Hà Nội: Tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh vẫn ở mức cao

Thứ tư, 08/07/2020 22:07
(ĐCSVN)- Công tác dân số của Thủ đô đứng trước nhiều khó khăn, thách thức, hàng năm số phụ nữ bước vào độ tuổi sinh đẻ vẫn ở mức cao, góp phần làm tăng số sinh của Thành phố. Cùng với đó, dân trí không đồng đều, nhận thức và tâm lý muốn có nhiều con và thích có con trai đang là nguyên nhân dẫn đến tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh của Hà Nội vẫn ở mức cao.

Ngày 8/7, UBND TP. Hà Nội, Sở Y tế Hà Nội phối hợp tổ chức Lễ mít tinh kỷ niệm Ngày Dân số thế giới 11/7 với chủ đề: “Đẩy lùi COVID-19: Cách thức bảo vệ quyền và sức khỏe của phụ nữ, trẻ em gái trong bối cảnh hiện tại”.

Phát biểu tại buổi lễ, ông Hoàng Đức Hạnh - Phó Giám đốc Sở Y tế TP.Hà Nội cho biết, 6 tháng đầu năm 2020, tỷ số giới tính khi sinh của TP. Hà Nội là 113,2 trẻ trai/100 trẻ gái; tỷ lệ sàng lọc trước sinh đạt 82,48%; tỷ lệ sàng lọc sơ sinh đạt 75,46%; số người mới áp dụng các biện pháp tránh thai là 373.391 người (đạt 100%), dự kiến cuối năm toàn Thành phố hoàn thành các chỉ tiêu công tác dân số UBND TP giao.

leftcenterrightdel
Toàn cảnh buổi lễ Mít tinh. (Ảnh: ĐT)

Theo ông Hoàng Đức Hạnh, hiện nay, Hà Nội có nhiều mô hình được duy trì và nhân rộng như: Mô hình chăm sóc sức khỏe sinh sản vị thành niên, thanh niên; mô hình tư vấn và khám sức khỏe trước khi kết hôn.

Bên cạnh đó, hàng năm, các ban, ngành, đoàn thể thành viên Ban Chỉ đạo công tác DS-KHHGĐ TP đã triển khai các hoạt động chăm sóc sức khỏe sinh sản/kế hoạch hóa gia đình trên địa bàn như: Liên đoàn Lao động, Hội KHHGĐ tổ chức các buổi truyền thông chăm sóc sức khỏe sinh sản/kế hoạch hóa gia đình (SKSS/KHHGĐ) cho các đối tượng là phụ nữ tuổi mãn kinh, nam giới, vị thành niên, thanh niên, công nhân lao động trong các khu công nghiệp.

Thành đoàn Hà Nội tổ chức truyền thông chăm sóc sức khỏe sinh sản và các bệnh lây truyền qua đường tình dục cho các đoàn viên thanh niên; Hội Nông dân và Hội Liên hiệp Phụ nữ truyền thông chính sách DS-KHHGĐ, kiến thức chăm sóc SKSS, bình đẳng giới cho cán bộ và phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ…

Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết thêm, trong bối cảnh cả thế giới đang phải đối phó với đại dịch COVID-19, ở Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng, phụ nữ và trẻ em gái luôn được quan tâm đặc biệt. 6 tháng đầu năm 2020, các quận, huyện, thị xã vẫn tổ chức Chiến dịch truyền thông lồng ghép dịch vụ KHHGĐ và nâng cao chất lượng dân số cho chị em phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ.

Bên cạnh đó, tiếp tục tư vấn, vận động chị em phụ nữ thực hiện các biện pháp tránh thai, chăm sóc sức khỏe sinh sản nhằm bảo vệ sức khỏe cho phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ; duy trì và phát triển mô hình chăm sóc sức khỏe vị thành niên, thanh niên.

Ngoài ra, các kênh truyền thông như: Phát thanh, truyền hình, truyền thông nhóm nhỏ, cung cấp dịch vụ theo đúng quy trình khám, chữa bệnh của Bộ Y tế, đảm bảo phòng chống dịch bệnh cho phụ nữ cũng được duy trì thực hiện.

Dù vậy, lãnh đạo Sở Y tế Hà Nội cho biết, công tác dân số của Thủ đô vẫn đứng trước nhiều khó khăn, thách thức. Theo đó, do cơ cấu dân số trẻ nên hàng năm số phụ nữ bước vào độ tuổi sinh đẻ vẫn ở mức cao, góp phần làm tăng số sinh của Thành phố; tốc độ gia tăng dân số cơ học cũng ở mức cao, làm tăng quy mô dân số.

Cùng với đó, dân trí không đồng đều, nhận thức và tâm lý muốn có nhiều con và thích có con trai đang là nguyên nhân dẫn đến tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh của Hà Nội vẫn ở mức cao.

leftcenterrightdel
Ngày Dân số thế giới 11/7 năm nay có chủ đề: “Đẩy lùi COVID-19: Cách thức bảo vệ quyền và sức khỏe của phụ nữ, trẻ em gái trong bối cảnh hiện tại”. (Ảnh: ĐT )

Phát biểu chỉ đạo tại buổi lễ, bà Nguyễn Thị Ngọc Lan, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Dân số (Bộ Y tế)  ghi nhận và biểu dương các kết quả cũng như các hoạt động thiết thực và ý nghĩa mà TP Hà Nội đã tích cực triển khai trong thời gian vừa qua.

Đặc biệt, trong đợt cao điểm hưởng ứng Ngày Dân số thế giới 11/7 năm nay, Hà Nội đã phát động và tổ chức nhiều nội dung, hoạt động rộng khắp trên địa bàn Thành phố như: Tổ chức các sự kiện truyền thông trọng điểm trên kênh truyền thông đại chúng, truyền thông trực tiếp tại cơ sở.

Tuyên truyền và đảm bảo việc cung cấp các dịch vụ chăm sóc SKSS/KHHGĐ cho phụ nữ, trẻ em gái trong điều kiện có thiên tai, đặc biệt trong dịch COVID-19 đang diễn ra; tuyên truyền giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh, phổ biến pháp luật về việc nghiêm cấm các hành vi lựa chọn giới tính thai nhi… và rất nhiều hoạt động ý nghĩa và thiết thực khác.

"Trong thời gian tới, Tổng cục Dân số mong tiếp tục nhận được sự quan tâm, hỗ trợ tích cực hơn nữa của cấp, các ngành, các tổ chức đoàn thể và mọi tầng lớp nhân dân Thủ đô nhằm đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức và chuyển đổi hành vi thực hiện thắng lợi các mục tiêu của Nghị quyết số 21-NQ/TW về công tác dân số trong tình hình mới", Phó Tổng cục trưởng Nguyễn Thị Ngọc Lan nhấn mạnh./.

Đỗ Thoa

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực