Hiến tặng mô/tạng: "Chung tay vì sự sống"

Thứ năm, 18/10/2018 22:00
(ĐCSVN) - Trong 5 năm qua, Trung tâm Điều phối Quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người đã thực hiện công tác điều phối mô, tạng cứu sống được nhiều người bệnh hiểm nghèo. Trong công tác điều phối, đã có nhiều trường hợp tạo nên và lan tỏa ý nghĩa nhân văn rất lớn cho cộng đồng, như trường hợp hiến giác mạc của bé Hải Anh

Chiều ngày 18/10, tại Ninh Bình, Trung tâm Điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người và tỉnh Ninh Bình phối hợp tổ chức Ngày hội “Chung tay vì sự sống năm 2018" đã thu hút hàng trăm tình nguyện viên tham dự.


Tại Ngày hội, nhiều người dân đăng ký hiến tặng mô/tạng nhằm chung tay vì sự sống. Ảnh: VA

Tại Ngày hội, GS.TS Trịnh Hồng Sơn, Giám đốc Trung tâm Điều phối Quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người chia sẻ, Chương trình “Chung tay vì sự sống 2018” được tổ chức nhằm kêu gọi toàn thể nhân dân cùng góp phần làm cho cuộc sống trở nên tươi đẹp hơn bằng cách đăng ký hiến tặng mô/tạng.

Theo GS.TS Trịnh Hồng Sơn, hiện tại lĩnh vực ghép tạng đã có nhiều thành tựu ghép hơn 3.000 ca, trong đó ghép gan hơn 128 ca. Đến nay, có hơn 82 ca người cho chết não, cứu sống được nhiều người suy gan, suy tim (29 trường hợp).

Trong lần phát động “Chung tay vì sự sống 2018” lần này tại Ninh Bình, GS.TS Trịnh Hồng Sơn muốn chuyển tải thông điệp “Cho đi là còn mãi”, chính chúng ta hãy tham gia hiến tặng mô, tạng sau khi chết hoặc chết não. Một ngày nào đó nếu không may chết não, qua đời, ước mong khi trở về cát bụi, chúng ta vẫn có thể tiếp tục thắp sáng, viết tiếp cuộc đời của nhiều người khác.

Tại Ngày hội, GS.TS Phạm Gia Khánh, Chủ tịch Hội Ghép tạng Việt Nam cho biết, năm 2017 có số lượng ghép tạng nhiều nhất với 673 ca. Đến nay, chúng ta có 82 người chết hiến tạng, trung bình mỗi năm có 10 người. Nếu tính theo tỷ lệ dân số thì một triệu người dân mới có 0,11 người hiến tạng khi chết. Trong khi đó, tại Úc là 20,7 lần (cao hơn Việt Nam 200 lần) và ở Mỹ là 31,6 lần (cao hơn Việt Nam gần 300 lần).

“Thiếu tạng ghép cũng là một cản trở lớn cho sự phát triển ghép tạng Việt Nam. Thiếu tạng ghép còn nảy sinh nhiều vấn đề phức tạp của xã hội như nạn buôn bán tạng, buôn bán người”, GS.TS Phạm Gia Khánh nói.

Theo GS Phạm Gia Khánh, Trung tâm Điều phối ghép tạng quốc gia đóng một bộ phận quan trọng trong mắt xích ghép tạng. Trong các mốc phát triển ghép tạng thế giới, điều phối là một trong các mốc tạo bước ngoặt cho sự phát triển của ghép tạng, được đánh giá như sự ra đời của tiêu chuẩn chết não, các thuốc ức chế miễn dịch. Một người hiến tạng chết có thể cứu được bao nhiêu người là phụ thuộc vào Trung tâm điều phối.

Ông Bùi Trọng Kỳ, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ tỉnh Ninh Bình cho biết, Hội Chữ thập đỏ tỉnh luôn hỗ trợ, đồng hành cùng công tác vận động tình nguyện hiến tặng mô, tạng. Trong hôm nay, Hội chữ thập đỏ tỉnh Ninh Bình đã tổ chức một đoàn xe 200 người cổ động, mang thông điệp hiến tặng mô tạng tới từng con phố, từng người dân thành phố Ninh Bình để lan tỏa thông điệp “Hãy đăng ký hiến tặng mô tạng để sự sống được nối dài” tới những người dân thành phố Ninh Bình.

Được biết, trong 5 năm qua, Trung tâm Điều phối Quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người đã thực hiện công tác điều phối mô, tạng cứu sống được nhiều người bệnh hiểm nghèo. Trong công tác điều phối, đã có nhiều trường hợp tạo nên và lan tỏa ý nghĩa nhân văn rất lớn cho cộng đồng, như trường hợp hiến giác mạc của bé Hải Anh.

Trung tâm cũng xuyên thực hiện những ca vận chuyển mô, tạng đến các cơ sở y tế trong cả nước để kịp thời cứu chữa cho những bệnh nhân nặng đang chờ ghép mô, tạng. Trung tâm đã chuyển thành công tạng gần 2000 km từ TP. Hồ Chí Minh ra Hà Nội để thực hiện ghép gan cứu sống bệnh nhân Trần Văn Hải; hay vận chuyển quả tim từ Hà Nội vào TP. Huế cho một bệnh nhân cần phẫu thuật ghép tim./.

Mỹ Anh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực