Kết nối hệ thống tri thức trong một thế giới học tập

Thứ tư, 20/11/2019 16:33
(ĐCSVN) - Nổi bật trong những xu thế phát triển của khoa học hiện đại là nhu cầu tăng trưởng theo cấp số nhân các thành tựu nghiên cứu và phát huy khả năng ứng dụng. Kết nối hệ thống tri thức trong một thế giới học tập là một trong những giải pháp được xem là mới mẻ và đang thu hút sự quan tâm của nhiều nhà khoa học giáo dục.
leftcenterrightdel
 Rèn luyện tư duy cho học sinh. Nguồn: ucmasvietnam.com

Tích hợp (Integration)

Cuối thế kỉ 20, trong cuốn Khoa sư phạm tích hợp hay làm thế nào để phát triển các năng lực ở nhà trường, Xavier Roegiers đã tiên lượng: "Thế giới đang biến đổi. Đây là một sự kiện chúng ta có thể quan sát được qua số lượng thông tin ngày càng lớn có thể tiếp cận. Điều này có những hệ quả rất quan trọng đối với quá trình học tập... Các thông tin không những ngày càng nhiều, mà còn ngày càng dễ tiếp nhận đối với mỗi người chúng ta nhờ có các phương tiện thông tin đại chúng và những mạng tin học (chẳng hạn, chúng ta hãy nghĩ đến các "xa lộ tin học", mạng internet),... chúng ta đang sống trong một thế giới trong đó có các bộ môn ngày càng thâm nhập vào nhau, trong đó ngày càng cần những nhóm làm việc đa môn, và người ta ngày càng đòi hỏi con người phải đa năng".

Với lập luận: nếu từ khi còn nhỏ, học sinh quen tiếp cận các khái niệm một cách rời rạc, sẽ có nguy cơ sau này tiếp tục suy luận theo kiểu khép kín. Những công trình nghiên cứu quốc tế đã chứng tỏ trên thế giới có biết bao nhiêu người gọi là những người "mù chữ chức năng" - nghĩa là những người đã lĩnh hội kiến thức từ tiểu học nhưng không có khả năng sử dụng các kiến thức đó vào cuộc sống hằng ngày (ví dụ: họ có thể giải mã một bài văn nhưng không thể hiểu tường tận ý nghĩa của nó; họ có thể biết làm tính cộng nhưng khi có một vấn đề của cuộc sống hằng ngày đặt ra thì họ không biết phải làm tính cộng hay tính trừ; họ có thể thuộc lòng các công thức nhưng không có khả năng sử dụng chúng trong một tình huống cho trước,...). Từ sự gia tăng về số lượng và khả năng dễ tiếp cận của thông tin và nhu cầu đòi hỏi khách quan của thực tiễn trên đây, tác giả rút ra những hệ quả đối với quá trình dạy học: 1) Nhà trường phải tiếp tục là một bảo đảm cho những giá trị quan trọng của xã hội, bởi chỉ có thông qua những giá trị đó thì toàn bộ các hoạt động nghề nghiệp mới có ý nghĩa. 2) Nhà trường không thể tiếp tục có chức năng ưu tiên là truyền đạt kiến thức và thông tin, mà phải giúp học sinh có khả năng tìm thông tin, quản lí thông tin và tổ chức các kiến thức. 3) Nhưng chủ yếu là, ngoài khía cạnh "kiến thức đơn thuần", nhà trường trước hết phải tập trung cố gắng dạy học sinh biết sử dụng kiến thức của mình vào những tình huống có ý nghĩa - nói cách khác, nhà trường cần phải phát triển những năng lực của học sinh.

Những hệ quả mang tính thách thức nói trên - theo Xavier Roegiers - đòi hỏi phải có giải pháp phù hợp, đó là "khoa sư phạm tích hợp" dựa trên tư tưởng năng lực - tức "sử dụng năng lực là biết sử dụng các nội dung và các kĩ năng trong một tình huống có ý nghĩa". Nói cách khác, để giải quyết được bài toán thực tiễn, phải huy động và vận dụng một cách linh hoạt, sáng tạo những kiến thức đã học.

Đối với môn học, tích hợp là hướng tiếp cận kiến thức từ việc khai thác giá trị của các tri thức công cụ thuộc từng phân môn trên cơ sở một (hoặc một số) văn bản có vai trò như là kiến thức nguồn. Chẳng hạn, trong chương trình Ngữ văn cấp trung học cơ sở, các tri thức công cụ dùng cho các phân môn Tiếng Việt, Tập làm văn được lấy từ bài văn được giới thiệu trước đó. Để dạy học theo quan điểm tích hợp, cần xác định vị trí, chức năng có tính chất “nguồn” và “định hướng” của kiểu và thể loại văn bản (được cụ thể hóa bằng một số tác phẩm tiêu biểu) trong mối quan hệ với các phân môn khác trong bài học. Khi xác định kiểu và thể loại văn bản là trục cơ bản để tiến hành tích hợp thì việc học tập bộ môn sẽ là quá trình tiếp nhận kiến thức công cụ và chuyển hóa kiến thức công cụ đó sang một dạng kiến thức khác: kiến thức phương pháp.

Việc dạy học tích hợp do đó được nhìn nhận như là quá trình giáo viên tổ chức và hướng dẫn người học tiếp nhận và chuyển hóa kiến thức từ thể tiềm năng sang các khả năng hiện thực, điều đó phù hợp với nhu cầu và khát vọng nếm trải của chủ thể tiếp nhận. Học xong các kiểu văn bản (tự sự, miêu tả, biểu cảm, nhật dụng...) hoặc học xong các thể loại văn bản (truyện, kí, tiểu thuyết, thơ, kịch...) thông qua một số văn bản tiêu biểu, học sinh sẽ có thể tự tin và sáng tạo khi ứng dụng các hiểu biết của mình để tiếp nhận các tác phẩm cùng kiểu và thể loại không có trong chương trình và sách giáo khoa; theo đó, các khoảng cách trong nhận thức của chủ thể tiếp nhận cũng từng bước sẽ được rút ngắn hoặc nối liền. Như thế, những tri thức riêng lẻ, tri thức bộ phận khi dạy học tích hợp sẽ được tiếp cận một cách có định hướng trong mối quan hệ đồng bộ của một bài học hoàn chỉnh và nhất quán theo đặc trưng cấu trúc nội tại của một đơn vị kiến thức bộ môn. Nói cách khác, dạy học theo hướng tích hợp có thể giúp cho học sinh vừa nắm được những kiến thức cơ bản, vừa hình thành được các thái độ, năng lực và kĩ năng thực tiễn mà môn học đặt ra.

Liên hội (coordination)

Đó là xu hướng tiếp cận đã xuất hiện khá lâu trong lịch sử nghiên cứu, dựa trên cơ sở ứng dụng các thành tựu khoa học liên ngành. Ngày nay, sự ra đời và phát triển như vũ bão của các loại hình thông tin dường như cũng là điều kiện tích cực để thúc đẩy việc tiếp nhận tri thức theo hướng chuyên sâu và liên hội về hai thái cực trái ngược và tương hỗ lẫn nhau, vừa ở bề rộng vừa ở bề sâu. Tính chuyên sâu trong việc trình bày thông tin hiện nay đang thể hiện nhiều ưu thế, bởi nó giúp người học có điều kiện nhìn nhận, khai thác vấn đề một cách thấu đáo, toàn diện. Tính chuyên đề tạo nên khả năng chuyên sâu cho mục đích thông tin.

Cùng với chuyên sâu, tính liên hội cũng được đề cao như là một xu hướng tiếp cận song hành. Đó là một trong những xu thế phổ biến về việc lĩnh hội tri thức nhằm đáp ứng sự phát triển giáo dục của nhiều nước, và từng được thể hiện nổi bật trong nội dung Hội thảo quốc tế đón chào thế kỉ 21 có tên Kết nối hệ thống tri thức trong một thế giới học tập (Knowledge Networking in the World of Learning) với sự tham gia của gần 400 nhà giáo dục thuộc 18 quốc gia được tổ chức từ ngày 6 đến 8-12-2000 tại Manila (Philippines). Một trong những nội dung chính được bàn luận sôi nổi tại Hội thảo này là: các con đường và cách thức kết nối hệ thống tri thức hướng vào hoạt động của người học trong thời đại thông tin. Muốn đáp ứng được nhu cầu kết nối hệ thống tri thức trong một thế giới học tập, đòi hỏi tư duy liên hội phải được thiết kế ngay trong nội dung, thiết bị dạy học và phương pháp giảng dạy. Như thế, khi đứng trước nhu cầu giải quyết mâu thuẫn kiến thức của tình huống học tập, người học không chỉ tìm đến phương án giải quyết theo hướng trực tuyến hoặc nội suy mà có thể còn giải quyết bằng cách ứng dụng một cách linh hoạt các khả năng liên hội kiến thức. Với tính năng động có thể tạo nên một hệ thống “mở” của hệ hình chiếm lĩnh tri thức này, liên hội là một trong những xu hướng dạy học tích cực đang được triển khai và khẳng định ở nhiều nước phát triển.

Xu hướng liên hội được thể hiện trên nhiều bình diện, cấp độ và giải pháp lĩnh hội các kiến thức của bộ môn. Giải pháp khá quen thuộc và đã khẳng định được ưu điểm là tiếp cận theo hướng liên phân môn hoặc liên bộ môn. Một giải pháp khác cũng thuộc xu hướng liên hội là tiếp cận liên ngành. Đây là giải pháp được chú ý từ lâu và ngày càng trở nên phổ biến. Theo đó, các ngành - chẳng hạn như nhóm ngành văn học nghệ thuật - dựa trên những khả năng giao thoa và đặc trưng tác động thẩm mĩ giữa các loại hình nghệ thuật (mà Aristote trong Nghệ thuật thơ ca và Hêghen trong Mĩ học đã từng đề cập) có thể ứng dụng vào việc chuyển thể làm phong phú “kênh” tiếp nhận: để hiểu thêm về tác phẩm Chí Phèo, có thể xem phim Làng Vũ Đại ngày ấy chuyển thể kịch bản từ truyện của Nam Cao; để hiểu thêm tiểu thuyết Đất rừng phương Nam của nhà văn Đoàn Giỏi có thể xem phim Đất phương Nam (đạo diễn Nguyễn Vinh Sơn); để hiểu thêm về Quan Âm Thị Kính có thể tham khảo vở diễn cùng tên qua loại hình nghệ thuật sân khấu...

Kết nối hệ thống tri thức trong một thế giới học tập

Để đáp ứng nhu cầu thực tiễn - nhất là trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 hiện nay, việc kết nối hệ thống tri thức trong một thế giới học tập là nội dung cần được nghiên cứu trong mối quan hệ tổng thể: mục tiêu, chương trình, sách giáo khoa, vai trò và vị thế của giáo viên, đặc điểm tâm - sinh lí và xu thế phát triển của học sinh, các phương pháp và biện pháp... cùng các điều kiện dạy học hiện đại. Đây hoàn toàn không phải là một “giải pháp tình thế” nhằm rút bớt số môn học hay giảm tải mà đó là xu hướng tất yếu của thế giới hiện đại. Nhìn từ bình diện lí luận, vấn đề này có ý nghĩa thiết thực đối với phương pháp dạy học tích cực hướng vào hoạt động của người học. Nó không chỉ đặt ra yêu cầu tái hiện và lựa chọn kiến thức, không chỉ là việc hội tụ, xử lí dữ liệu thông tin và định hướng tư duy; nó còn đặt vấn đề liên thông kiến thức theo một phương án tối ưu nhằm giải quyết hiệu quả nhất một nhiệm vụ học tập. Đồng thời, nó cũng đề xuất về khả năng thiết kế những quan hệ mới, hướng giải quyết tình huống mới, nguyên tắc hình thành tri thức mới trong hoạt động học tập, mở hướng đi sáng tạo trên những chất liệu tri thức đa dạng.

Tất nhiên, tích hợp và liên hội sẽ chỉ thực sự có ý nghĩa khi người học tích cực tìm tòi cách nhìn mới về đối tượng, dám chối bỏ những đường mòn công thức để xem đối tượng như là tình huống mở, luôn luôn hàm chứa và hứa hẹn những tiềm năng chiếm lĩnh kiến thức.

Như vậy, có thể nói, trong quá trình dạy học/giáo dục, cần đặt toàn bộ quá trình học tập của học sinh vào những tình huống có ý nghĩa thực tiễn, kết nối những mục tiêu đơn lẻ đồng hướng để giải quyết một bài toán thực tiễn nào đó có tính khái quát hơn (như các chủ đề) - đó là tình huống có ý nghĩa, tình huống có vấn đề, có nội dung liên môn, liên quan đến thực tiễn. Chính trong quá trình thực hiện việc giải quyết vấn đề đó, học sinh sẽ tự hình thành những kỹ năng, năng lực vận dụng và sáng tạo. Nói cách khác,việc tích hợp này nhằm mục đích làm cho quá trình học tập trở thành quá trình hình thành tư duy học tập – mà nhà bác học Albert Einstein đã quả quyết: “Giáo dục không phải là học thuộc những điều hiển nhiên, giáo dục là huấn luyện khả năng tư duy”, đáp ứng mục tiêu phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất của học sinh./.

TS. Nguyễn Trọng Hoàn (Bộ Giáo dục và Đào tạo)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực