Giao lưu trồng rừng ngập mặn hữu nghị Việt Nam – Nhật Bản

Thứ ba, 11/09/2018 08:52
(ĐCSVN) – Chương trình giao lưu trồng rừng ngập mặn hữu nghị Việt Nam – Nhật Bản có ý nghĩa quan trọng, nhằm thúc đẩy các hành động bảo vệ môi trường và quản lý tài nguyên thiên nhiên một cách bền vững.

Ngày 10/9, tại xã Đồng Rui, huyện Tiên Yên, tỉnh Quảng Ninh đã diễn ra  “Chương trình giao lưu trồng rừng ngập mặn hữu nghị Việt Nam – Nhật Bản lần thứ 8”, nhân dịp kỷ niệm 25 hợp tác giữa Ban nghiên cứu hệ sinh thái rừng ngập mặn (MERD), Viện Tài nguyên và Môi trường (CRES), Đại học Quốc gia Hà Nội (VNU) và Tổ chức Hành động và phục hồi rừng ngập mặn (ACTMANG).


Nhiều em nhỏ tham gia trồng cây gây rừng tại chương trình giao lưu.
(Ảnh: TH).

Phát biểu khai mạc, TS. Võ Thanh Sơn – Viện phó Viện Tài nguyên và Môi trường (CRES), Đại học Quốc gia Hà Nội cho hay: Rừng ngập mặn (RNM) được biết đến như một hệ sinh thái quan trọng có năng suất cao ở vùng cửa sông ven biển và các đảo ven bờ. Hệ sinh thái RNM có tác dụng to lớn trong việc ổn định bờ biển, lọc nước, mở rộng bãi bồi, là “bức tường xanh” chắn sóng, bão, nước triều dâng và các thảm họa thiên nhiên khác. RNM có vai trò trong việc giảm nhẹ các tác động của biến đổi khí hậu cũng như những hệ quả mà biến đổi khí hậu có thể gây ra. Hàng thế kỷ nay, RNM đóng vai trò quan trọng trong đời sống kinh tế - xã hội của người dân ven biển vì RNM đã cung cấp  vật liệu xây dựng, than, củi, tanin, thực phẩm, lông chim, mật, dược phẩm và nhiều sản phẩm khác...

Tuy nhiên, cũng như nhiều quốc gia khác trên thế giới, RNM Việt Nam đang phải đối mặt với sự suy thoái do áp lực tăng dân số và phát triển kinh tế. Khai thác quá mức tài nguyên RNM, chuyển đổi đất RNM sang các mục đích khác… là những nguyên nhân làm suy thoái hệ sinh thái RNM.

“Trong bối cảnh toàn thế giới đang tìm kiếm những giải pháp để ứng phó với biến đổi khí hậu, việc tổ chức Chương trình giao lưu trồng rừng ngập mặn rất có ý nghĩa nhằm thức tỉnh và khuyến khích các hành động bảo vệ môi trường và quản lý tài nguyên thiên nhiên một cách bền vững”, ông Sơn nhấn mạnh. 

Ông Sơn bày tỏ hy vọng các cơ quan sẽ tiếp tục tăng cường sự hợp tác của để thúc đẩy hơn nữa các hoạt động bảo vệ môi trường và đặc biệt là phục hồi và phát triển hệ sinh thái rừng ngập mặn để thể hiện đúng tinh thần của khẩu hiệu đã đề ra “Trồng và phục hồi hệ sinh thái rừng ngập mặn - Bảo vệ Trái đất, chia sẻ tương lai”.

Đại diện tỉnh Quảng Ninh trao tặng Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh cho tập thể và cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện chương trình trồng rừng ngặp mặn giai đoạn 2014-2018. Ảnh: TH.

Ngay sau buổi lễ, đông đảo cán bộ, con em Ban MERD, các thành viên tình nguyện viên đến từ Nhật Bản và một số quốc gia khác; Công ty Bảo Việt Tokio Marine Hà Nội; khách mời và nhân dân xã Đồng Rui ... đã hưởng ứng tham gia trồng cây gây rừng. Dự kiến có khoảng hơn 300 nghìn cây được trồng trong đợt này.

Nhân dịp này, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh đã tặng Bằng khen cho Viện trưởng Viện Tài nguyên và Môi trường; Ban MERD/CRES, ông Phan Hồng Anh – Phó trưởng Ban MERD/CRES vì đã có thành tích xuất sắc trong công tác trồng và phục hồi rừng ngập mặn tại Quảng Ninh giai đoạn 2014 – 2018./.

Dự án trồng và phục hồi hệ sinh thái rừng ngập mặn ven biển tại tỉnh Quảng Ninh do Ban Nghiên cứu Hệ sinh thái rừng ngập mặn (MERD/CRES) và Tổ chức Hành động và phục hồi rừng ngập mặn (ACTMANG), Nhật Bản hỗ trợ về kinh phí và kỹ thuật, được triển khai tại Quảng Ninh từ năm 1999 đến nay, hiện dự án đã trồng được hơn 1000 ha RNM tại các xã ven biển của tỉnh Quảng Ninh. 


Thu Hằng

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực