Hà Nội: Xử lý triệt để các cơ sở giết mổ nhỏ lẻ gây ô nhiễm

Thứ sáu, 17/07/2015 11:26

(ĐCSVN)Mặc dù thời gian qua, công tác quản lý giết mổ gia súc, gia cầm, phòng chống dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm tại Hà Nội đã có nhiều chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, vẫn còn đến 70% trong số thực phẩm trên được giết mổ tại các gia đình, điểm giết mổ thủ công không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, không được kiểm soát về thú y, dịch bệnh.

 

 Một số cơ sở chăn nuôi, giết mổ khu vực ngoại thành Hà Nội không được
 kiểm soát chặt chẽ gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.
(Ảnh minh họa: BL)

Nhiều cơ sở giết mổ không đảm bảo vệ sinh

Theo Chi cục Thú y Hà Nội, trên địa bàn thành phố hiện đang còn khoảng 2.491 điểm, hộ giết mổ gia súc, gia cầm nhỏ lẻ trong khu dân cư không đảm bảo vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm và gây ô nhiễm môi trường. Hiện các điểm, hộ giết mổ thủ công nhỏ lẻ lấy nguồn hàng từ các tỉnh lên tới 90% số thịt trâu bò, 73% số thịt lợn và 68,6% số thịt gia cầm. Như vậy, 68,6 - 73% nhu cầu thịt của người dân TP.Hà Nội được cung cấp từ các tỉnh lân cận và từ chính các điểm giết mổ nhỏ, lẻ. Điều đáng báo động là các lò mổ nhỏ, lẻ hoạt động thiếu kiểm soát gây mất vệ sinh an toàn thực phẩm và nguy cơ ô nhiễm môi trường cao.

Nguyên nhân một phần cũng do các địa phương bố trí địa điểm xây dựng cơ sở giết mổ chưa phù hợp với quy hoạch xây dựng nông thôn mới. Diện tích xây dựng cơ sở giết mổ tập trung theo quy hoạch chưa bảo đảm nhu cầu giết mổ của một số địa phương. Một số huyện tuy đã có quy hoạch của thành phố, nhưng không bố trí được quỹ đất sạch để xây dựng cơ sở giết mổ, dẫn đến thiếu kinh phí giải phóng mặt bằng như ở: Sơn Tây, Ba Vì.... Một số nơi đã bố trí được quỹ đất, nhưng chưa có doanh nghiệp đầu tư tham gia xây dựng như: Xã Hữu Văn (Chương Mỹ), xã Bình Minh (Thanh Oai)...
 
Bên cạnh đó, do ý thức của các hộ gia đình, chủ cơ sở giết mổ nhỏ, lẻ không quan tâm tới việc đầu tư trang thiết bị phục vụ trong công tác giết mổ, không có hệ thống thu gom, xử lý chất thải và nước thải gây ô nhiễm môi trường cũng như nguồn nước ngầm. Chất thải được xả tràn lan trong khi giết mổ hay thải trực tiếp xuống sông, cống rãnh thoát nước. Việc giết mổ được thực hiện ngay trên nền nhà, sân... Bên cạnh đó, nguồn nước sạch phục vụ giết mổ cũng không đảm bảo vệ sinh thú y, một số điểm giết mổ sử dụng giếng khoan để rửa thịt, không ít hộ giết mổ còn tận dụng cả nước sông.

Đơn cử như khu vực Chương Mỹ (Hà Nội), theo phản ánh của một số người dân, một số hộ gia đình nơi đây không chỉ giết mổ lợn mà còn trực tiếp nuôi, thu mua lợn từ các xã lân cận và nhốt lợn ngay trong khu dân cư. Nhiều hộ sau khi nhập lợn về còn rửa xe ô tô chở gia súc, xả phân lợn xuống đường đi, ruộng, ao… gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.

Ông Xuân, người dân xã Hữu Văn, huyện Chương Mỹ cho biết: Các hoạt động chăn nuôi nơi đây ảnh hưởng nhiều tới cuộc sống của người dân chúng tôi. Vào lúc nửa đêm khoảng 3 - 4 giờ sáng, nhiều người trong gia đình ông thường bị mất ngủ bởi tiếng lợn kêu, tiếng xe máy, ô tô, người ra vào tại các lò mổ lấy hàng gây ồn ào… Rồi đến sáng khoảng tầm 7 - 8 giờ, mùi hôi từ nước thải, chất thải sau khi các hộ ở đây giết mổ xong thải ra cống rãnh, kênh mương khiến người dân cảm thấy ngột ngạt, khó thở…

Bà Phạm Thị Tuất, một trong người sống gần nhất các cơ sở giết mổ than vãn: Lúc trời nắng, mùi hôi bốc lên không ai chịu nổi. Vì là chỗ láng giềng nên không ai dám nói gì. Giết mổ thiếu kiểm soát, không đảm bảo vệ sinh thế này thì không biết tình trạng sức khỏe của người dân sẽ đi đến đâu?.

Tại huyện Phú Xuyên (Hà Nội), một trong những cơ sở giết mổ trâu, bò cũng là nơi gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Hoạt động giết mổ trâu, bò thường diễn ra tại hộ gia đình từ 22 giờ hôm trước tới 4 – 5 giờ sáng hôm sau.

Theo phản ánh của một số người dân nơi đây, nhiều nơi bên những bờ kênh, ruộng, xương trâu, bò đóng thành từng bao tải lớn vứt chồng chất, ngổn ngang. Ngày nắng, đống xương thịt ấy theo gió mang theo mùi ô nhiễm ùa vào trong làng. Khi mưa, ruồi nhặng bu bám trên đống phế phẩm ấy… khiến nhiều khu vực bốc mùi nghiêm trọng.

Xử lý triệt để các cơ sở nhỏ lẻ gây ô nhiễm

Bà Huỳnh Thị Thanh Bình - Phó Trưởng phòng Thú y cộng đồng, Cục Thú y, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN& PTNT), cho biết: Tập quán chăn nuôi nhỏ lẻ, tự phát trong khu dân cư dẫn tới việc phát triển các lò giết mổ và vận chuyển thịt gia súc, gia cầm nhỏ lẻ thiếu kiểm soát hiện phát triển mạnh. Để hạn chế việc này, Bộ NN&PTNT đã có Đề án chăn nuôi và xây dựng các trung tâm giết mổ gia súc, gia cầm tập trung.

Tính đến hết tháng 2/2015, cả nước đã có 53 trong số 63 tỉnh, thành phố được phê duyệt bắt đầu triển khai Đề án. Trong đó, hơn 80% các địa phương này đã có những chính sách hỗ trợ, khuyến khích các cơ sở giết mổ nhỏ lẻ tham gia cùng đầu tư hệ thống giết mổ hiện đại trong khu quy hoạch.

Để khắc phục tình trạng trên, Chi cục Thú y Hà Nội cũng cho rằng, việc đầu tư nâng cấp những cơ sở giết mổ sẽ bảo đảm thực hiện triệt để việc kiểm soát giết mổ, kiểm tra vệ sinh thú y đối với gia súc, gia cầm tiêu dùng của thành phố. Bên cạnh đó, cần phải tăng cường thông tin tuyên truyền về chủ trương của thành phố, nhằm nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về kiểm dịch, vệ sinh thú y, đảm bảo vệ sinh môi trường cho người chăn nuôi, giết mổ, kinh doanh gia súc, gia cầm...

Nhằm chấn chỉnh tình trạng trên, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đã đề nghị UBND tỉnh, thành phố chỉ đạo các đơn vị chức năng liên quan khẩn trương triển khai việc kiểm tra đánh giá tình trạng này trên địa bàn và có ngay các giải pháp kiểm soát cũng như hướng dẫn để các cơ sở giết mổ vật nuôi áp dụng quy trình giết mổ an toàn vệ sinh thực phẩm và đối xử nhân đạo với gia súc.

Triển khai công tác trên, UBND thành phố Hà Nội đã yêu cầu UBND các quận, huyện xác định lộ trình từng bước đình chỉ hoạt động của các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm không đảm bảo các yêu cầu vệ sinh an toàn thực phẩm, gây ô nhiễm môi trường theo quy định.

Thành phố cũng chỉ đạo các lực lượng Công an, Quản lý thị trường phối hợp chặt chẽ với cơ quan chuyên ngành thú y kiểm tra, xử lý theo quy định hiện hành các tổ chức, cá nhân vi phạm trong hoạt động giết mổ động vật không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm; gây ô nhiễm môi trường./.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực