Khang trang những ngôi trường ở vùng cao Tây Bắc ​

Thứ ba, 20/08/2019 15:55
(ĐCSVN) - Khu vực Tây Bắc có điều kiện kinh tế - xã hội còn gặp nhiều khó khăn, cơ sở hạ tầng phục vụ dân sinh còn nhiều thiếu thốn. Trong đó, hệ thống trường lớp phục vụ cho sự nghiệp giáo dục luôn là nỗi trăn trở của nhiều địa phương.

Trong những năm gần đây, được sự quan tâm đầu tư của Đảng và Nhà nước cùng các chính sách hỗ trợ, những ngôi trường mới, khang trang mọc lên ở nhiều vùng núi cao. Học sinh vùng cao ríu rít đến trường.

Trường Tiểu học Tân Tiến (Bảo Yên, Lào Cai).

Khó có thể hình dung hết nỗi nhọc nhằn của thầy và trò vùng cao Tây Bắc cách đây hơn chục năm khi nhiều nơi phải dạy - học trong một lớp học tuềnh toàng bằng tre, nứa lá, mọi điều kiện phục vụ để đảm bảo cho học chữ, dạy chữ còn nhiều thiếu thốn. Nhiều điểm trường ở xa trung tâm chỉ là lớp học tạm được người dân dựng lên bằng cột tre và lợp lá cọ. Qua một trận mưa bão, lớp học xiêu vẹo, đổ nát khiến cho công việc học tập của học sinh vùng cao bị gián đoạn. Những năm qua, Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm đến giáo dục nói chung và giáo dục vùng cao nói riêng. Từ những điểm trường xa xôi của Tây Bắc cho đến các bậc học ở nhiều địa phương đều đã được đầu tư xây dựng lớp học kiên cố hóa, cấp đủ những trang thiết bị đáp ứng nhu cầu dạy và học của thầy và trò nơi đây.

Giữa vùng đất khát, trường THPT số 2 Si Ma Cai (Lào Cai) được xây dựng
với những lớp học kiên cố, khuôn viên đẹp và thoáng mát.

Những ngôi trường cao tầng, mái ngói đỏ tươi mọc lên bên sườn núi, bên ven suối, trên đỉnh núi hay giữa khu rừng xanh bạt ngàn. Có mơ nhiều người cũng không tin được rằng, đến một ngày, những ngôi trường khang trang, bề thế mọc lên giữa bản Tày, bản Mông này. Vậy mà, hiện thực đã hiện hữu qua những ngôi trường mới, đầy đủ tiện nghi và công trình. Có đủ bàn ghế mới, bảng mới, nền lát gạch hoa, mưa bão cũng không còn là nỗi lo nữa. Con em họ yên tâm cắp sách đến trường. Đến các tỉnh như Phú Thọ, Yên Bái, Lào Cai, Lai Châu… càng đi, càng lên núi, lại càng thấy những ngôi trường khang trang mọc lên. Đó là dấu hiệu vui cho sự học của vùng cao, những ngôi trường là mái ấm để gieo mầm ước mơ con chữ cho trẻ em vùng cao.

Lễ chào cờ của trường THPT số 2 Si Ma Cai (Lào Cai) trước dãy nhà học bốn tầng.

Tại xã Nghĩa Đô (Bảo Yên, Lào Cai), trường THPT số 3 Bảo Yên được thành lập năm 2004 nhằm đáp ứng nhu cầu học tập của con em đồng bào dân tộc Tày, Mông, Dao, Nùng các xã vùng cao như Tân Tiến, Nghĩa Đô, Vĩnh Yên, Xuân Hòa. Những năm đầu mới thành lập, trường phải học nhờ trường THCS với cơ sở vật chất tạm bợ, lớp học chủ yếu là tranh tre nứa lá. Đến năm 2007, trường chuyển sang khu đất mới tại bản Nà Khương và được xây một dãy nhà lớp học 4 tầng với 11 phòng học khang trang. Đến năm 2014, trường tiếp tục được đầu tư xây khu nhà hiệu bộ hai tầng cùng với hệ thống cơ sở vật chất, trang thiết bị đáp ứng nhu cầu dạy và học của nhà trường. Đối với một xã vùng cao như Nghĩa Đô, việc đầu tư của Nhà nước xây dựng một ngôi trường khang trang, bề thế là cả một ước mơ lớn đã trở thành hiện thực của đồng bào nơi đây. Từ đây, con em đồng bào dân tộc thiểu số được học tập trong một ngôi trường khang trang, sạch đẹp.

Em Hoàng Thị Thu (Dân tộc Tày), học sinh trường THPT số 3 Bảo Yên tâm sự: “Có trường mới, khang trang và rộng rãi, học sinh vùng cao chúng em mừng lắm. Chúng em thật sự yên tâm và hứa sẽ cố gắng khi được học trong một ngôi trường đẹp và kiên cố”.

Những điểm trường vùng cao Tây Bắc được đầu tư xây dựng kiên cố
tạo điều kiện cho con em đồng bào các dân tộc đến trường học chữ.

Không chỉ các trường học ở khu trung tâm, những năm gần đây, những điểm trường ở sâu trong các bản cũng được các cấp chính quyền quan tâm, chung tay để xây dựng lớp học, thay thế những lớp học tạm bợ, tre nứa. Điều đó đã phần nào giúp các thầy cô giáo vơi đi những khó khăn.

Điểm trường tiểu học Vĩnh Yên tại bản Tổng Kim (Vĩnh Yên, Bảo Yên, Lào Cai) là nơi học tập của con em đồng bào dân tộc Mông các bản Tổng Kim, Lùng Ác, Nặm Xoong. Những ngày đầu, điểm trường chỉ là lớp học tạm rất đơn sơ và thiếu thốn, việc đi lại của thầy cô giáo và học sinh hết sức khó khăn, nhất là những ngày mưa rét. Được sự quan tâm của các cấp chính quyền, đến nay, điểm trường đã được xây dựng lớp học với hai dãy nhà gồm tám phòng học và phòng ở của giáo viên, chấm dứt hẳn những khó khăn, thiếu thốn về cơ sở vật chất trước đây. Thầy giáo Lý Gìn Phù (Dân tộc Mông) chia sẻ: “Có lớp học khang trang ngay tại bản, những năm gần đây, học sinh người Mông đã chăm chỉ đến điểm trường học chữ hơn. Tỷ lệ chuyên cần luôn đạt từ 95-100%”.

Đến vùng cao Tây Bắc thời điểm này, ai cũng cảm nhận được sắc màu của những ngôi trường, những điểm trường khang trang, bề thế. Đó là minh chứng cho sự quan tâm đầu tư, chung tay vì sự nghiệp trồng người của Đảng và Nhà nước ở vùng sâu, vùng xa. Đó là yếu tố đặc biệt quan trọng để đáp ứng nhu cầu học tập, khích lệ đồng bào vùng cao đưa con đến trường học chữ. Sẽ còn nhiều điểm trường, nhiều địa phương mong có được những ngôi trường mới như thế./.

Bài, ảnh: Nguyễn Thế Lượng

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực