Hiệu quả trong thực hiện Phong trào “Vệ sinh yêu nước, nâng cao sức khỏe nhân dân” tại Tiền Giang

Thứ hai, 08/10/2018 01:10
(ĐCSVN) – Phong trào Vệ sinh yêu nước, nâng cao sức khỏe nhân dân tại Tiền Giang trong những năm qua đã đạt được một số kết quả đáng khích lệ, góp phần cải thiện các điều kiện vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường, đặc biệt là ở khu vực nông thôn.

Lồng ghép các hoạt động của phong trào trong nhiều chương trình, dự án

Một trong những giải pháp triển khai hiệu quả phong trào “Vệ sinh yêu nước, nâng cao sức khỏe nhân dân” đó là Tiền Giang luôn chú trọng lồng ghép các hoạt động của phong trào với những chương trình, dự án khác, đặc biệt là các tiêu chí về y tế xã trong xây dựng nông thôn mới.

Có thể kể đến một số dự án đã được tiếp nhận và triển khai thực hiện hiệu quả tại Tiền Giang như: Dự án của Tổ chức Đông Tây hội ngộ hỗ trợ cải thiện vệ sinh cộng đồng trong 3 năm (2012 - 2015), mục tiêu cải thiện điều kiện vệ sinh cho phụ nữ nghèo nông thôn; đồng thời đẩy nhanh việc thực hiện Chiến lược quốc gia về cấp nước sạch và vệ sinh nông thôn đến năm 2020. Dự án của tổ chức Oxfarm nhằm nâng cao khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm thiểu mức độ thiệt hại, bảo đảm phát triển bền vững lĩnh vực nông nghiệp và nông thôn trong bối cảnh bị tác động bởi biến đổi khí hậu… Đồng thời, tỉnh cũng hỗ trợ tình nguyện viên thuộc Tổ chức JICA (Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản) thực hiện chương trình tuyên truyền về môi trường và du lịch sinh thái cho học sinh của các trường tiểu học và trung học cơ sở tại xã Thới Sơn (thành phố Mỹ Tho) nhằm góp phần bảo vệ môi trường, phát triển du lịch bền vững.

Diễu hành tuyên truyền, vận động nhân dân cùng hưởng ứng phong trào
bảo vệ nguồn nước sạch, bảo vệ môi trường tại Tiền Giang. (Ảnh: nongthon.doanthanhnien.vn)

 
Bên cạnh đó, hằng năm, Tiền Giang đều tổ chức Ngày Vệ sinh yêu nước, nâng cao sức khỏe nhân dân (2/7) thông qua các hình thức truyền thông tại cộng đồng về vệ sinh môi trường, an toàn vệ sinh thực phẩm và phòng, chống một số bệnh truyền nhiễm. Trong đó, chú trọng tuyên truyền rửa tay với xà phòng để phòng, chống dịch bệnh lây qua đường tiêu hóa; tổ chức truyền thông lưu động trên các trục lộ chính và nơi đông dân cư về giữ gìn vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường; tổ chức treo băng-rôn, khẩu hiệu tại các cơ sở y tế với chủ đề ưu tiên giải quyết những vấn đề cấp bách về vệ sinh liên quan đến sức khỏe. Thực hiện vệ sinh an toàn lao động đối với người lao động về phòng, chống tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp thông qua việc tổ chức Hội thi An toàn vệ sinh lao động, phòng, chống cháy nổ trên địa bàn tỉnh hằng năm.

Chú trọng công tác tập huấn, nâng cao năng lực

Các hoạt động tập huấn, nâng cao năng lực, nhận thức về vệ sinh môi trường, vệ sinh lao động, vệ sinh cá nhân… được tỉnh Tiền Giang đặc biệt chú trọng nhằm hưởng ứng hiệu quả phong trào Vệ sinh yêu nước, nâng cao sức khỏe nhân dân.

Hằng năm, tỉnh tổ chức tập huấn công tác an toàn vệ sinh thực phẩm cho người sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm và dịch vụ ăn uống; tập huấn về kỹ năng tuyên truyền phòng, chống các bệnh thường gặp trong học đường, hướng dẫn thực hành 06 bước rửa tay tại trường học; mở lớp hướng dẫn việc thực hiện Nghị định số 69/2011/NĐ-CP của Chính phủ về quy định xử phạt vi phạm hành chính về y tế dự phòng, môi trường y tế và phòng, chống HIV/AIDS; tập huấn hướng dẫn các cơ sở cấp nước tự kiểm tra chất lượng nước bằng test thử nhanh, yêu cầu về chất lượng nước  cấp theo quy định của Bộ Y tế, quy định về tự kiểm tra chất lượng nước, xử lý các chỉ tiêu chất lượng chưa đạt sau kiểm tra…

Bên cạnh đó, nhiều lớp tập huấn cho doanh nghiệp, hợp tác xã về ứng dụng khoa học và công nghệ trong  sản xuất sản phẩm nông nghiệp theo tiêu chuẩn VietGAP, Global GAP cũng đã được tổ chức nhằm nâng cao ý thức của người dân trong sản xuất tạo ra sản phẩm nông nghiệp sạch.

Nhiều kết quả đáng ghi nhận

Phong  trào Vệ sinh yêu nước, nâng cao sức khỏe nhân dân tại Tiền Giang đã góp phần không nhỏ vào công tác bảo vệ  môi trường, chăm sóc sức khỏe, thực hiện nếp sống văn minh cho người dân trong tỉnh. Tỷ lệ nhà tiêu hợp vệ sinh hộ gia đình  tăng dần qua các năm, từ 54,3% năm 2012 đến cuối năm 2016 là 83,9%, trong đó tỷ lệ hộ gia đình nông thôn có nhà tiêu hợp vệ sinh đạt 72,4%. Trạm y tế có nguồn nước sinh hoạt đạt 100%, có nhà tiêu hợp vệ sinh đạt 100%; xử lý rác thải đạt 90%; 80% xã, phường, thị trấn có kế hoạch và phối hợp liên ngành thực hiện tốt công tác kiểm tra, giám sát vệ sinh an toàn thực phẩm trên địa bàn.

Đáng chú ý, lực lượng thực hiện công tác bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm được tổ chức trải đều từ tỉnh đến cơ sở nên công tác tuyên truyền, kiểm tra được phủ khắp. Người dân ngày càng có ý thức, chủ động hoặc tham gia cùng chính quyền trong công tác kiểm tra, thông tin và tuyên truyền về vệ sinh môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm, vệ sinh an toàn lao động, phòng chống dịch bệnh…

Theo Sở Y tế tỉnh Tiền Giang, trong thời gian tới, tỉnh phấn đấu tiếp tục tăng tỷ lệ người dân được sử dụng nước sạch  (đến năm 2021 tỷ lệ hộ dân sử dụng nước sinh hoạt từ các trạm cung cấp nước tập trung đạt 100%, trong đó 65% đạt chất lượng theo quy chuẩn quy định); tăng tỷ lệ hộ gia đình sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh (đạt 86% vào năm 2021), giải quyết các vấn đề về ô nhiễm môi trường…, tiếp tục thiết thực hưởng ứng có hiệu quả phong trào Vệ sinh yêu nước, nâng cao sức khỏe nhân dân./. 

Hà Việt
Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực