Hoàn thiện đề cương tài liệu hỗ trợ phục hồi chức năng cho trẻ em tự kỷ

Thứ ba, 18/09/2018 23:25
(ĐCSVN) - Thực hiện mục tiêu của Nhà nước về việc hỗ trợ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, khó khăn, ngày 18/9, tại Hà Nội, Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội), Trường Đại học Sư phạm Hà Nội phối hợp tổ chức Hội thảo “Hoàn thiện đề cương tài liệu hỗ trợ phục hồi chức năng cho trẻ em tự kỷ ở Việt Nam”.

Hội thảo "Hoàn thiện đề cương tài liệu hỗ trợ phục hồi chức năng cho trẻ em tự kỷ ở Việt Nam" nhằm lấy ý kiến đóng góp tài liệu, đồng thời thống nhất các ý kiến về hỗ trợ phục hồi chức năng cho trẻ em tự kỷ ở Việt Nam.

Ảnh minh họa. Nguồn: baoquangninh.vn

Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ LĐTBXH Nguyễn Thị Hà ghi nhận nỗ lực của các đơn vị thực hiện, đội ngũ các nhà giáo, chuyên gia trong 5 tháng qua để hoàn thiện khung đề cương tài liệu; đồng thời nhấn mạnh: Việt Nam chưa có một bộ tài liệu chuẩn để giáo dục trẻ tự kỷ. Hiện nay, để dạy một trẻ tự kỷ, mỗi gia đình, phụ huynh lại có một cách thức trị liệu khác nhau, tùy vào điều kiện của từng gia đình. Ở những thành phố lớn, bố mẹ không có thời gian dành cho con mà giao phó việc trị liệu cho nhà trường, người giúp việc. Trong khi đó, các nhà trường cũng có nhiều biện pháp trị liệu khác nhau. Do vậy, cả nước cần có một giáo trình thống nhất để dạy trẻ tự kỷ, tránh sự hoang mang trong quá trình tìm phương pháp dạy trẻ. Song song với việc phát hành giáo trình, các đơn vị chức năng cần tuyên truyền, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cộng đồng về trẻ tự kỷ.

Hiện ở Việt Nam đã có khá nhiều tài liệu liên quan đến rối loạn phổ tự kỷ, tuy nhiên chất lượng và tính khoa học của các loại tài liệu vẫn chưa được kiểm chứng. Bên cạnh đó, cơ hội tiếp cận, chọn lọc và sử dụng tài liệu đối với cán bộ cơ sở, phụ huynh vẫn còn nhiều bất cập. Để đảm bảo chất lượng làm việc với trẻ rối loạn phổ tự kỷ, một bộ tài liệu chuẩn là rất cần thiết.

Bộ tài liệu hỗ trợ phục hồi chức năng cho trẻ tự kỷ tại Việt Nam sẽ có hai phiên bản song song. Một phiên bản dành cho cán bộ can thiệp và một phiên bản dành cho phụ huynh có con rối loạn phổ tự kỷ. Các phần của hai phiên bản phần lớn giống nhau nhưng được điều chỉnh về cách viết, hàm lượng kiến thức, ví dụ phù hợp với mỗi nhóm đối tượng.

Nội dung tài liệu bao gồm: Bản viết, hình ảnh, video và các nguồn tài liệu bổ sung. Tài liệu giúp người đọc hiểu đúng về tự kỷ; nhận biết, đánh giá và chẩn đoán tự kỷ; tư vấn và hỗ trợ gia đình có người tự kỷ; lên chương trình và giám sát chương trình can thiệp; can thiệp tự kỷ bằng phân tích hành vi ứng dụng (các phương pháp ABA, mô hình PRT, âm ngữ trị liệu, trị liệu hoạt động, dùng thuốc y dược); quản lý hành vi trẻ tự kỷ; phát triển giao tiếp xã hội; can thiệp theo từng giai đoạn (can thiệp sớm, tuổi đến trường, tuổi trưởng thành); hỗ trợ người tự kỷ hoà nhập cộng đồng...

Góp ý tại hội thảo, một số đại biểu cho rằng tài liệu nên có một tên gọi thống nhất bằng cả tiếng nước ngoài và tiếng Việt cho chứng rối loạn phổ tự kỷ. Cuốn tài liệu cho phụ huynh nên giới thiệu thêm tiêu chí lựa chọn người và trung tâm can thiệp phù hợp; trong quá trình triển khai cần có sự kết hợp liên ngành (giáo dục, y tế...) để có sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả hơn...

Dự án "Nâng cao nhận thức về tự kỷ ở trẻ em Việt Nam" do Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam đề xuất, Công ty Cổ phần vàng bạc đá quý Phú Nhuận PNJ tài trợ với tổng kinh phí 10 tỷ đồng, thực hiện trong 5 năm (2018-2022).

Mục tiêu của dự án "Nâng cao nhận thức về tự kỷ ở trẻ em Việt Nam" đề xuất tập trung vào 5 mục tiêu cơ bản: Biên tập và phát hành bộ tài liệu chuẩn về hỗ trợ trẻ em tự kỷ ở Việt Nam; Đào tạo nâng cao năng lực 100 cán bộ nòng cốt (giảng viên nguồn) về tuyên truyền và hỗ trợ trẻ em tự kỷ; Phổ biến kiến thức về tự kỷ cho 10.000 cha, mẹ, người chăm sóc nuôi dưỡng trẻ em tự kỷ, người làm công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em và cộng đồng; Hỗ trợ 10.000 giáo viên, cán bộ dự án, cán bộ làm công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em tiếp cận và chuẩn hóa kiến thức về tự kỷ tại Việt Nam; Thông qua kết quả phổ biến kiến thức có khoảng 4.000 trẻ em tự kỷ được hưởng lợi gián tiếp từ dự án để hòa nhập cộng đồng;

Dự kiến, sau khi dự án "Nâng cao nhận thức về tự kỷ ở trẻ em Việt Nam" sẽ có bộ tài liệu chuẩn về hỗ trợ trẻ em tự kỷ ở Việt Nam được ban hành; 100 cán bộ nòng cốt được đào tạo về tuyên truyền và hỗ trợ trẻ em tự kỷ; 10.000 cha, mẹ, người chăm sóc nuôi dưỡng trẻ em tự kỷ, người làm công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em và cộng đồng được phổ biến kiến thức về tự kỷ; 10.000 giáo viên, cán bộ dự án, cán bộ làm công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em được tiếp cận với các kiến thức được chuẩn hóa về trẻ em tự kỷ tại ở Việt Nam.

Thông qua kết quả phổ biến kiến thức có khoảng 4.000 trẻ em tự kỷ được hưởng lợi gián tiếp từ dự án để hòa nhập cộng đồng. Đồng thời, dự án sẽ tăng cường sự hiểu biết của cộng đồng để giảm sự kỳ thị, phân biệt đối xử dành cho trẻ tự kỷ và gia đình các cháu, tăng cường sự quan tâm trách nhiệm, hỗ trợ của các cấp chính quyền và cộng đồng với gia đình có trẻ tự kỷ trong hoạt động can thiệp, hỗ trợ trẻ em tự kỷ; tăng cường sự hợp tác giữa Bộ LĐTBXH và các nhà chuyên môn, cộng đồng tại địa phương trong việc nâng cao năng lực về tổ chức hoạt động can thiệp cho trẻ tự kỷ nhằm mang lại cuộc sống trọn vẹn, ý nghĩa cho trẻ em tại cộng đồng. Thông qua các chiến dịch truyền thông mở rộng dưới hình thức truyền thanh, truyền hình các gia đình có trẻ em tự kỷ và cộng đồng xã hội được hiểu biết, nâng cao nhận thức và trang bị một số kiến thức cơ bản về trẻ em tự kỷ./.

Mỹ Anh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực