qua việc củng cố và hoàn thiện mạng lưới y tế cơ sở, chất lượng khám, chữa bệnh ban đầu tại tuyến cơ sở được nâng lên. Đến nay, đã có 90% trạm y tế đủ điều kiện đăng ký khám, chữa bệnh ban đầu cho người có thẻ bảo hiểm y tế.

Các công trình bệnh viện trên địa bàn tỉnh đã được khởi công và nhiều dự án đã được đưa vào hoạt động, phục vụ nhu cầu khám chữa bệnh của nhân dân với những trang thiết bị hiện đại như Bệnh viện đa khoa tỉnh Đồng Nai, Bệnh viện nhi Đồng Nai, Bệnh viện đa khoa khu vực Long Khánh.v.v…

Mới đây, Bệnh viện đa khoa Thống Nhất Đồng Nai đã khởi công dự án xây dựng khu hành chính cùng Khoa Khám bệnh và Khoa Cấp cứu với tổng kinh phí 116 tỷ đồng. Cả 3 tòa nhà mới này sẽ đi vào hoạt động từ năm 2017. Đây là dự án mới nhất sau hàng loạt công trình lớn, nhỏ mà ngành Y tế Đồng Nai triển khai nhằm đáp ứng cơ sở vật chất để phục vụ nhu cầu khám, chữa bệnh của người dân ngày một tốt hơn.

Trước đó, Bệnh viện đa khoa Đồng Nai mới cũng đã chính thức đi vào hoạt động. Vốn đầu tư xây dựng bệnh viện này là trên 3 nghìn tỷ đồng. Trong đó, giai đoạn 1 có quy mô 700 giường bệnh từ nguồn ngân sách địa phương với tổng mức đầu tư dự án lên đến trên 2.000 tỷ đồng. Giai đoạn 2 với quy mô 700 giường bệnh, đầu tư từ nguồn vốn xã hội hóa với tổng mức xây dựng trên 1.200 tỷ đồng. Bác sỹ Phan Huy Anh Vũ, Giám đốc Bệnh viện đa khoa Đồng Nai cho biết, từ khi đi vào hoạt động, Bệnh viện đã được trang bị nhiều thiết bị kỹ thuật cao trong khám, chữa bệnh, như máy CT có 2 mức năng lượng, thiết bị xạ trị trong, ngoài để trị bệnh ung thư; mổ nội soi...

Tiếp đó, khoảng đầu năm 2016, Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai sẽ chính thức đưa vào hoạt động Khoa Nhiễm. Công trình có quy mô 150 giường bệnh, tổng diện tích sàn xây dựng 7.200 m2, với tổng vốn đầu tư là 79 tỷ đồng từ ngân sách của tỉnh. Không chỉ có các bệnh viện tuyến tỉnh được đầu tư xây dựng, hiện trên địa bàn tỉnh Đồng Nai, các bệnh viện tuyến huyện, trạm y tế cũng được đầu tư xây mới. Đó là Bệnh viện đa khoa khu vực Long Khánh và Bệnh viện đa khoa huyện Tân Phú cũng đang trong quá trình xây mới.

Cũng theo Sở Y tế tỉnh Đồng Nai, từ năm 2010 đến nay, trung bình mỗi năm các bệnh viện của Đồng Nai đã triển khai 50 kỹ thuật mới thông qua thực hiện các đề án như Đề án 1816, Đề án Bệnh viện vệ tinh. Đến nay, 100% bệnh viện đa khoa tuyến tỉnh và khu vực đã thực hiện được phẫu thuật nội soi, phẫu thuật sọ não. Hầu hết các bệnh viện tuyến huyện hiện nay đã có thể triển khai phẫu thuật trong nhiều trường hợp bệnh khác nhau, trong đó một số bệnh viện đã thực hiện được phẫu thuật nội soi, phẫu thuật sọ não. Đặc biệt, trong năm 2015, Bệnh viện đa khoa Đồng Nai và Bệnh viện Thống Nhất Đồng Nai đã triển khai phẫu thuật can thiệp tim mạch. Nhiều kỹ thuật cao trong chẩn đoán và điều trị như: vi phẫu thần kinh - mạch máu, nội soi khớp, phẫu thuật thay khớp háng và khớp gối, phẫu thuật thần kinh... đã được thực hiện thường quy tại nhiều bệnh viện.

Việc đầu tư trang thiết bị y tế nhằm đáp ứng nhu cầu chữa bệnh của người dân cũng đang được các bệnh viện tuyến huyện, khu vực chú ý thực hiện. Ví dụ như, từ năm 2014, Bệnh viện đa khoa khu vực Long Khánh cũng đã thực hiện thêm kỹ thuật chạy thận nhân tạo. Trong năm 2015, bệnh viện này đã chú trọng tăng cường các xét nghiệm cao cấp, phẫu thuật nội soi, đưa vào hoạt động máy MRI để có thể phát hiện bệnh sớm hơn cũng sẽ giúp bệnh nhân giảm bớt chi phí điều trị trước khi quá muộn.

Để nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, từ nay đến năm 2020, ngành y tế Đồng Nai sẽ tập trung đầu tư trang thiết bị theo hướng hiện đại cho một số bệnh viện tuyến tỉnh, hình thành một số trung tâm y tế kỹ thuật cao trong các bệnh viện tuyến tỉnh. Các lĩnh vực tập trung đầu tư phát triển là tim mạch can thiệp, chấn thương chỉnh hình, sản phụ khoa, ung thư, lọc máu, chống độc, hồi sức sơ sinh...

Nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh

Đưa bác sỹ về cơ sở khám chữa bệnh cho người dân. (Ảnh: K.V)

Đi đôi với việc đầu tư cơ sở hạ tầng, trang thiết bị y tế, đội ngũ cán bộ y tế của tỉnh Đồng Nai cũng được tăng cường cả về số lượng và chất lượng. Trên địa bàn tỉnh, tỷ lệ số bác sĩ/vạn dân đã tăng từ 3,6 (năm 2010) lên 7 bác sĩ/vạn dân (năm 2015). Từ năm 2010 đến nay, số cán bộ y tế và số bác sĩ trong tỉnh Đồng Nai đã tăng hơn 2 lần so với 5 năm trước đó. Đội ngũ cán bộ y tế được tăng cường cả về số lượng và chất lượng. Toàn ngành hiện có trên 2 nghìn bác sĩ, trong đó có trên 600 cán bộ y tế có trình độ sau đại học, với hơn 100 tiến sĩ, thạc sĩ, bác sĩ chuyên khoa II. Từ một trong những tỉnh có số bác sĩ trên một vạn dân thấp nhất cả nước trong giai đoạn 2006-2010, đến nay Đồng Nai đã ở mức trung bình khá, tương đương với các tỉnh trong khu vực.

Những năm qua, tỉnh Đồng Nai cũng luôn chú trọng nâng cao tay nghề cho các bác sĩ thông qua việc hỗ trợ kinh phí để thực hiện Đề án 1816 về “Cử cán bộ luân phiên chuyên môn từ bệnh viện tuyến trên về hỗ trợ các bệnh viện tuyến dưới nhằm nâng cao chất lượng khám chữa bệnh” và đề án bệnh viện vệ tinh. Đến nay, 100% bệnh viện đa khoa tuyến tỉnh và bệnh viện đa khoa khu vực đã thực hiện được phẫu thuật nội soi, phẫu thuật sọ não. Hầu hết các bệnh viện tuyến huyện đã triển khai được một số kỹ thuật, như mổ lấy thai, thai ngoài tử cung, thoát vị bẹn, viêm ruột thừa...

Theo thông tin từ Sở Y tế Đồng Nai, trong 5 năm qua, trung bình mỗi năm các bệnh viện của tỉnh đã triển khai 50 kỹ thuật mới thông qua thực hiện Đề án 1816 và đề án bệnh viện vệ tinh. Nhiều kỹ thuật cao trong chẩn đoán và điều trị được thực hiện thường quy tại nhiều bệnh viện trong tỉnh, như: vi phẫu thần kinh - mạch máu, nội soi khớp, phẫu thuật thay khớp háng và khớp gối, phẫu thuật thần kinh, phẫu thuật chấn thương cột sống - thoát vị đĩa đệm, phẫu thuật nội soi tuyến giáp, đại tràng, vi phẫu thanh quản, phẫu thuật nội soi màng phổi, lọc máu...

Ngoài ra, nhiều bệnh viện tuyến tỉnh ở Đồng Nai còn liên kết với các chuyên gia đầu ngành để chuyển giao các kỹ thuật khó, như: mổ nội soi khớp khuỷu, nội soi khớp vai, nội soi cắt tử cung toàn phần và bán phần...Đặc biệt năm 2015 việc triển khai phẫu thuật can thiệp tim mạch tại Bệnh viện đa khoa Thống Nhất và Bệnh viện đa khoa Đồng Nai là một bước tiến đáng kể trong nâng cao tay nghề, chất lượng khám, chữa bệnh của đội ngũ bác sĩ chuyên khoa tim mạch trong tỉnh, góp phần cứu sống nhiều bệnh nhân bị nhồi máu cơ tim ngay trong thời gian vàng mà không phải chuyển tuyến.

Ngoài ra, Đồng Nai còn có đề án án “Đào tạo sinh viên y, dược chính quy theo địa chỉ sử dụng”. Theo Bác sỹ Huỳnh Minh Hoàn, Giám đốc Sở Y tế Đồng Nai, mục đích của đề án “Đào tạo sinh viên y, dược chính quy theo địa chỉ sử dụng” là bổ sung nguồn nhân lực cho các đơn vị còn thiếu bác sĩ, dược sĩ. Từ năm 2008 đến nay, đã có khoảng 300 sinh viên tham gia đề án này và mỗi năm tỉnh Đồng Nai đã chi 4,4 tỷ đồng cho chương trình đào tạo nói trên. Ngoài ra, hàng năm  tỉnh Đồng Nai cũng đã thu hút trên 100 bác sĩ từ các địa phương khác về làm việc, đa số là bác sĩ đa khoa, bác sĩ y tế dự phòng, làm việc chủ yếu ở các bệnh viện lớn của tỉnh này.

Ngành y tế Đồng Nai cũng đang chú trọng đào tạo và thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, từng bước hình thành đội ngũ cán bộ y tế đầu ngành, chuyên sâu. Tăng cường các chương trình hợp tác với các bệnh viện tuyến trên, hợp tác quốc tế trong đào tạo cán bộ y tế. Đồng thời đẩy mạnh thực hiện quy tắc giao tiếp, ứng xử và đổi mới phong cách, thái độ phục vụ của cán bộ y tế hướng tới sự hài lòng của người bệnh. Bác sỹ Huỳnh Minh Hoàn, Giám đốc Sở Y tế Đồng Nai cho biết, một trong những nội dung đổi mới quan trọng mà các cơ sở khám chữa bệnh phải tập trung thực hiện chính là xây dựng phong cách, thái độ phục vụ văn minh, thân thiện, không có tiêu cực. Theo đó, các đơn vị phải phát động phong trào thi đua “tích cực rèn luyện y đức, tinh luyện y thuật”, xây dựng hình ảnh người cán bộ y tế với “Nụ cười từ trái tim”. Đồng thời các khoa, phòng trong đơn vị phải thảo luận đưa ra giải pháp cụ thể để khắc phục hành vi ứng xử không tốt của từng cán bộ y tế với người bệnh, như: thờ ơ, cáu gắt, hách dịch, cửa quyền, biểu hiện gợi ý nhận tiền, quà, gây phiền hà cho người bệnh.

Theo đó, từ năm 2016, tất cả các đơn vị phải triển khai đánh giá sự hài lòng của người bệnh định kỳ hàng tháng. Qua đó, đánh giá thái độ phục vụ, chăm sóc người bệnh của nhân viên y tế qua đường dây nóng, hộp thư góp ý, phản ánh trực tiếp của người dân, kiểm tra đột xuất, các kênh thông tin đại chúng... để không ngừng nâng cao chất lượng phục vụ. Đặc biệt, kịp thời biểu dương, khen ngợi các tập thể, cá nhân thực hiện tốt nội dung đổi mới và kiên quyết xử lý nghiêm minh những cá nhân vi phạm quy tắc ứng xử, gây hậu quả nghiêm trọng./..

 K.V

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực