Khoa học công nghệ: đòn bẩy phát triển kinh tế địa phương

Thứ năm, 14/03/2019 22:20
(ĐCSVN) – Với nhiều đóng góp trên mọi lĩnh vực, khoa học và công nghệ (KH&CN) không ngừng khẳng định vai trò là “đòn bẩy”, là động lực quan trọng thúc đẩy sự phát triển bền vững, trong đó phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao là “nét son” của ngành KH&CN địa phương.

 
Nhiều tỉnh, thành đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp. (Ảnh: Bích Liên)

Năm 2018, điểm sáng trong hoạt động KH&CN địa phương là việc đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ KH&CN, hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo và phát triển nông nghiệp công nghệ cao. Bộ KH&CN đã cùng với các địa phương đưa KH&CN vào phát triển các sản phẩm chủ lực nâng cao giá trị, sức cạnh tranh của các sản phẩm trên thị trường trong và ngoài nước.

Báo cáo của Bộ KH&CN cho thấy, nhờ ứng dụng khoa học vào sản xuất, nhiều địa phương đã có bước tăng trưởng vượt bậc trong phát triển kinh tế. Điều này khẳng định, KH&CN đã và đang tạo ra những chuyển biến tích cực, góp phần làm thay đổi tư duy sản xuất, nâng cao giá trị kinh tế cho người dân ở các địa phương.

Tại Hải Dương, nhờ ứng dụng thành công các tiến KH&CN trong nhân giống và sản xuất rau an toàn đạt tiêu chuẩn VietGAP theo chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ đã góp phần tạo thêm việc làm, nâng cao thu nhập cho người nông dân.

Khẳng định những đóng góp  đặc biệt của KH&CN, ông Nguyễn Cao Đam, Giám đốc Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học Hải Dương cho biết, từ năm 2016, tỉnh được giao chủ trì Dự án Ứng dụng tiến bộ khoa học vào sản xuất rau theo chuỗi, trong đó có chương trình hỗ trợ doanh nghiệp thuộc Chương trình nông thôn miền núi giai đoạn 2016-2025. Tỉnh đã thực hiện đào tạo cho doanh nghiệp trực tiếp phụ trách vườn ươm và sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP rau thương phẩm, hỗ trợ doanh nghiệp thông qua dự án đã xây dựng được khu vườn ươm. Về phía Bộ KH&CN đã hỗ trợ cho doanh nghiệp xây dựng được khu vườn ươm thông qua dự án định hướng phát triển cho doanh nghiệp.

“Với 50.000 m2 khi chưa có nhà màng, nhà lưới đưa vào sản xuất, doanh nghiệp thường phải thuê 30-50 lao động. Tuy nhiên khi mô hình hoàn thiện, doanh nghiệp chỉ phải thuê từ 10-15 lao động. Ngoài ươm cây giống, kỹ thuật sản xuất rau trong nhà lưới cũng mang lại nhiều lợi ích so với trồng thông dụng ngoài tự nhiên như ngăn chặn sự xâm nhập của một số loại côn trùng, bệnh hại, nên ít cần sử dụng thuốc trừ sâu độc hại hoặc dùng rất ít ở giai đoạn nhất định. Khắc phục sự thất bại của thời tiết như nắng, mưa, bão hay sương lạnh”, ông Đam cho hay.

Ông Nguyễn Cao Đam cũng cho biết, đối với việc ứng dụng kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất giống rau này bước đầu đã đưa Hải Dương đi vào sản xuất theo hướng công nghệ cao. Vì sản xuất công nghệ cao đảm bảo được chất lượng sản phẩm, kiểm soát được an toàn thực phẩm. Cùng với đó là khắc phục được tình trạng thiếu lao động. Những kết quả bước đầu của dự án đã cho thấy mô hình này đã lấy liên kết bốn nhà làm cơ sở để ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật công nghệ vào cuộc sống, nhà nông tiếp cận theo hướng sản xuất hàng hóa có hiệu quả và phát triển bền vững, là động lực để doanh nghiệp mở rộng sản xuất theo hướng công nghệ. Đồng thời có tác động hỗ trợ liên kết sản xuất giữa doanh nghiệp và người dân.

Còn tại Hòa Bình, theo báo cáo của UBND tỉnh, những năm qua, hoạt động KH&CN của tỉnh đã đạt được nhiều kết quả, đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội. Trong thành công đó, đóng góp của các đề tài/dự án thuộc lĩnh vực khoa học nông nghiệp khá rõ nét, đã góp phần tạo ra các vùng sản xuất hàng hóa có giá trị kinh tế cao trong toàn tỉnh như: Vùng sản xuất cam tại huyện Cao Phong, mở rộng sang huyện Kim Bôi, Lạc Thủy; hạt dổi Lạc Sơn; quýt Nam Sơn; bưởi đỏ Tân Lạc; lặc lày Lương Sơn; nuôi cá Tầm trên lòng hồ Hòa Bình,... Ngoài ra, các tiến bộ KH&CN không chỉ được ứng dụng vào sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, thu nhập cho người dân địa phương mà còn thúc đẩy liên kết 4 nhà trong sản xuất, dịch chuyển phương thức đầu tư, lôi cuốn tích cực vốn đối ứng của xã hội.

Khác với những địa phương trên, tỉnh Gia Lai đẩy mạnh ứng dụng KH&CN trong phát triển cây công nghiệp. Hiện tỉnh này đã có trên 20,000 ha cây công nghiệp đã được ứng dụng công nghệ tưới tiết kiệm, nhiều doanh nghiệp đã và đang ứng dụng sản xuất thông minh, công nghệ mới vào chế biến nông sản (Công ty Olam, Công ty TNHH Vĩnh Hiệp, Tập đoàn Trường Sinh,...). Nhiều đơn vị như Nhà máy đường An Khê, Công ty TNHH MTV Thành Công Gia Lai,… đang đi đầu trong xây dựng cánh đồng mẫu lớn và cơ giới hóa hoạt động sản xuất. Tuy nhiên, hiện Gia Lai vẫn còn nguồn tiềm năng lớn cần được phát triển, đặc biệt trong lĩnh vực nông - lâm nghiệp.

Theo ông Võ Ngọc Thành, Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai, diện tích canh tác của tỉnh còn rất lớn với trên 1600km2 đất đỏ bazan thích hợp cho nhiều loại cây trồng, điều kiện thời tiết thuận lợi; quỹ rừng lớn với hai khu sinh quyển có diện tích trên 100,000 ha đang được bảo tồn nghiêm ngặt. Trong đó Vườn Quốc gia Con Ka Kinh có đặc thù tiểu khí hậu rất phù hợp để trồng sâm Ngọc Linh; diện tích đất nông nghiệp lớn với trên 500,000 ha trồng các loại cây công - nông nghiệp như cao su, cà phê, tiêu, chanh dây,... Để khai thác các tiềm năng này có vai trò đặc biệt quan trọng của KH&CN trong việc giải quyết một cách căn cơ các vấn đề còn tồn tại về giống cây trồng, quy trình canh tác, chuyển giao và áp dụng các công nghệ chế biến phù hợp.

Để đưa kinh tế của tỉnh phát triển bền vững, hiện Sở KH&CN đã bám sát Nghị quyết, Chương trình làm việc, các nội dung chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND Tỉnh, UBND Tỉnh, Bộ KH&CN, tham mưu cho UNBD Tỉnh đề xuất 04 dự án tham gia các chương trình do Bộ KH&CN chủ trì và quản lý, hướng dẫn triển khai 34 nhiệm vụ cấp tỉnh, tập trung triển khai thực hiện nghiêm túc và cơ bản hoàn thành các nhiệm vụ được giao.

Đánh giá về thành tựu mà KH&CN mang lại tại nhiều địa phương trong thời gian qua, Bộ trưởng Bộ KH&CN Chu Ngọc Anh khẳng định, hoạt động KH&CN đóng góp thiết thực, quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Bộ trưởng nhấn mạnh, năm 2019 là năm bứt phá để đảm bảo hoàn thành kế hoạch năm 2016 - 2020. Theo đó, mục tiêu trong các Nghị quyết của Chính phủ có nội dung liên quan đến hoạt động KH&CN như: Đẩy mạnh hoạt động đổi mới sáng tạo, ứng dụng KH&CN tiên tiến và tận dụng có hiệu quả từ cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư; trọng tâm trong chỉ đạo điều hành cũng đã được đặt ra những nội dung rất cụ thể, cần có biện pháp khuyến khích chuyển giao công nghệ, phát triển công nghệ mới, đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng KH&CN, coi doanh nghiệp là trung tâm của đổi mới sáng tạo, đặc biệt là tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư,… “Điều đó cho thấy, vai trò, vị trí của KH&CN tiếp tục được khẳng định, đồng thời cần tiếp tục có sự đồng hành của các cấp ngành và địa phương”, Bộ trưởng nhấn mạnh./.

Bích Liên

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực