Khai thác, sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên

Thứ sáu, 10/07/2020 10:19
(ĐCSVN) – Thông qua hội thảo khoa học với sự tham gia của nhiều cơ quan, đơn vị, tham luận của nhiều nhà khoa học hướng tới mục tiêu đưa ra các cơ chế, chính sách về quản lý, khai thác sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên và bảo vệ cảnh quan, môi trường ở cộng đồng trong xây dựng nông thôn mới vùng đồng bằng Bắc Bộ và Tây Nam Bộ.

Ngày 09/7, tại Ninh Bình, Văn phòng điều phối nông thôn mới Trung ương, Chương trình Khoa học và Công nghệ phục vụ xây dựng Nông thôn mới, Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam, Văn phòng điều phối nông thôn mới tỉnh Ninh Bình, Viện hợp tác và phát triển tài nguyên nước, Viện Khoa học thủy lợi miền Nam đã phối hợp tổ chức Hội thảo “Giải pháp khai thác, sử dụng tài nguyên thiên nhiên và bảo vệ cảnh quan, môi trường ở cộng đồng trong xây dựng nông thôn mới vùng Đồng bằng Bắc Bộ và Tây Nam Bộ”.

Tại Hội thảo, đa số ý kiến tán thành việc coi tài nguyên thiên nhiên là những thành phần tồn tại trên trái đất mà không phải do con người tạo ra chúng rất đa dạng bao gồm tài nguyên tái tạo và không tái tạo, tài nguyên sống đến tài nguyên phi sinh vật. Trong đó, cảnh quan là một đơn vị lãnh thổ cụ thể đồng nhất về nguồn gốc phát sinh, lịch sử phát triển và không thể phân chia được về mặt địa đới cũng như phi địa đới; là cấp phân vị trong hệ thống phân vùng địa lý tự nhiên, được coi là đơn vị cơ sở và là đối tượng nghiên cứu cơ bản của cảnh quan học. Việc đánh giá cảnh quan nhằm làm rõ tiềm năng tự nhiên, tài nguyên thiên nhiên, các tính chất môi trường của lãnh thổ với hoạt động của con người trong quá trình khai thác sử dụng nhằm phát triển bền vững kinh tế - xã hội.

Quang cảnh Hội thảo.

Cũng tại Hội thảo, tham luận của đại biểu tiếp tục khẳng định, ngành tài nguyên thiên nhiên và môi trường hiện nay đã trở thành một ngành kinh tế trọng điểm trong việc cung cấp các hàng hóa và dịch vụ cho xã hội, đóng một vai trò rất quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội – môi trường đối với bất kỳ một quốc gia nào. Tuy nhiên cùng với sự phát triển kinh tế ngày càng mạnh thì tồn tại rất nhiều vấn đề về tài nguyên thiên nhiên và môi trường như suy thoái môi trường, cạn kiệt nguồn tài nguyên thiên nhiên,….

Do đó, với mục tiêu đưa ra các cơ chế, chính sách về quản lý, khai thác sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên và bảo vệ cảnh quan, môi trường ở cộng đồng trong xây dựng nông thôn mới vùng đồng bằng Bắc Bộ và Tây Nam Bộ, Hội thảo đã ghi nhận những tham luận trình bày một số nội dung quan trọng như: thực trạng khai thác, sử dụng tài nguyên thiên nhiên và bảo vệ cảnh quan môi trường vùng đồng bằng Bắc Bộ và Tây Nam Bộ trong xây dựng nông thôn mới; giải pháp khai thác, sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên và bảo vệ cảnh quan môi trường ở cộng đồng trong xây dựng nông thôn mới vùng đồng bằng Bắc Bộ và Tây Nam Bộ và giải pháp khai thác, sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên và bảo vệ cảnh quan môi trường ở cộng đồng trong xây dựng nông thôn mới tỉnh Ninh Bình.

Về thực trạng bảo vệ các cảnh quan, môi trường trong xây dựng nông thôn mới, nhiều ý kiến tại Hội thảo cho rằng, thời gian qua, các địa phương vùng đồng bằng sông Hồng đã tổ chức và thực hiện tốt công tác thu gom, vận chuyển chất thải rắn, nâng tỷ lệ chất thải được thu gom lên hơn 90% tổng lượng chất thải phát sinh; hầu hết các xã, thôn đã được công nhận nông thôn mới đều đạt tỷ lệ thu gom rác thải sinh hoạt rất cao (trên 80%). Đặc biệt, từ giai đoạn 2011-2015, các địa phương vùng đồng bằng sông Hồng đã tiên phong trong công tác quy hoạch đầu tư và vận hành hệ thống thu gom và xử lý chất thải (điển hình là Quảng Ninh, Hà Nam); là khu vực dẫn đầu về tỷ lệ thu gom chất thải sinh hoạt nông thôn (như Nam Định với tỷ lệ thu gom bình quân đạt 80-90%). Nhiều mô hình thu phí vệ sinh môi trường bù đắp chi phí thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn, không cần hỗ trợ của ngân sách nhà nước được tổ chức, cá nhân và nhân dân tích cực hưởng ứng và tham gia thực hiện. 

 Hiện nay, tại các địa phương đã xuất hiện nhiều phương pháp, biện pháp xử lý rác thải sinh hoạt nông thôn như: chôn lấp, thiêu đốt; sản xuất phân compost, sản xuất nhiên liệu… Trong đó, phương pháp chôn lấp vẫn chiếm tỷ lệ rất cao (trên 70%); ngoài ra, vẫn còn nhiều nơi, người dân đổ lộ thiên (tập trung tại một khu vực riêng, không có các giải pháp bảo vệ môi trường như lót thành đáy hố chôn, thu gom và xử lý nước rỉ rác, lấp đất che phủ…). Số liệu thống kê cho thấy, tỷ lệ bãi chôn lấp rác hợp vệ sinh còn thấp, đa số các bãi chôn lấp không hợp vệ sinh hoặc các bãi tập kết chất thải cấp xã. Tại các thành phố lớn Hà Nội (tỷ lệ chôn lấp là 100%), việc xử lý nước rỉ rác thường được giao cho đơn vị khác đơn vị vận hành bãi rác để xử lý. Các địa phương này đang xúc tiến triển khai các phương pháp thiêu đốt phát điện để thay thế công nghệ chôn lấp hiện nay. Trên toàn vùng có nhiều lò đốt chất thải rắn sinh hoạt, nhưng đa số lò đốt cỡ nhỏ không có hệ thống xử lý khí thải hoặc hệ thống xử lý khí thải không đạt yêu cầu về môi trường.

Qua việc đánh giá thực trạng này, một số tham luận của các nhà khoa học cho rằng, cần phải xác định lại ngưỡng khai thác sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên, cảnh quan môi trường trong xây dựng văn hóa phát triển nông thôn mới. Đối với đồng bằng sông Cửu Long cần xác định rõ nguyên nhân sạt lở, các giải pháp sử dụng chất thải, các mô hình liên kết; đối với đồng bằng Bắc Bộ xác định rõ diện tích ao, hồ bị mất, các cảnh quan thiên nhiên tiêu biểu (cây cổ thụ),…để từ đó có những điều chỉnh cho phù hợp để có thể khai thác sử dụng tài nguyên thiên nhiên một cách tối đa và bảo vệ cảnh quan môi trường được tốt nhất./.

Tin, ảnh: Đinh Văn Hùng

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực