Hà Giang: Hiệu quả từ công tác xã hội hóa giáo dục ​

Thứ hai, 05/02/2018 18:45
(ĐCSVN) - Là tỉnh miền núi biên giới với 6/11 huyện, thành phố thuộc diện huyện nghèo theo Nghị quyết 30a của Chính phủ, Hà Giang có hơn 20 dân tộc cùng sinh sống, trình độ dân trí của đa số đồng bào còn thấp. Địa hình đồi núi chia cắt mạnh gây khó khăn cho học sinh khi đến trường là yếu tố tác động không nhỏ đến phát triển giáo dục của tỉnh.
Trường tiểu học xã Du Tiến, huyện Yên Minh (Hà Giang)
được đầu tư xây mới bằng nguồn kinh phí xã hội hóa. (Ảnh: VP)

Trong điều kiện còn nhiều khó khăn, nguồn ngân sách còn hạn chế, để sự nghiệp giáo dục của Hà Giang ngày càng phát triển và đạt được những mục tiêu đã đề ra thì công tác xã hội hóa giáo dục là một hướng đi quan trọng cả trong giai đoạn trước mắt và lâu dài.

Xác định tầm quan trọng của xã hội hóa trong công tác giáo dục, trong những năm qua, ngành giáo dục, các cơ quan, ban, ngành và các trường trên địa bàn tỉnh đã đưa ra nhiều giải pháp linh hoạt nhằm vận động các tổ chức, cá nhân, các doanh nghiệp… trong và ngoài tỉnh tham gia công tác xã hội hóa giáo dục. Từ các hoạt động này đã tạo nên những chuyển biến tích cực, tạo thêm cơ sở vật chất phục vụ cho học tập và nâng cao chất lượng của môi trường giáo dục, góp phần quan trọng nâng cao chất lượng giáo dục của Hà Giang.

Theo báo cáo của Phòng Giáo dục huyện Quản Bạ, trong 9 tháng đầu năm của năm học 2016 - 2017, trên địa bàn huyện đã thu hút được nguồn nhân lực xã hội hóa để đầu tư xây dựng được 9 điểm trường với nguồn kinh phí đạt gần 5 tỷ đồng. Phòng Giáo dục huyện Vị Xuyên cho biết, trong đầu năm học 2017 – 2018, Trường Phổ thông dân tộc bán trú tiểu học và trung học cơ sở xã Lao Chải đã được nhóm thiện nguyện Hà Nội hỗ trợ trên 300 triệu đồng để đầu tư xây dựng bếp ăn tập thể và nhà vệ sinh.

Theo số liệu thống kê của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Giang, riêng trong năm 2017, các ngành, địa phương và các trường học trên địa bàn tỉnh đã kết nối, huy động, vận động được hàng trăm tổ chức, cá nhân, các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh ủng hộ kinh phí để sửa chữa, xây mới các trường lớp, nhà công vụ giáo viên, nhà vệ sinh trường học, công trình cấp nước sạch cho các trường học, nhất là tại các xã vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc với nguồn kinh phí đạt gần 88 tỷ đồng. Ngoài ra, tại nhiều điểm trường của các huyện vùng cao đã được các tổ chức tình nguyện giúp đỡ hàng nghìn trang thiết bị phục vụ cho học tập, đồ chơi trẻ em, xe đạp, chăn áo ấm mùa đông…

Từ công tác xã hội hóa trong giáo dục đã góp phần nâng cao nhận thức và sự quan tâm của mọi tầng lớp nhân dân trong tỉnh để cùng chung tay đóng góp ngày công, vật liệu để tu sửa, xây dựng các cơ sở vật chất phục vụ cho giáo dục. Nhằm không ngừng nâng cao hiệu quả xã hội hóa trong công tác giáo dục, trong những năm qua và thời gian tới, ngành giáo dục của Hà Giang và chính quyền các địa phương luôn quan  tâm, chú trọng tới công tác tuyên truyền, vận động và triển khai thực hiện hiệu quả chỉ đạo của các cấp, các ngành về công tác quản lý, sử dụng các nguồn kinh phí, các khoản đóng góp tự nguyện tại các cơ sở giáo dục; vận động xã hội hóa giáo dục bằng các phương pháp sáng tạo qua các kênh thông tin khác nhau.

Tuy chưa thể thống kê hết những con số mà các tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh ủng hộ cho công tác giáo dục, nhưng có thể khẳng định, trong những năm qua, công tác xã hội hóa giáo dục trên địa bàn Hà Giang đã góp phần nâng cao điều kiện cơ sở vật chất cho các trường học, nhất là tại các trường học vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Điều đó đã góp phần tạo điều kiện thuận lợi giúp các em học sinh có điều kiện tốt hơn trong quá trình học tập. Ngoài ra, công tác xã hội hóa giáo dục còn góp phần nâng cao dân trí và là tiền đề quan trọng trong quá trình xóa đói, giảm nghèo bền vững đối với Hà Giang trong giai đoạn trước mắt và lâu dài./.

Phạm Văn Phú

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực