Khiếu nại trong lĩnh vực đất đai chiếm 98% ​

Thứ sáu, 26/07/2019 16:39
(ĐCSVN) - Theo thống kê của Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT), lượng đơn thư khiếu nại, tố cáo mà Bộ nhận được hàng năm vẫn còn nhiều, chủ yếu trong lĩnh vực đất đai (chiếm 98%).​

Ảnh minh họa: Bích Liên

Ngày 26/7, tại thành phố Đà Nẵng, Trung tâm Truyền thông tài nguyên và môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) đã tổ chức hội thảo “Tăng cường nhận thức trong thực thi chính sách pháp luật và sử dụng hiệu quả tài nguyên đất”.

Hội thảo nhằm tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức, năng lực thực thi chính sách pháp luật về lĩnh vực đất đai cho mạng lưới tuyên truyền viên, những người làm báo viết về tài nguyên và môi trường, các doanh nghiệp, các tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức xã hội nghề nghiệp, cộng đồng... Hội thảo có sự tham gia của lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên, đại diện các doanh nghiệp, hội đoàn thể, các tuyên truyền viên, báo cáo viên, phóng viên các tỉnh trong khu vực.

Theo thống kê của Bộ Tài nguyên và Môi trường, lượng đơn thư khiếu nại, tố cáo mà Bộ nhận được hàng năm vẫn còn nhiều, chủ yếu trong lĩnh vực đất đai (chiếm 98%). Từ năm 2015 đến năm 2018 trong số 21.274 đơn thư mà Bộ nhận được thì có 8.330 đơn thư đủ điều kiện xử lý.

Trong đó có 216 vụ việc thuộc thẩm quyền của Bộ, 1.502 vụ việc được địa phương giải quyết hết thẩm quyền nhưng công dân vẫn tiếp tục khiếu nại, 6.612 vụ việc địa phương chưa giải quyết hết thẩm quyền, công dân tiếp tục khiếu nại vượt cấp đến các cơ quan trung ương. Tình hình khiếu nại, tố cáo về đất đai luôn là vấn đề được Đảng, Nhà nước và toàn xã hội quan tâm.

Theo đại diện Tổng cục Quản lý đất đai (Bộ TN&MT)), sau hơn năm năm thực hiện Luật Đất đai năm 2013 vẫn còn những hạn chế về mặt tổ chức thực thi pháp luật và còn một số nội dung phát sinh, chưa hợp lý, tính khả thi còn thấp, chưa phù hợp thực tiễn triển khai tại các địa phương. Đặc biệt, Luật còn một số mâu thuẫn, chồng chéo với các Luật khác liên quan như: Luật Đầu tư; Luật Doanh nghiệp; Luật Đấu thầu; Luật Nhà ở; Luật Quản lý, sử dụng tài sản công...

Cho ý kiến tại hội thảo, đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố Đà Nẵng cho biết: Thành phố đang lúng túng do có sự chồng chéo trong một số Luật, Nghị định, Thông tư liên quan đến lĩnh vực đất đai. Trường hợp khác là quy định về lựa chọn nhà đầu tư Cụm công nghiệp giữa Luật Đất đai năm 2013 và Nghị định số 68/2017/NĐ-CP ngày 25/5/2017 của Chính phủ chưa có sự thống nhất, cần có hướng dẫn cụ thể...

Vì vậy, cần thiết phải trao đổi, thảo luận các vấn đề cần sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai nhằm khắc phục những tồn tại, bất cập trên và đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong thời gian tới.

Tại hội thảo các đại biểu  đã thảo luận các vấn đề về hoạt động thực thi pháp luật trong lĩnh vực đất đai của các cơ quan quản lý nhà nước; việc chấp hành pháp luật trong lĩnh vực đất đai của các tổ chức, cá nhân tại một số địa phương; nâng cao hiệu quả giải quyết khiếu nại, tranh chấp đất đai phức tạp, kéo dài; các định hướng tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật đất đai của Nhà nước và Bộ Tài nguyên và Môi trường.../.

Khánh Thi

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực