Hà Nội: Phát động Tháng hành động vì an toàn thực phẩm năm 2019

Thứ năm, 18/04/2019 18:08
(ĐCSVN) - Trong Tháng hành động vì an toàn thực phẩm năm nay, Ban Chỉ đạo công tác An toàn thực phẩm thành phố Hà Nội sẽ chú trọng truy xuất nguồn gốc thực phẩm trong quá trình thanh tra, kiểm tra.

Chiều 17/4, Ban Chỉ đạo công tác An toàn thực phẩm thành phố Hà Nội tổ chức hội nghị phát động Tháng hành động vì an toàn thực phẩm năm 2019 với chủ đề “Nói không với thực phẩm giả, thực phẩm kém chất lượng, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng”.

Tháng hành động vì an toàn thực phẩm năm 2019 diễn ra từ ngày 15/4 đến 15/5 sẽ tập trung tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm, đồng thời giới thiệu các mô hình sản xuất, kinh doanh, chuỗi thực phẩm an toàn đến người dân.

UBND quận Nam Từ Liêm ký cam kết bảo đảm an toàn thực phẩm với UBND 10 phường trực thuộc và các doanh nghiệp thực phẩm trên địa bàn. Ảnh: TL

Trong Tháng hành động vì an toàn thực phẩm, tại các cấp từ thành phố đến quận, huyện, thị xã và xã, phường, thị trấn sẽ thành lập các đoàn thanh tra, kiểm tra đột xuất tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh. Riêng cấp thành phố đã thành lập 4 đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành an toàn thực phẩm để kiểm tra công tác triển khai kế hoạch của các cấp dưới, đồng thời kiểm tra thực tế tại cơ sở để kịp thời chấn chỉnh sai phạm.

Ông Trần Ngọc Tụ, Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội cho biết, quá trình thanh tra, kiểm tra sẽ chú trọng tới truy xuất nguồn gốc thực phẩm. Với cấp xã, phường, thị trấn sẽ tăng cường kiểm tra tại các chợ và thức ăn đường phố theo phân cấp. Ngoài ra, trong Tháng hành động vì an toàn thực phẩm năm 2019, các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm sẽ phải ký cam kết trách nhiệm về vấn đề an toàn thực phẩm theo quy định; phải công khai nguồn gốc và giấy chứng nhận, cam kết an toàn thực phẩm cho khách hàng. Cơ quan chức năng sẽ đi kiểm tra việc thực hiện của cơ sở và xử lý nghiêm nếu phát hiện sai phạm.

Từ ngày 10/7/2019 đến 10/7/2020, Hà Nội sẽ triển khai mở rộng thí điểm thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm tại tất cả 30 quận, huyện, thị xã và 584 xã, phường, thị trấn. Tính đến thời điểm này, toàn thành phố đã đào tạo được khoảng gần 2.500 cán bộ thanh tra chuyên ngành. Tuy nhiên, hiện vẫn còn 98 xã, phường thiếu nhân lực để đưa đi đào tạo. Trong thời gian tới, thành phố sẽ tiếp tục chú trọng tới công tác đào tạo nhân lực thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm.

Được biết, trên địa bàn Thủ đô hiện có hơn 66.000 cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm. Trong Tháng hành động vì ATTP năm nay, 4 đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành an toàn thực phẩm sẽ đẩy mạnh kiểm tra thực tế tại một số cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm khu vực được phân công. Riêng Sở Y tế Hà Nội sẽ kiểm tra tại 8 quận, huyện: Hoàn Kiếm, Thanh Xuân, Long Biên, Gia Lâm, Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm, Đông Anh, Thanh Trì. Thời gian thanh tra, kiểm tra sẽ diễn ra từ ngày 15/4 đến 15/5.

Hoạt động thanh tra, kiểm tra được triển khai trong thời gian này sẽ tập trung vào điều kiện vệ sinh cơ sở, vệ sinh dụng cụ, vệ sinh cá nhân, nhất là kiểm soát chặt nguồn gốc nguyên liệu đưa vào sản xuất, chất lượng sản phẩm. Ưu tiên hàng đầu là tăng cường kiểm tra, giám sát đột xuất và tổ chức hậu kiểm các cơ sở kinh doanh thực phẩm để kịp thời phát hiện, ngăn chặn và chấn chỉnh cơ sở vi phạm.

Để thể hiện quyết tâm trong tháng hành động vì ATTP năm 2019, tại hội nghị, UBND quận Nam Từ Liêm đã ký cam kết bảo đảm an toàn thực phẩm với UBND 10 phường trực thuộc và các doanh nghiệp thực phẩm trên địa bàn./.

Thu Vân

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực