Huy động toàn xã hội chủ động tham gia các hoạt động phòng, chống dịch bệnh

Thứ sáu, 12/10/2018 16:48
(ĐCSVN) – Chiến dịch phòng, chống dịch bệnh tay chân miệng, sởi và sốt xuất huyết nhằm huy động các cấp chính quyền, đoàn thể, tổ chức chính trị - xã hội, từng gia đình và toàn xã hội chủ động tham gia và phối hợp chặt chẽ trong các hoạt động phòng, chống dịch bệnh tay chân miệng, sởi, sốt xuất huyết, không để bùng phát dịch bệnh trong thời gian tới.

Ngày 12/10 do Bộ Y tế phối hợp với UBND TP.Hồ Chí Minh tổ chức lễ triển khai Chiến dịch phòng, chống dịch bệnh tay chân miệng, sởi và sốt xuất huyết năm 2018 tại TP.Hồ Chí Minh.

Bộ trưởng Bộ Y tế trực tiếp đi kiểm tra một số nơi và yêu cầu phải xử lý ngay các
dụng cụ chứa nước tù đọng - là môi trường cho lăng quăng sản sinh và phát triển.

Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, trước bối cảnh tình hình dịch bệnh vẫn còn nhiều nguy cơ gia tăng tại nhiều nước trên thế giới, tại Việt Nam trong thời gian qua, ngành y tế đã nỗ lực làm tốt công tác phát hiện ca bệnh, điều trị, quản lý, cách ly, vệ sinh phòng bệnh và tiêm chủng. Hầu hết các bệnh dịch nguy hiểm, mới nổi đã được ngăn chặn, không ghi nhận các trường hợp bệnh xâm nhập vào Việt Nam như bệnh MERS-CoV, bệnh cúm A(H7N9). Các bệnh dịch lưu hành trong nước đã được khống chế và kiểm soát tốt, số mắc các bệnh truyền nhiễm có xu hướng giảm dần qua các năm.

Cụ thể, theo thống kê của Bộ Y tế cho thấy, trong năm 2018, số mắc bệnh tay chân miệng giảm 18,9%, sốt xuất huyết giảm 53,6% so với năm 2017 và giai đoạn 2013 - 2017, các bệnh truyền nhiễm khác như bệnh dại, sốt rét, bạch hầu, ho gà... cũng ghi nhận số mắc giảm và có tỷ lệ mắc thấp hơn nhiều so với các nước trong khu vực. Tuy nhiên, trong thời gian tới, tình hình dịch bệnh vẫn còn nhiều tiềm ẩn diễn biến phức tạp, ngoài nguy cơ bệnh mới nổi và nguy hiểm có khả năng xâm nhập vào nước ta thì các bệnh dịch lưu hành trong nước như tay chân miệng, sởi, sốt xuất huyết luôn tiềm ấn bùng phát cục bộ. Đặc biệt, bắt đầu có sự gia tăng bệnh tay chân miệng và sởi tại một số địa bàn nơi có tập trung đông dân cư, có sự giao lưu đi lại lớn, điều kiện sinh sống chật hẹp, chưa bảo đảm vệ sinh, ý thức phòng bệnh của người dân chưa cao.

Bên cạnh đó, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cũng chia sẻ, hiện nay, hoạt động phòng, chống dịch bệnh vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức như: việc giảm sát, phát hiện, xử lý ổ dịch chưa triệt để; tỷ lệ tiêm chủng còn thấp; chưa quyết liệt trong các hoạt động dự phòng; kinh phí đầu tư cho phòng, chống dịch còn nhiều hạn chế…

Do đó, việc triển khai Chiến dịch trên sẽ nhằm huy động các cấp chính quyền, đoàn thể, tổ chức chính trị - xã hội, từng gia đình và toàn xã hội chủ động tham gia và phối hợp chặt chẽ trong các hoạt động phòng, chống dịch bệnh tay chân miệng, sởi, sốt xuất huyết, không để bùng phát dịch bệnh trong thời gian tới, góp phần nâng cao sức khỏe nhân dân. Đồng thời tạo phong trào sâu rộng đến cộng đồng, nhằm huy động sự tham gia của người dân trong công tác phòng, chống các dịch bệnh.

Đối với việc phòng bệnh, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến khuyến cáo, mỗi hộ gia đình cần chủ động thực hiện các biện pháp phòng bệnh như: Đậy kín tất cả các dụng cụ chứa nước để muỗi không vào đẻ trứng. Hàng tuần thực hiện các biện pháp diệt lăng quăng/bọ gậy, vệ sinh dụng cụ chứa nước, lật úp các dụng cụ không chứa nước, thay nước bình hoa/bình bông…, tích cực phối họp với ngành y tế trong các đợt phun hóa chất phòng dịch.

Người dân cần chủ động đưa con em từ 9 tháng tuổi chưa tiêm vắc xin sởi hoặc từ 18 tháng tuổi chưa tiêm đủ 2 mũi vắc xin sởi đến trạm y tế xã, phường để tiêm vắc xin phòng sởi.

Ngoài ra, khi trẻ có các dấu hiệu sốt, ho, chảy nước mũi, phát ban cần sớm đưa trẻ đến các cơ sở y tế gần nhất để kịp thời khám, điều trị phòng các biến chứng và diễn biến nặng của bệnh sởi, hạn chế đưa trẻ tới các bệnh viện lớn nhằm tránh tình trạng lây nhiễm sởi từ bệnh viện. Bệnh sởi rất dễ lây, không cho trẻ đến gần, tiếp xúc với các trẻ nghi mắc sởi…/.

Tin, ảnh: VL

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực