Hà Nội: Tỷ lệ chênh lệch giới tính khi sinh vẫn ở mức cao ở một số huyện ngoại thành

Thứ tư, 10/07/2019 16:40
(ĐCSVN)- Ông Hoàng Đức Hạnh, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, thời gian qua Hà Nội triển khai nhiều giải pháp giảm chênh lệch tỷ số giới tính khi sinh tại 30 quận, huyện, thị xã. Dù tỷ số giới tính khi sinh có giảm, song Hà Nội cũng sẽ không chủ quan, lơ là vì hiện một số huyện ngoại thành, như Sóc Sơn, Quốc Oai, Mỹ Đức... tỷ lệ chênh lệch giới tính khi sinh vẫn ở mức cao.

Ngày 9/7 tại Hà Nội, Sở Y tế Hà Nội phối hợp với UBND huyện Thanh Trì tổ chức mít tinh, cổ động hưởng ứng kỷ niệm Ngày Dân số thế giới (11/7).

Phát biểu tại buổi mít tinh, ông Hoàng Đức Hạnh, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết: Hiện nay, Hà Nội tiếp tục đẩy mạnh, tập trung chuyển hướng trọng tâm vào dân số và phát triển. Tiếp tục duy trì và nhân rộng các mô hình nâng cao chất lượng dân số trên toàn thành phố, đưa tỷ số giới tính khi sinh dần về mức cân bằng tự nhiên; tận dụng hiệu quả cơ cấu dân số vàng; thích ứng với già hóa dân số; phân bố dân số hợp lý, góp phần phát triển Thủ đô nhanh và bền vững.

Ông Hoàng Đức Hạnh, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội phát biểu tại lễ mít tinh

Triển khai thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TW của Ban chấp hành Trung ương, công tác dân số của Hà Nội trong thời qua đã có những bước chuyển tích cực. Theo báo cáo kết quả 6 tháng đầu năm 2019, tỷ số giới tính khi sinh của thành phố Hà Nội là 112,8 trẻ trai/100 trẻ gái, dự kiến cuối năm không quá 113 trẻ trai/100 trẻ gái; tỷ lệ sàng lọc trước sinh đạt 78,08%; tỷ lệ sàng lọc sơ sinh đạt 85,12%; số người mới áp dụng biện pháp tránh thai 367.316 người (đạt 101,9%).

Theo ông Hoàng Đức Hạnh cho biết, thời gian qua Hà Nội triển khai nhiều giải pháp giảm chênh lệch tỷ số giới tính khi sinh tại 30 quận, huyện, thị xã như giảm sinh con thứ ba, nghiêm cấm lựa chọn giới tính thai nhi, nêu cao vai trò của phụ nữ trong gia đình và xã hội, tuyên dương các gia đình sinh con một bề là gái...

Dù tỷ số giới tính khi sinh có giảm, song ông Hoàng Đức Hạnh cũng nhấn mạnh, Hà Nội cũng sẽ không chủ quan, lơ là vì hiện một số huyện ngoại thành, như Sóc Sơn, Quốc Oai, Mỹ Đức... tỷ lệ chênh lệch giới tính khi sinh vẫn ở mức cao. Ở huyện Sóc Sơn, tỷ lệ giới tính khi sinh giữa trẻ trai và gái 6 tháng đầu năm nay là 120/100. Ở huyện Quốc Oai hay Mỹ Đức, con số này là 115/100.

Hiện nay, tại Hà Nội nhiều mô hình được duy trì và nhân rộng tại các địa bàn trên toàn thành phố như mô hình chăm sóc sức khỏe người cao tuổi tại cộng đồng; mô hình can thiệp truyền thông chăm sóc sức khỏe sinh sản/kế hoạch hóa gia đình (CSSKSS/ KHHGĐ) tới vùng dân cư đặc thù; mô hình tư vấn và khám sức khỏe tiền hôn nhân và mô hình chăm sóc sức khỏe sinh sản vị thành niên, thanh niên…

Hàng năm, Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) Hà Nội đã phối hợp với Hội Kế hoạch hóa gia đình để tổ chức các buổi truyền thông kiến thức SKSS/KHHGĐ cho các đối tượng là phụ nữ tuổi mãn kinh, nam giới, vị thành niên thanh niên...

Nhiều thông điệp ý nghĩa đã được lan tỏa trong buổi diễu hành cổ động hưởng ứng Ngày Dân số thế giới

Ngoài ra phối hợp với Thành đoàn Hà Nội tổ chức truyền thông chăm sóc SKSS/KHHGĐ, các bệnh lây truyền qua đường tình dục cho các đoàn viên thanh niên… và phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ, Liên đoàn Lao động để truyền thông chính sách DS-KHHGĐ, kiến thức CSSKSS/KHHGĐ, bình đẳng giới cho cán bộ trong hệ thống và phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ…

Nhiều hoạt động, thông điệp ý nghĩa về công tác DS- KHHGĐ được thực hiện ngay trong lễ mít tinh tạo hiệu ứng và ủng hộ tích cực.

Kỷ niệm Ngày Dân số thế giới năm nay với chủ đề: Việt Nam - 25 năm thực hiện Chương trình hành động Hội nghị Quốc tế về Dân số và Phát triển (ICPD Cairo, 1994), Hà Nội sẽ tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo về công tác dân số.

Tổ chức học tập, quán triệt và phổ biến nội dung Nghị quyết số 21-NQ/TW đến các sở, ban, ngành, địa phương, tầng lớp nhân dân, tạo sự đồng thuận cao trong toàn xã hội về chuyển trọng tâm chính sách dân số từ kế hoạch hóa gia đình sang dân số và phát triển, giải quyết toàn diện, đồng bộ các vấn đề về quy mô, cơ cấu, phân bố, đặc biệt là chất lượng dân số trong mối quan hệ hữu cơ với phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh.

Bên cạnh đó nâng cao chất lượng dân số, đưa tỷ số giới tính khi sinh dần về mức cân bằng tự nhiên; tận dụng hiệu quả cơ cấu dân số vàng; thích ứng với già hóa dân số; phân bố dân số hợp lý, góp phần phát triển Thủ đô nhanh và bền vững./.

Mai Thùy

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực