Hà Nội: Báo động ô nhiễm môi trường làng nghề

Thứ ba, 12/03/2019 15:54
(ĐCSVN) – Cùng với tốc độ phát triển, mở rộng các làng nghề truyền thống, môi trường làng nghề đang bị ảnh hưởng khá nghiêm trọng, trong đó nước thải là một trong những nguyên nhân chính.

 
Nước thải từ một làng nghề ven Hà Nội thải ra. (Ảnh: BL)

Đặc biệt, từ năm 2018, tỷ lệ thu gom chất thải rắn sinh hoạt tại khu vực nông thôn còn thấp, trung bình đạt khoảng 40-55% so với lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh, tỷ lệ thu gom chất thải rắn sinh hoạt tại các vùng nông thôn ven đô hoặc các thị trấn, thị tứ cao hơn tỷ lệ thu gom chất thải rắn sinh hoạt tại các vùng sâu, vùng xa. Đến nay đã có khoảng 50% các xã trong toàn quốc thành lập tổ thu gom chất thải sinh hoạt.

Tại Hà Nội, kết quả khảo sát, lấy mẫu và phân tích môi trường tại 65 làng nghề theo Đề án Bảo vệ môi trường làng nghề trên địa bàn thành phố mới đây cũng cho thấy có 40/65 làng nghề ô nhiễm môi trường nước nghiêm trọng. Qua thực hiện Đề án này, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội đã khảo sát, lấy mẫu và phân tích môi trường tại 65 làng nghề. Kết quả cho thấy 60/65 làng nghề ô nhiễm môi trường, chỉ có 6/65 làng nghề đạt các tiêu chuẩn an toàn môi trường. Cụ thể, môi trường nước có 40 làng nghề ô nhiễm nghiêm trọng, 17 làng nghề ô nhiễm, 8 làng nghề không ô nhiễm; môi trường không khí có 12 làng nghề ô nhiễm nghiêm trọng, 10 làng nghề ô nhiễm, 43 làng nghề không ô nhiễm; môi trường đất (đánh giá 37/65 làng nghề) có 3 làng nghề ô nhiễm nghiêm trọng, 2 làng nghề ô nhiễm và 23 làng nghề không ô nhiễm.

Theo đánh giá của các chuyên gia, các làng nghề nhìn chung có quy mô nhỏ, trình độ sản xuất thấp, thiết bị cũ và công nghệ lạc hậu. Trên 70% số làng nghề nằm xen kẽ tại các khu dân cư, khiến tình trạng ô nhiễm nước thải tại các làng nghề tiếp tục gia tăng. Kết cấu hạ tầng nông thôn như đường, cống, rãnh thoát nước thải không đáp ứng được nhu cầu phát triển sản xuất… dẫn đến nhiều làng nghề bị ô nhiễm nghiêm trọng, tác động trực tiếp đến đời sống thủy sinh vật cũng như môi trường sống của cộng đồng, mà trước tiên người dân làng nghề phải gánh chịu hậu quả.

Đơn cử như tại các làng nghề giáp ranh Hà Nội như huyện Thường Tín, Thạch Thất, Chương Mỹ, Hà Nội. Nơi đây đã trở thành điểm “nóng” về ô nhiễm môi trường, tập kết rác thải.

Theo bà Đỗ Thị Hồng, trú tại huyện Chương Mỹ cho biết, lúc đầu chỉ là bãi rác nhỏ, nhưng không ai quản lý nên chỉ một hai năm sau đã trở thành núi rác vùi lấp nhiều diện tích đất nông nghiệp của phường. Do không chịu được mùi hôi thối, ô nhiễm, nhất là những hôm trời mưa, nhiều gia đình trong ngõ đã bán nhà chuyển đi nơi khác.

Hay tại làng nghề xã Dương Liễu, Hoài Đức, Hà Nội. Đây là địa phương có đặc thù sản xuất tinh bột, làm miến từ dong riềng, đã phát triển hàng chục năm. Nhờ đó nên nguồn thu nhập của người dân địa phương đã được cải thiện. Tuy nhiên, đi kèm với phát triển kinh tế là vấn đề ô nhiễm môi trường, khiến cuộc sống của người dân vô cùng ngột ngạt.

Tại huyện Thường Tín, theo phản ánh của người dân dọc hai bên bờ sông Nhuệ chảy qua nơi đây tràn ngập các loại rác thải từ làng nghề, rác thải sinh hoạt. Mùi từ các đống đốt phế thải của làng nghề sản xuất chăn, ga, gối, đệm cộng với mùi hôi từ dòng sông bốc lên khiến bầu không khí trở nên ngột ngạt, khó chịu.

Theo Sở Tài nguyên và Môi trường, để xử lý ô nhiễm môi trường làng nghề, thành phố cần 1.350 tỷ đồng. Cụ thể giai đoạn đến năm 2020 cần 750 tỷ đồng để triển khai xây dựng hệ thống tại 50 làng nghề trọng điểm thuộc các huyện Hoài Đức, Vân Canh, Chương Mỹ... Giai đoạn 2021-2030 cần 600 tỷ đồng triển khai xây dựng hệ thống xử lý môi trường tại 30 làng nghề khác.

Sắp tới, Sở Tài nguyên và Môi trường sẽ tiếp tục hướng dẫn các quận huyện có làng nghề rà soát, thực hiện đánh giá, phân loại theo mức độ ô nhiễm môi trường đối với các làng nghề còn lại tiến tới 100% các làng nghề được rà soát, đánh giá phân loại. Đây sẽ là cơ sở dữ liệu hoàn chỉnh để có kế hoạch xử lý ô nhiễm phù hợp với từng loại hình sản xuất, với điều kiện thực tế của địa phương.

Nói về tình trạng ô nhiễm rác thải làng nghề hiện nay, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cũng cho biết: Đúng là vấn đề chất thải đô thị ở nông thôn Việt Nam đến nay đang trở thành vấn đề hết sức nóng. Thời gian qua, Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ đạo để xác định rõ vai trò của cơ quan quản lý nhà nước trong quản lý rác thải đô thị và nông thôn. Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ xây dựng đề án tăng cường năng lực quản lý và xử lý rác thải đô thị và nông thôn trong cả nước. Đặc biệt trong đó sẽ xem xét xác định cơ quan quản lý nhà nước thống nhất đầu mối chịu trách nhiệm quản lý rác thải.

Cũng theo Bộ trưởng, để xử lý triệt để vấn đề này, cần phải có quy hoạch, xác định các mô hình công nghệ, ban hành các cơ chế tài chính để nhà nước đầu tư hoặc thu hút đầu tư từ xã hội, xã hội hóa xử lý rác thải. Đồng thời, phải nâng cao trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, trong đó mỗi người dân phải trực tiếp tham gia vào quá trình này./.

Bích Liên

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực