Hà Nội: Sát cánh, đồng lòng vượt qua đại dịch

Thứ năm, 23/04/2020 16:48
LTS: Là địa phương chịu tác động nặng nề nhất, nhiều nguy cơ rủi ro nhất cả nước, đối diện với kẻ thù vô hình dễ lây, khó phòng nhưng Đảng bộ, chính quyền và các tầng lớp nhân dân Thành phố (TP) Hà Nội đã chung tay, chung sức, đoàn kết một lòng để tham gia phòng chống dịch COVID-19. Tinh thần “Hà Nội phải làm công tác phòng chống dịch COVID-19 tốt nhất, gương mẫu nhất” theo chỉ đạo của Thủ tướng đã được thể hiện rõ.

Phóng viên Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam có loạt bài phản ánh với chủ đề Hà Nội: "Sát cánh, đồng lòng vượt qua đại dịch".

Bài 1: Vững tay chèo, vượt sóng cả

(ĐCSVN) - Với những gì diễn ra trong hơn 3 tháng qua trên địa bàn TP Hà Nội cho thấy, Đảng bộ, chính quyền Thủ đô đang tập hợp sức mạnh của cả hệ thống chính trị để cùng nhau chiến đấu với giặc COVID-19. Và trong cuộc chiến này, bằng sự chỉ đạo khẩn trương, quyết liệt, bài bản cùng sự đồng tâm, hiệp lực của các tầng lớp nhân dân chính là yếu tố quan trọng nhất, trung tâm nhất để toàn TP “vững tay chèo, vượt sóng cả”.

Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 TP Hà Nội đã tổ chức hơn 40 phiên họp trực tuyến với các quận, huyện, phường xã trên địa bàn về phòng chống dịch. (Ảnh: TA) 

Đồng bộ, quyết liệt các nhóm giải pháp

Cho đến nay, dư luận quốc tế cơ bản thống nhất đánh giá, COVID-19 là đại dịch lớn làm thay đổi đời sống con người lớn nhất kể từ sau chiến tranh thế giới thứ 2; đặt ra thách thức toàn diện cho cả thế giới và Việt Nam về bảo vệ sức khỏe cộng đồng; duy trì phát triển kinh tế, xã hội và ổn định chính trị, xã hội. Là trung tâm lớn về kinh tế và giao dịch quốc tế, mật độ dân cư đông đúc và nhiều khách vãng lai, do đó, nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh COVID-19 của Hà Nội cao hơn nhiều so với những địa phương khác.

Do đó, khi chưa có ca nhiễm COVID-19 nào thì Ban Chỉ đạo TP và các cấp, các ngành của Hà Nội đã dự báo và nhận định đúng tình hình, tính chất nguy hiểm của dịch; sớm triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp phòng, chống. Thường trực Thành ủy Hà Nội thường xuyên giao ban tuần nghe báo cáo, chỉ đạo trực tiếp, ban hành 2 công văn, 5 thông báo chỉ đạo, đôn đốc các cấp, các ngành thực hiện nhiệm vụ phòng, chống dịch COVID-19 theo đúng tinh thần chỉ đạo của Trung ương.

Và đêm tối 6/3/2020, sau 2 tháng giữ gìn cẩn trọng, Hà Nội đã tổ chức một cuộc họp khẩn lúc 22 giờ 30 phút dưới sự chủ trì của Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ và Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung để chính thức công bố ca bệnh COVID-19 đầu tiên của Thủ đô và đề ra nhiều giải pháp cấp bách “chiến đấu” với dịch bệnh.

Ngay sau đó, để tăng cường trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền, nhất là người đứng đầu đối với công tác phòng, chống dịch, Thường trực Thành ủy Hà Nội đã quyết định thành lập 5 đoàn kiểm tra. Trưởng các đoàn kiểm tra là bốn đồng chí trong Thường trực Thành ủy và một Phó Chủ tịch UBND TP. Các đoàn kiểm tra tổ chức các đợt kiểm tra đột xuất nhằm phát hiện những cách làm hay, mô hình hiệu quả để kịp thời tổng kết, rút kinh nghiệm và nhân rộng; đồng thời chấn chỉnh, xử lý kịp thời những tập thể, cá nhân có biểu hiện lơ là, thiếu trách nhiệm trong công tác phòng, chống dịch.

Từ đó đến nay, Thành ủy Hà Nội đã ban hành 29 văn bản bao gồm nhiều công điện, kế hoạch, thông báo kết luận của Ban Thường vụ Thành ủy, Thường trực Thành ủy thực hiện nghiêm chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia, đặc biệt là Lời kêu gọi của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng… về công tác phòng chống dịch. Thành ủy, lãnh đạo TP đã vào cuộc quyết liệt với tinh thần: Quyết đoán, kịp thời, nhanh nhạy, bản lĩnh, công khai, minh bạch, đúng tinh thần "chống dịch như chống giặc".

Giữa những diễn biến phức tạp và khó lường của dịch bệnh COVID-19, Đảng bộ, chính quyền Hà Nội đã thể hiện bản lĩnh, giữ vững thế chủ động trong trận chiến dài và đã kiểm soát được dịch bệnh, bảo vệ an toàn sức khỏe, tính mạng của người dân Thủ đô và góp phần vào thành công chung của cả nước trên mặt trận phòng, chống dịch. Thường trực Thành ủy Hà Nội chỉ đạo hệ thống chính trị từ TP đến cơ sở cần tiếp tục thực hiện đồng bộ, quyết liệt các nhóm giải pháp nêu trong báo cáo của Ban Cán sự đảng UBND TP; các giải pháp đã nêu trong các văn bản chỉ đạo của Ban Bí thư Trung ương Đảng, Chính phủ, Bộ Y tế và những nhiệm vụ Trung ương giao cho Hà Nội.

Đáng chú ý, Thường trực Thành ủy yêu cầu chuẩn bị tích cực, chủ động xây dựng kịch bản ứng phó trong trường hợp diễn biến dịch xấu nhất nhằm hạn chế mức thấp nhất tác động tiêu cực của dịch đối với đời sống nhân dân và phát triển TP. Thực hiện tốt phương châm “4 tại chỗ” là chỉ đạo tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ và hậu cần tại chỗ trong công tác phòng, chống dịch.

Tới thời điểm hiện tại, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 TP Hà Nội đã tổ chức hơn 40 phiên họp trực tuyến với các quận, huyện, phường xã trên địa bàn. Những người đứng đầu TP đã liên tục đưa ra những chỉ đạo quyết liệt, vừa phòng, vừa chống, chủ động đi trước, đón đầu nhằm kiểm soát chặt chẽ các ca nhiễm bệnh và các ổ dịch phát sinh.

Đặc biệt, Thường trực Thành ủy Hà Nội yêu cầu Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch TP, các cấp, các ngành, MTTQ, các tầng lớp nhân dân Thủ đô quán triệt sâu sắc tinh thần: phòng, chống dịch COVID-19 là nhiệm vụ trọng tâm và đột xuất của TP trong giai đoạn hiện nay và có thể kéo dài; xác định trách nhiệm phòng, chống dịch là của cấp ủy, chính quyền các cấp, trực tiếp là người đứng đầu cấp ủy chịu trách nhiệm toàn diện về chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ trên tại địa phương, đơn vị; tuyệt đối không chủ quan, lơ là, không để bị động, bất ngờ với các tình huống nảy sinh nhưng cũng không hoang mang, lo lắng quá mức, đồng thời phải tin tưởng vào khả năng kiểm soát dịch của TP và cả nước.

Lãnh đạo TP Hà Nội kiểm tra công tác phòng chống dịch COVID-19 tại quận Hai Bà Trưng.

Thực hiện ý kiến chỉ đạo đó, các sở, ban, ngành, quận, huyện và các cơ quan, tổ chức đã triển khai quyết liệt, nhanh chóng, kịp thời. Theo đó có 14 quận, huyện đã tiếp tục ban hành chỉ thị riêng, còn lại là ban hành kế hoạch triển khai Chỉ thị số 31. Đặc biệt, dưới sự lãnh đạo xuyên suốt từ Thành ủy, UBND TP và các quận, huyện, thị xã, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 đã được thành lập đến cấp phường, xã, thị trấn, huy động sự tham gia của đội ngũ bí thư chi bộ, cán bộ tổ dân phố, trưởng thôn, công an khu vực, hội viên cựu chiến binh, phụ nữ, thanh niên…ngày đêm bám địa bàn để tuyên truyền phòng dịch; nắm bắt dư luận xã hội và xử lý những tình huống phát sinh…

Luôn đi trước, đón đầu

Một bên là "chống", một bên là "phòng", chiến tuyến nào cũng cho thấy sự bao quát, sự tận tâm, sự nỗ lực cao nhất của hệ thống chính trị TP và các lực lượng chức năng để bảo vệ nhân dân, đẩy lùi COVID-19. Và sự quyết liệt của lãnh đạo TP đã lan tỏa tới các cấp chính quyền. Và công tác này được triển khai nghiêm túc, bài bản với trách nhiệm cao nhất.

Cụ thể, quận Ba Đình là nơi xuất hiện ca dương tính với COVID-19 đầu tiên của TP Hà Nội. Vào thời điểm ấy, khó có thể hình dung hết sự lo lắng, áp lực của chính quyền địa phương khi ca bệnh đầu tiên của TP lại xuất hiện trên địa bàn mình quản lý. Nhất là khi Hà Nội chưa từng có kinh nghiệm đối phó với dịch. Tuy nhiên, chỉ trong đêm 6/3, các lực lượng chức năng trên địa bàn quận Ba Đình đã phối hợp với lực lượng của TP triển khai rà soát và thực hiện cách ly toàn bộ những người tiếp xúc gần với bệnh nhân. Người nhà của người tiếp xúc gần với bệnh nhân cũng được rà soát và triển khai cách ly và được công khai rộng rãi tới mọi người dân, từ đó xử lý được những tin đồn thất thiệt. Quận cũng tiến hành trích xuất camera khu vực để một lần nữa xác minh xem bệnh nhân có đi ra ngoài, tiếp xúc với người dân trong khu vực hay không. Đồng thời, TP thực hiện việc phun khử khuẩn tại những nơi người tiếp xúc gần sinh sống, tổ chức cách ly tại dãy nhà gần nơi bệnh nhân ở… Nhờ đó, chỉ sau vài giờ đồng hồ, tình hình Hà Nội đã nhanh chóng ổn định, không mất kiểm soát bởi những thông tin không đúng sự thật, gây hoang mang xã hội. 

Tại quận Hai Bà Trưng, trao đổi với chúng tôi, Chủ tịch UBND quận, Trưởng Ban Chỉ đạo Phòng, chống dịch bệnh COVID-19 quận Vũ Đại Phong cho biết: Là một trong những địa bàn trọng điểm của Hà Nội về diễn biến tình hình dịch bệnh phức tạp, mức độ lây nhiễm cao, cấp ủy, chính quyền và toàn hệ thống chính trị của quận Hai Bà Trưng đã có các giải pháp và triển khai quyết liệt, mạnh mẽ từ công tác tuyên tryền, giám sát các đối tượng rà soát và sàng lọc để phát hiện sớm, nhất là những người đi về từ vùng có dịch, không để lây lan trong cộng đồng.

Đặc biệt, quận cũng chủ động chuẩn bị nhân lực, trang thiết bị, vật tư y tế; bố trí khu cách ly đối với người tiếp xúc với ca nhiễm COVID-19 trong thời gian qua đã phát huy hiệu quả rất tích cực. Ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh COVID-19 quận, phường thường xuyên, đột xuất tuần tra, kiểm soát, kiểm tra việc thực hiện các văn bản chỉ đạo của Trung ương, TP, quận về việc cách ly toàn xã hội và xử lý nghiêm vi phạm. Tính đến cuối tháng 4, quận Hai Hà Trưng có 5 ca nhiễm COVID-19. Quận xây dựng và thực hiện nghiêm túc phương án khoanh vùng phòng chống rất bài bản để không lây lan. Các thành viên Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 của quận thực hiện nghiêm theo phân công của Trưởng Ban Chỉ đạo (Chủ tịch UBND quận) để trực, chỉ huy toàn diện các vùng cách ly. Nguồn nhân lực huy động thực hiện nhiệm vụ tại các chốt như y tế, công an, bộ đội… đến các lực lượng tình nguyện tham gia hỗ trợ, tuyên truyền, vận động như thanh niên tình nguyện, cựu chiến binh, phụ nữ… đều vào cuộc rất trách nhiệm tổ chức thực hiện nhiệm vụ.

Tương tự, huyện Gia Lâm đã triển khai nhiều giải pháp cấp bách, quyết liệt ngăn chặn dịch bệnh lây lan trên địa bàn. Cùng với kiểm tra, giám sát, các lực lượng chức năng tiếp tục rà soát theo tinh thần “gõ từng nhà, rà từng người”, không để sót, lọt các đối tượng F1, F2, F3,... đặc biệt các trường hợp liên quan đến Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Đức Giang. Đến nay, toàn huyện đã lấy 777/777 mẫu (100% âm tính). Huyện tiếp tục Tổ chức cách ly y tế, theo dõi sức khỏe tại nhà, nơi cư trú đảm bảo triệt để, có kiểm tra, giám sát chặt chẽ; thông báo công khai tại cộng đồng để nhân dân cùng giám sát. Ngoài ra, chỉ đạo phun thuốc khử khuẩn, hướng dẫn phân luồng, giữ khoảng cách, đeo khẩu trang,... đảm bảo tuyệt đối an toàn cho người bán, người mua lương thực, thực phẩm tại các chợ, siêu thị.

Đặc biệt, với "ổ dịch" Bệnh viện Bạch Mai, lãnh đạo TP Hà Nội đã sáng suốt nhận định được tình hình từ rất sớm để đưa ra các biện pháp ngay sau khi phát hiện 2 ca mắc COVID-19 là nữ điều dưỡng tại đây. Với cách làm “khoanh vùng từng đốm nhỏ, không để bùng thành mảng lớn”, Ban Chỉ đạo của TP yêu cầu các đơn vị phải hành động nhanh chóng và dứt khoát, tránh tình trạng lừng khừng. Không cho phép và cũng không có thời gian để bàn. Ví dụ thấy người có yếu tố tiếp xúc với người bệnh, hay người liên quan đến ổ dịch tại Bệnh viện Bạch Mai phải dứt khoát cách ly ngay, lấy mẫu xét nghiệm….Bởi theo Trưởng ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 TP, độ trễ của thông tin sẽ ảnh hưởng đến công tác phòng dịch, nhất là sự lây lan.

Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ và Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung kiểm tra công tác phòng, chống dịch COVID-19 tại Bệnh viện Đa khoa Đức Giang. 

Trong quá trình xử lý ổ dịch Bệnh viện Bạch Mai, chủ trương nâng lên một mức phản ứng với dịch bệnh so với khuyến cáo của Bộ Y tế đã phát huy hiệu quả trong xử lý ổ dịch thôn Hạ Lôi, xã Mê Linh. Ngày 6/4, khi ca bệnh 243 được công bố thì tại địa phương đã phong tỏa xong xóm Bàng – nơi ở của bệnh nhân. Cùng lúc đó, buổi chiều cùng ngày, việc điều tra, lấy mẫu các trường hợp tiếp xúc F1 cơ bản xong, ngay tối các trường hợp F1 lên xe đi cách ly tập trung… Do phong tỏa kịp thời, người dân ở yên trong nhà, vì vậy nếu những ca bệnh đầu tiên ở thôn Hạ Lôi như bệnh nhân 243; 250 có số người tiếp xúc F1 lên tới hơn 100 người, thì những ca bệnh về sau số tiếp xúc F1 chỉ khoảng vài ba chục người…

Cho đến thời điểm này, khi chứng kiến những diễn biến mới của dịch bệnh, người dân Thủ đô mới thấu hiểu những chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 của cấp ủy, chính quyền Hà Nội là hoàn toàn kịp thời, cần thiết, có tính dự báo, đi trước một bước. Đó là những chỉ đạo đầy bản lĩnh và quý giá vì đã chớp được thời cơ vàng, khai thác hiệu quả những thời điểm nhạy cảm trong diễn biến dịch bệnh để hạn chế tối đa ảnh hưởng tiêu cực.

Tuy chưa phải là chiến thắng cuối cùng song những kết quả đạt được trong việc phòng, chống dịch của TP Hà Nội khẳng định sức mạnh to lớn của hệ thống chính trị trong việc định hướng, lãnh đạo, tập hợp toàn thể nhân dân…./.

(Bài 2: Vững một niềm tin)
Bài và ảnh: Trung Anh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực