Giáo dục cần cởi mở, minh bạch để tạo đồng thuận trong xã hội

Thứ năm, 02/08/2018 17:14
(ĐCSVN)- Ngành Giáo dục cần tạo các diễn đàn để người dân đóng góp ý kiến đa chiều từ nhiều góc độ, tạo sự đồng thuận trong xã hội với những ý kiến mang lại lợi ích chung. Giáo dục quan trọng nhất là phải cởi mở, minh bạch thì mới tạo được sự đồng thuận trong xã hội, đây là kinh nghiệm quý mà ngành giáo dục phải thực hiện.

Đó là nhấn mạnh của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết năm học 2017-2018, triển khai nhiệm vụ năm học 2018-2019 do Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) tổ chức vào ngày 2/8.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị. Ảnh: VA

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nêu rõ: Năm 2018 là năm thứ 5 nước ta thực hiện Nghị quyết số 29/NQ-TW của Hội nghị Trung ương 8 Khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Nhiệm kỳ vừa qua, nhiều báo cáo đã đánh giá tổng thể tình hình kinh tế - xã hội của đất nước đã đạt được những thành tựu toàn diện, nhiều mặt nổi bật được thế giới đánh giá cao, trong đó có ngành Giáo dục.

Kể từ khi thực hiện Nghị quyết TƯ 29 đến nay, có rất nhiều đổi mới trong ngành Giáo dục đã đạt những kết quả triển vọng, một số mặt đạt kết quả rất rõ. Có thể đánh giá chung, hướng đi chúng ta đã chọn đúng. Có những khâu, lĩnh vực, lộ trình đảm bảo; có những khâu, lĩnh vực lộ trình được đẩy nhanh nhưng cũng có những khâu, lĩnh vực lộ trình bị chậm...

Cần có lộ trình, làm từng bước

Phó Thủ tướng bày tỏ, năm 2017 tự chủ về chương trình của các trường rõ ràng có chuyển biến, cách dạy và học có chuyển biến khá rõ, sự chuyển biến này đòi hỏi phải có quá trình. Tự chủ đại học từ khi thực hiện Nghị quyết 29 đến nay đã tiến bộ nhiều, có 24 trường đã thí điểm, nhiều trường đang đợi Chính phủ chính thức ban hành Nghị định để thực hiện tự chủ, coi việc tự chủ dần trở thành bình thường. Bộ GD&ĐT hiện nay cũng đã giao cho 3 trường đại học mà Bộ làm chủ quản lập đề án thí điểm cao hơn đó là không còn bộ chủ quản...

Về cấp mầm non tư thục, Phó Thủ tướng chỉ rõ, năm qua dù còn nhiều khó khăn nhưng ở một số thành phố, vùng, nhất là vùng sâu, vùng xa, đặc biệt là nơi có nhiều khu công nghiệp, được chú ý hơn. Hơn 300 trường, nhóm lớp tư thục được bổ sung. Đó là những nỗ lực lớn mà chúng ta cần ghi nhận ngành Giáo dục.

Đề cập đến Nghị quyết 29 ra đời năm 2013 có nhiều điểm cần lưu ý, nhưng theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam có 2 điểm xuyên suốt mà ngay trong năm học 2018-2019 cần tiếp tục thực hiện, phải làm thật nghiêm túc. Đó là, đổi mới giáo dục là một quá trình, từ việc như thi cử cũng phải có lộ trình, làm từng bước. Trong lộ trình ấy, không có giải pháp nào là hoàn hảo, nên phải rất khoa học, cầu thị, kiên trì những gì đã đúng. Hơn nữa, giáo dục không chỉ liên quan đến gia đình, nhà trường, xã hội, mà cũng phải đặt trong bối cảnh phát triển chung của đất nước, kinh tế - xã hội, thói quen truyền thống…, phải cân đối giữa các mặt lợi ích.

Thứ hai là trong quá trình đổi mới phải kiên định, đi theo xu hướng của thế giới, không thể vì đặc thù, đặc điểm... mà xoay lại, đi ngược xu thế. Ví dụ như tự chủ đại học là xu thế,  tới đây quản lý các trường phổ thông cũng phải thay đổi, môi trường giáo dục bớt tính hành chính đi, đó là xu thế.

Cởi mở, minh bạch để tạo đồng thuận cao

Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh: Quá trình đổi mới giáo dục được toàn xã hội quan tâm, theo dõi sát sao và đóng góp nhiều ý kiến tâm huyết. Đây là điều rất may mắn cho những người làm giáo dục. Rất nhiều lĩnh vực, nhiều nghị định, nhiều luật trong quá trình lấy ý kiến hầu như rất ít ý kiến góp ý; chỉ khi thực hiện rồi vướng thì một số người mới nói. Nhưng Giáo dục thì may mắn, thậm chí chưa đăng tải văn bản dự thảo thì toàn dân, nhất là các chuyên gia đã góp ý rất nhiều. Mọi người đều tâm huyết nhưng mỗi người một góc độ nhìn, thậm chí một vấn đề đưa ra nhiều ý kiến trái ngược nhau nhưng đều có lý.

Ngành Giáo dục cần tạo các diễn đàn để người dân đóng góp ý kiến đa chiều từ nhiều góc độ, tạo sự đồng thuận trong xã hội với những ý kiến mang lại lợi ích chung. Giáo dục quan trọng nhất là phải cởi mở, minh bạch thì mới tạo được sự đồng thuận trong xã hội, đây là kinh nghiệm quý mà ngành giáo dục phải thực hiện; có đồng thuận thì mới nhận được sự ủng hộ thực hiện. Giáo dục là vấn đề của từng gia đình, nhà trường, thầy cô và toàn xã hội, khi đồng thuận thì ngành giáo dục mới huy động được sức mạnh tổng hợp đẩy đổi mới lên.  

Phó Thủ tướng bày tỏ sự trân trọng những nỗ lực của đội ngũ các thầy cô giáo trong sự nghiệp trồng người, tuy nhiên Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chỉ rõ cần cầu thị, thẳng thắn nhìn vào thực tế để có đánh giá đúng. Trong hơn 1 triệu thầy cô giáo đa phần đều gương mẫu, nhưng số không gương mẫu không phải là ít. Từ xin điểm làm đẹp học bạ, đến dạy thêm, học thêm có phải là từ các thầy cô không gương mẫu?

Do vậy, Phó Thủ tướng đề nghị, trong năm học này, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT nhất định phải phát động chương trình để các thầy cô giáo thi đua gương mẫu, ai vi phạm nhất định phải ra khỏi ngành./.

Mỹ Anh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực