Học thế nào trong mùa dịch để mang lại hiệu quả?

Thứ năm, 12/03/2020 17:36
(ĐCSVN)- Có lẽ đây là một năm học đáng nhớ của nhiều học sinh. Do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, đến nay, phần lớn học sinh trên cả nước đã nghỉ học kéo dài tháng rưỡi, ảnh hưởng ít nhiều đến việc học tập của của các em, đặc biệt là học sinh cuối cấp.

Chia sẻ về phương pháp học tập tại nhà thời gian nghỉ học do dịch, chị Nguyễn Thu Hằng, phụ huynh có con đang học lớp 9 tại trường THCS ở quần Cầu Giấy, Hà Nội cho biết, năm nay cháu thi lớp 10 nên việc học tập của con khiến chị rất sốt ruột. Thế nhưng, các thầy cô trên lớp đã tạo điều kiện giúp con bồi dưỡng kiến thức.

Ngoài việc hàng ngày chị nhận các phiếu bài tập qua mail, zalo, rồi in ra cho con làm và báo cáo kết quả 20h hằng ngày, thì con chị được học ở nhà qua hệ thống công nghệ thông tin của nhà trường. Các thầy cô giáo cũng điểm danh hằng ngày vào một giờ cố định. Trong giờ học các con tương tác khá tốt, chỗ nào không hiểu có thể inbox riêng cho cô.

“Qua một thời gian theo dõi, mặc dù không thể bằng như học trên lớp. Nhưng với cách dạy học, điểm danh hằng ngày, tôi thấy phương pháp này tương đối hiệu quả giúp con tôi củng cố kiến thức, phấn chấn trong học tập”- chị Thu Hằng nói.

Nhiều thầy cô giáo cũng khẳng định, việc học online chỉ thực sự tốt khi các ứng dụng tương tác tốt với người học để có thể kiểm tra, đánh giá kết quả học online chứ không chỉ giao việc một chiều, cập nhật bài giảng điện tử một chiều từ phía giáo viên. Ngoài ra, cần có thêm nhiều lựa chọn cách tiếp cận đối với người học, nguồn học liệu phải đa dạng.

Trong trường quay của một buổi dạy học trên truyền hình. (Ảnh: TH )

Sau việc dạy học trực tuyến, thì thời gian gần đây, học trên truyền hình đang là một kênh thu hút nhiều sự quan tâm của cả học sinh và phụ huynh. Chẳng hạn chương trình dạy học trên truyền hình do Sở GD&ĐT Hà Nội phối hợp Đài PT-TH Hà Nội. Theo đó, thời gian phát sóng các môn học của lớp 9 bắt đầu từ 9h 15 phút, từ thứ 2 đến thứ 7 hằng tuần. Thời lượng phát sóng của mỗi buổi khoảng 40 phút. Như vậy, học sinh lớp 9 có thể được học mỗi môn 2 buổi/tuần. Đối với lớp 12, chương trình được phát sóng trong 3 khung giờ 14h30 phút, 15h15 và 16h từ thứ 2 đến thứ 7 hàng tuần.

Cũng từ ngày 6/3/2020, Hệ thống Giáo dục HOCMAI phối hợp với Đài truyền hình kỹ thuật số VTC ra mắt chương trình “Lớp học không khoảng cách” nhằm hỗ trợ học sinh bậc phổ thông học tập trong thời gian phòng dịch Covid-19.

Bên cạnh việc chủ động thời gian học trên internet qua các thiết bị thông minh, phụ huynh và học sinh bậc phổ thông có thể tham gia học tập trên chương trình "Lớp học không khoảng cách" được phát trên kênh VTC11, VTC8, và ứng dụng VTC Now thuộc Đài Truyền hình kỹ thuật số VTC, trên các khung giờ 9h00 -9h30 sáng (Lớp 5), 14h00 -14h30 chiều (Lớp 9), 16h00- 16h30, 20h00 - 21h30 tối (Lớp 11).

Điểm đặc biệt của chương trình “Lớp học không khoảng cách” là các bài giảng được phát sóng hoàn toàn miễn phí trên sóng truyền hình, phủ sóng toàn quốc. Do đó, học sinh vùng núi, vùng sâu, vùng xa cũng đều được tiếp cận với những bài giảng hữu ích.

Theo ghi nhận, những ngày đầu tiên phát sóng, chương trình dạy học trên truyền hình trên Đài PT-TH Hà Nội đã nhận được nhiều phản hồi tích cực từ đông đảo học sinh và cha mẹ học sinh.

Ông Kiều Văn Hưng, Trưởng phòng Giáo dục phổ thông, Sở GD&ĐT Hà Nội cho hay, toàn bộ bài giảng trên truyền hình là những bài giảng mới, được xây dựng tiếp nối với các bài học mà các em đã học trước khi nghỉ học để phòng, chống dịch Covid-19. Để thực hiện chương trình này,  Sở GD&ĐT Hà Nội đã huy động gần 50 cán bộ, giáo viên các trường THCS, THPT khẩn trương xây dựng nội dung, thiết kế bài giảng bảo đảm các yêu cầu về chuẩn kiến thức, kỹ năng theo chương trình của Bộ GD&ĐT.

Trước mắt, Sở GD&ĐT Hà Nội ưu tiên xây dựng các bài giảng trên truyền hình dành cho học sinh lớp 9 và lớp 12 nhằm giúp các em chuẩn bị tốt cho kỳ thi tuyển sinh lớp 10 năm học 2020-2021 và kỳ thi THPT quốc gia, tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2020.

Qua bài giảng đầu tiên của cô Quang Thị Hoàn, giáo viên tiếng Anh, trường THCS Đống Đa, học sinh khối 9 có dịp hệ thống lại những kiến thức đã học, giúp các em bắt nhịp với bài giảng mới sau thời gian dài không đến trường.

Cô Quang Thị Hoàn chia sẻ, dạy học trên truyền hình, giáo viên phải dùng phương pháp độc thoại, coi như học sinh đang đứng trước mặt và giảng. Vì không có sự tương tác với học sinh nên sự chuẩn bị phải kỹ lưỡng hơn, đầy đủ và giải thích chi tiết hơn so với việc học trên lớp.

Hình thức dạy học trên truyền hình tuy không mới, nhưng đây là lần học trên truyền hình thu hút đông đảo học sinh cùng tham gia. Do đó, các bài giảng phải thật gần gũi và dễ hiểu, giúp học sinh tận dụng tối đa thời gian trước màn hình.

Theo lý giải của thầy Đào Hữu Toàn, giáo viên trường THPT Chu Văn An, học trên truyền hình thì có một cái khó hơn học livestream (học trực tuyến), tức là khi học sinh thắc mắc, gần như không có sự giải đáp. Nhưng học sinh yên tâm khi học trên truyền hình, các thầy cô biết điều đó nên đã có sự chuẩn bị kỹ, biên soạn cho phù hợp. Với sự hướng dẫn chi tiết đó, học sinh có thể hiểu được nhiều lượng kiến thức trong bài học của mình.

Tuy nhiên, một số học sinh ở Hà Nội cho rằng, hình thức này không có sự tương tác như học trực tiếp trên lớp, nhiều bạn tham gia lớp học truyền hình thái độ thiếu nghiêm túc. Một số thầy cô giáo trong lúc giảng còn nói hơi nhanh, các em nghe không kịp, nhất là các môn học tự nhiên.

Có thể thấy, mỗi hình thức học tập dù trên lớp hay học trực tuyến tại nhà thì đều có ưu và nhược điểm riêng. Nhưng với tình hình dịch diễn biến phức tạp, chưa biết chính xác ngày đi học trở lại, ngoài sự nỗ lực của thầy cô giáo, thì thái độ học sinh là trên hết, chỉ khi nào học sinh xác định học tập nghiêm túc, tự giác thì mới đạt hiệu quả cao./.

Mỹ Anh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực