Hai Đại học Quốc gia mong muốn tạo điều kiện thuận lợi để phát triển nhanh và bền vững

Thứ ba, 02/06/2020 16:50
(ĐCSVN) -PGS.TS. Huỳnh Thành Đạt mong muốn lãnh đạo Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội và Bộ GD&ĐT nghiên cứu và đồng thuận bổ sung các kiến nghị trên vào Nghị định về ĐHQG nhằm tạo điều kiện thuận lợi để hai ĐHQG phát triển nhanh và bền vững như kỳ vọng của Đảng, Quốc hội và Chính phủ giao phó.

Chiều tối 1/6, Đoàn khảo sát Uỷ ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội do Đồng chí Phan Thanh Bình - Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội làm Trưởng đoàn đã có buổi làm việc với hai Đại học Quốc gia (ĐHQG) về dự thảo nghị định ĐHQG.

Tại buổi làm việc, đại diện lãnh đạo ĐHQG TP. Hồ Chí Minh trình bày những thành tựu của trường trong những năm qua trong đó nhấn mạnh, ĐHQG TP. Hồ Chí Minh có bảy trường đại học thành viên, một viện thành viên và 27 đơn vị trực thuộc. Tổng số cán bộ nhân viên của ĐHQG khoảng 6.000 (369 giáo sư, phó giáo sư, 1.200 tiến sĩ, hơn 2.000 thạc sĩ). ĐHQG đã triển khai thành công: Mô hình CDIO; Đề án Nâng cao chất lượng dạy và học tiếng Anh; Giải pháp tài chính đại học; Tổ chức Kỳ thi Đánh giá năng lực…

Về kiểm định chất lượng giáo dục và xếp hạng khu vực/quốc tế, ĐHQG có hai trường và 49 chương trình đạt chuẩn AUN-QA (chiếm gần 50% số chương trình đạt chuẩn AUN-QA trên cả nước); năm trường đạt chuẩn của Bộ; 13 chương trình đạt các chuẩn CTI, FIBAA, ACBSP, và ABET. Từ năm 2013, ĐHQG luôn được xếp trong top 150 trường tốt nhất châu Á (QS Asia) và trong nhóm 701-750 trường tốt nhất thế giới (QS World năm 2018, 2019).

Công tác học sinh sinh viên (HSSV) luôn ổn định, bảo đảm SV của ĐHQG có môi trường học tập tốt nhất. ĐHQG có nhiều đóng góp vào công tác tư vấn tuyển sinh, hướng nghiệp của cả nước. HSSV ĐHQG đạt nhiều giải thưởng trong các kỳ thi quốc tế. Hằng năm, ĐHQG cung cấp cho xã hội hàng chục nghìn kỹ sư, cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ. Theo công bố QS GER 2020, ĐHQG thuộc top 301-500 đại học có tỉ lệ SV có việc làm tốt nhất thế giới.

Khi dịch bệnh COVID-19 xuất hiện và nhanh chóng bùng phát thành đại dịch, Việt Nam cũng nằm trong vùng bị lây lan và ảnh hưởng. Tuy nhiên với sự lãnh chỉ đạo sáng suốt, quyết tâm của Chính phủ, sự đồng lòng của toàn dân, dịch bệnh được kiểm soát tốt. Góp phần vào đó là phần đóng góp của toàn thể lãnh đạo, cán bộ viên chức ĐHQG.

Với sứ mạng tiên phong, dẫn dắt, nhiều nhà khoa học, nghiên cứu viên trong hệ thống ĐHQG đã nỗ lực nghiên cứu, thiết kế, chế tạo và phát triển các sản phẩm đa dạng, hỗ trợ phòng chống dịch bệnh, như: Buồng khử khuẩn di động sử dụng khí sạch; Buồng khử khuẩn bề mặt di động; Buồng lấy mẫu và khử khuẩn bề mặt di động; Máy phun dung dịch sát khuẩn rửa tay không tiếp xúc, Máy thở không xâm lấn; Thiết bị dẫn khí; Bộ sản phẩm Gel sát khuẩn nhanh; Dung dịch xịt sát khuẩn nhanh; Hệ thống máy sản xuất khẩu trang,…

Tại buổi làm việc, thay mặt lãnh đạo ĐHQG TP. Hồ Chí Minh, PGS.TS.Huỳnh Thành Đạt - Ủy viên Trung ương Đảng- Giám đốc ĐHQG TP. Hồ Chí Minh nhấn mạnh, trong những năm qua, hai ĐHQG đã từng bước trở thành trung tâm đào tạo, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ đa ngành, đa lĩnh vực với chất lượng hàng đầu của Việt Nam. Hiện nay, riêng ĐHQG TP. Hồ Chí Minh đang dẫn đầu cả nước về số lượng chương trình đào tạo đạt chuẩn khu vực và quốc tế, về số lượng và chất lượng công bố quốc tế, và cả về các chương trình liên kết, hợp tác quốc tế. ĐHQG TP. Hồ Chí Minh cũng là đơn vị đi đầu cả nước trong việc hình thành và phát triển một khu đô thị đại học khang trang, hiện đại, thân thiện với môi trường, hướng tới một thành phố đại học thông minh tại cửa ngõ Đông Bắc TP. Hồ Chí Minh.

 Quang cảnh buổi làm việc.

PGS.TS. Huỳnh Thành Đạt cho rằng, trong những năm gần đây, Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ đã ban hành các Nghị quyết, các đạo Luật, các văn bản dưới Luật của Quốc hội và Chính phủ với quyết tâm đổi mới giáo dục đại học theo hướng tự chủ và trách nhiệm nhằm khơi dậy, phát huy tiềm năng và sức sáng tạo của đội ngũ trí thức, đóng góp tích cực cho sự nghiệp phát triển đất nước. Trong đó, vấn đề Bí thư Đảng ủy kiêm Chủ tịch hội đồng trường cũng như mối quan hệ giữa Đảng uỷ - Hội đồng trường – Ban Giám hiệu đã được Đảng ủy - Ban Giám đốc ĐHQG TP. Hồ Chí Minh quán triệt một cách hiệu quả và khoa học trong toàn hệ thống ĐHQG TP. Hồ Chí Minh. Tính đến hôm nay, 6 đảng bộ trường đại học thành viên đã tổ chức đại hội đảng nhiệm kỳ 2020-2025 và đã thực hiện nghiêm túc quan điểm trên. 

Bên cạnh đó, rất nhiều các hoạt động khác liên quan đến triển khai Luật số 34 đã được tập thể lãnh đạo và chuyên gia ĐHQG TP. Hồ Chí Minh tập trung nghiên cứu, tìm giải pháp nhằm từng bước áp dụng Luật số 34 vào thực tiễn hoạt động ĐHQG TP. Hồ Chí Minh. Hiện nay, 4 trường đại học thành viên thuộc ĐHQG TP. Hồ Chí Minh đang xây dựng Đề án đổi mới cơ chế quản lý và chuẩn bị trình Hội đồng ĐHQG TP. Hồ Chí Minh vào đầu tháng 7/2020. Nếu các Đề án được thông qua, bắt đầu từ năm 2021, các trường này sẽ tự chủ tài chính chi thường xuyên và song song đó, trường sẽ tự chủ trong một số hoạt động chuyên môn, tài chính như Luật số 34 quy định.

Đưa ra kiến nghị đối với dự thảo Nghị định về ĐHQG, PGS.TS. Huỳnh Thành Đạt nhấn mạnh, năm 2020, Chính phủ đang lấy ý kiến Nghị định về ĐHQG. Đây là lần ban hành thứ tư Nghị định về ĐHQG. Điều này minh chứng rằng, Đảng, Quốc hội và Chính phủ đang đặt những kỳ vọng rất lớn đối với hai ĐHQG và Nghị định như là một cơ chế nhằm tháo gỡ những khó khăn nhất thời hiện tại, đồng thời tạo điều kiện để hai ĐHQG phát triển nhanh và bền vững trong vòng 10-20 năm tới. Trong đó kiến nghị: 

Về cơ cấu tổ chức: Luật số 34 đã quy định mô hình Học viện được gọi chung là trường đại học. Từ đó, ĐHQG TP. Hồ Chí Minh kiến nghị bổ sung Học viện là đơn vị thành viên của ĐHQG. Như vậy, cơ cấu ĐHQG gồm các đơn vị thành viên, đơn vị trực thuộc và đơn vị thuộc. Đơn vị thành viên gồm: các trường đại học, viện nghiên cứu và học viện.

Về hoạt động đào tạo: Ban hành Quy chế đào tạo áp dụng trong phạm vi ĐHQG; Phê duyệt mở các ngành đào tạo mới chưa có trong danh mục đào tạo, áp dụng trong phạm ĐHQG.

Về công tác đầu tư, quản lý tài chính, tài sản và cơ sở vật chất: Có thẩm quyền đối với các dự án do ĐHQG quyết định đầu tư tương đương thẩm quyền của các Bộ, ngành đối với các dự án do các Bộ, ngành quyết định đầu tư; được tổ chức bộ máy đủ năng lực thẩm định dự án đầu tư xây dựng nhóm B trở xuống, thẩm định thiết kế xây dựng và kiểm tra nghiệm thu các công trình xây dựng cấp I trở xuống; tổ chức thẩm định, phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/500 các dự án đầu tư xây dựng của các đơn vị trong ĐHQG; Có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư, phê duyệt dự án và ký kết hợp đồng thực hiện các dự án theo hình thức đối tác công tư thuộc phạm vi quản lý theo đúng quy định của pháp luật; được huy động nguồn lực của xã hội, thực hiện xã hội hóa để xây dựng ĐHQG thành trung tâm giáo dục đại học đạt chuẩn quốc tế, khu vực.

Về nhiệm vụ của Hội đồng Đại học ĐHQG: Quyết nghị thông qua đề án thành lập, sáp nhập, chia, tách, giải thể các đơn vị thành viên, đơn vị thuộc và trực thuộc của ĐHQG theo quy định của pháp luật; phê duyệt đề án/phương án tự chủ của các đơn vị thành viên, đơn vị trực thuộc và thuộc ĐHQG; Quyết nghị thông qua các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển 5 năm của các đơn vị thành viên, đơn vị trực thuộc và thuộc ĐHQG; các Nghị quyết của Hội đồng trường đại học thành viên.

PGS.TS. Huỳnh Thành Đạt mong muốn lãnh đạo Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội và Bộ GD&ĐT nghiên cứu và đồng thuận bổ sung các kiến nghị trên vào Nghị định về ĐHQG nhằm tạo điều kiện thuận lợi để hai ĐHQG phát triển nhanh và bền vững như kỳ vọng của Đảng, Quốc hội và Chính phủ giao phó.

 PGS.TS Nguyễn Kim Sơn, Giám đốc ĐHQGHN phát biểu ý kiến. 

Cùng quan điểm trên, PGS.TS Nguyễn Kim Sơn - Giám đốc ĐHQGHN cho biết, cần có buổi làm việc chuyên ngành các bộ ngành để rà soát pháp lý, tránh rủi ro pháp lý. Ngoài ra, hai ĐHQG không trực tiếp coi là cơ quan trực thuộc Chính phủ nhưng việc Thủ tướng bổ nhiệm, giao ngân sách, đó cũng được xem là căn cứ ngang bằng cơ quan ngang bộ.

PGS.TS Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh, hiện nay, Bộ Giáo dục ban hành quy chế đào tạo. Theo đó, quản lý bằng quy chế là hình thức quản lý trên cơ sở phương diện hành chính. Luật Giáo dục sửa đổi chuyển từ phương diện quản lý hành chính sang quản lý chất lượng bằng các hệ chuẩn, hệ giám sát. Do đó, việc ban hành quy chế vội vàng, quy chế chung cho cả nước sẽ gia tăng quản lý hành chính theo cách cũ.  Đồng thời, kiến nghị quy chế Bộ ban hành này không áp dụng cho ĐHQG, nên ban hành quy chế đào tạo riêng thực sự mở đường tiên phong, thí điểm cho hai ĐHQG.

PGS.TS Nguyễn Kim Sơn cho rằng, về phương diện tài chính, hai ĐHQG thực hiện theo thông tư 23 cũ. Ngược lại, hai ĐHQG có chất lượng đạt tiêu chuẩn quốc tế và được kiểm định theo hệ quốc tế. Nên chăng cho phép hai ĐHQG quyết định học phí tính đúng tính đủ theo phương thức tự chủ đa dạng và quyết định thẩm quyền trong đầu tư...

Sau khi nghe báo cáo, đồng chí Phan Thanh Bình - Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, Trưởng đoàn và các thành viên cùng Đoàn đã ghi nhận và đánh giá cao những thành quả mà hai ĐHQG đã đạt được trong thời gian qua. Đồng thời, mong muốn hai ĐHQG phát huy mạnh mẽ tài năng và trí tuệ, niềm đam mê khoa học, những khát khao khám phá để cùng góp phần tích cực vào công cuộc xây dựng, phát triển ĐHQG, nâng tầm tri thức và giá trị Việt Nam sánh ngang cùng với các nước phát triển trong khu vực và thế giới như kỳ vọng của Đảng và Nhà nước.

Cũng tại buổi làm việc này, Đoàn Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội và đại diện Ban lãnh đạo ĐHQG đã có nhiều trao đổi thẳng thắn, cởi mở những vấn đề còn vướng mắc, những kiến nghị, đề xuất về dự thảo nghị định ĐHQG./.

Tin, ảnh: Chi Mai

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực