Hoàn thiện khung pháp lý phát triển thị trường khoa học công nghệ tại Việt Nam ​

Thứ năm, 18/01/2018 23:18
(ĐCSVN) - Đến thời điểm hiện tại, việc phát triển thị trường khoa học công nghệ của Việt Nam còn nhiều nút thắt, rào cản. Bởi vậy, cần hoàn thiện khung pháp lý về mặt thể chế cũng như định hướng phát triển thị trường khoa học công nghệ.
Toàn cảnh Hội nghị. Ảnh: BL

Đây là nội dung được nhiều chuyên gia, nhà khoa học đề xuất tại Hội nghị phát triển thị trường khoa học và công nghệ (KH&CN) do Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp khoa học và công nghệ (Bộ KH&CN) tổ chức ngày 18/1 tại Hà Nội.

Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng cho biết: trong những năm qua, với sự nỗ lực của các cơ quan xây dựng chính sách và sự tham gia tích cực của doanh nghiệp, tổ chức KH&CN, cá nhân nghiên cứu KH&CN ở trong và ngoài nước, hoạt động phát triển thị trường KH&CN đạt được những kết quả đáng khích lệ. Cùng với môi trường pháp lý được cải thiện và năng lực nguồn cung và nguồn cầu công nghệ tăng lên, các viện nghiên cứu, trường đại học, doanh nghiệp KH&CN, doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Mạng lưới các tổ chức trung gian được hình thành, đa dạng về các loại hình, từ các tổ chức truyền thống như khu công nghệ cao, công viên phần mềm, khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, cơ sở ươm tạo công nghệ, sàn giao dịch công nghệ, các sự kiện kết nối cung cầu cho đến các tổ chức mới như tổ chức thúc đẩy kinh doanh, không gian làm việc chung.

Hiện nay, trong hệ thống trung gian, chúng ta có 4 khu công nghệ cao, 8 công viên phần mềm, 13 khu nông nghiệp ứng dụng, 9 cơ sở ươm tạo CNC và ươm tạo doanh nghiệp CNC, 15 sàn giao dịch công nghệ, 63 trung tâm ứng dụng và phát triển công nghệ ở 63 tỉnh, thành phố. Về việc tổ chức trung gian kiểu mới, chúng ta có hơn 20 cơ sở ươm tạo hỗ trợ hoàn thiện ý tưởng, công nghệ gắn kết với các viện nghiên cứu, trường đại học, 07 tổ chức thúc đẩy kinh doanh 20 khu làm việc chung, tập trung chủ yếu ở các thành phố lớn gồm Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng, Cần Thơ. Đây là mô hình khá mới trên thế giới và hoàn toàn mới ở Việt Nam, đang hoạt động tương đối hiệu quả trong việc đem đến những hỗ trợ toàn diện và tập trung hơn cho doanh nghiệp khởi nghiệp công nghệ.

Trong công tác phát triển hệ thống các tổ chức trung gian của thị trường KH&CN, trong 5 năm trở lại đây, chúng ta đã đạt được những kết quả nhất định. Tuy nhiên, sàn giao dịch công nghệ vốn được xem là tổ chức quan trọng trong hệ thống và là nền tảng cho hoạt động tư vấn, môi giới, xúc tiến chuyển giao, thương mại hóa công nghệ, đánh giá khoa học, định giá công nghệ chưa thực sự thể hiện được vai trò cốt lõi. Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang diễn ra với vai trò trung tâm của công nghệ số đặt ra cho chúng ta nhiều câu hỏi về mô hình, phương thức hoạt động, cơ cấu tổ chức… của sàn giao dịch công nghệ.

Ông Phạm Đức Nghiệm – Phó Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp KH&CN cho biết thêm: Nghị quyết Trung ương 6 khóa XI năm 2012 vạch ra quan điểm, đường lối phát triển KH&CN, trong đó xác định định hướng phát triển KH&CN là trọng tâm. Trên cơ sở quan điểm của Đảng và Nhà nước, Luật KH&CN năm 2013 ra đời là dấu mốc quan trọng để đồng bộ hóa các quy định cụ thể nhằm phát triển KH&CN nói riêng và phát triển KT-XH nói chung. Luật chuyển giao công nghệ năm 2017 đã quy định cụ thể, bổ sung các nội dung về định hướng phát triển thị trường công nghệ của Việt Nam. Đến thời điểm hiện tại, phát triển thị trường công nghệ của Việt Nam còn rất nhiều nút thắt, rào cản, khó khăn cần tiếp tục nghiên cứu, bổ sung, chỉnh sửa, hoàn thiện các khung pháp lý về mặt thể chế cũng như định hướng phát triển thị trường KH&CN. Hiện tại, chúng ta chưa có các sàn giao dịch công nghệ quốc gia một cách đúng nghĩa, các hoạt động của sàn còn chưa hiệu quả như kỳ vọng, sàn giao dịch công nghệ là một chủ thể của định chế quan trọng của thị trường KH&CN.

TS. Bùi Văn Quyền – Cục Công tác phía Nam cho rằng để phát triển các sàn giao dịch công nghệ cần xây dựng bổ sung chính sách có tính đặc thù, đi trước, vượt trước cho sàn giao dịch công nghệ đặc biệt là kinh phí cho hoạt động và chi tiêu tài chính; đào tạo đội ngũ chuyên nghiệp và năng động; tạo lập mạng lưới dịch vụ rộng ở các địa phương, đổi mới mô hình hoạt động theo kịp với thực tiễn quốc tế và trong nước, đổi mới trong đánh giá, lựa chọn kết quả nghiên cứu, tài sản trí tuệ, công nghệ có khả năng thương mại.

Kết nối cung cầu công nghệ là một trong những lời giải cho bài toán phát triển thị trường công nghệ hiện nay. Từ việc xác định nhu cầu công nghệ của các doanh nghiệp thuộc nhiều ngành/ lĩnh vực và nắm bắt thông tin gần 2.000 loại công nghệ tiềm năng ở trong và ngoài nước phù hợp với nhu cầu của doanh nghiệp. Trên cơ sở đó, trong năm 2016 -2017 đã hỗ trợ kết nối thành công 21 hợp đồng hợp tác chuyển giao công nghệ, biên bản ghi nhớ. Bên cạnh đó, sàn đã cung cấp thông tin cho hơn 500 yêu cầu về công nghệ và thiết bị, tư vấn, của doanh nghiệp ký kết thành công hợp đồng chuyển giao công nghệ trị giá hơn 158 tỷ đồng.

Tại Hội nghị, các đại biểu đã được nghe trao đổi về các chủ đề: Kinh nghiệm, mô hình, cơ chế chính sách phát triển sàn giao dịch công nghệ Trung Quốc, Sàn giao dịch công nghệ từ kinh nghiệm Thượng Hải đến thực tiễn thành phố Hồ Chí Minh, Sàn giao dịch công nghệ và thiết bị Hải Phòng – hiện trạng, thách thức và triển vọng trong bối cảnh cuộc cách mạng 4.0, Thực trạng hoạt động và mô hình sàn giao dịch công nghệ quốc gia trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, mô hình ươm tạo công nghệ và chuyển giao công nghệ trong trường đại học, giải pháp phát triển sàn giao dịch công nghệ Việt Nam trong bối cảnh cuộc cách mạng 4.0./.

Bích Liên

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực