Không được để có dịch, mới cấp tập đi chống

Thứ năm, 11/10/2018 22:33
(ĐCSVN) - Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng, chúng ta phải rút kinh nghiệm không được để có dịch mới cấp tập đi chống dịch mà phải phòng dịch khi chưa có dịch. Ngành y tế là nòng cốt nhưng chính quyền cũng phải vào cuộc và phải kiên trì, không thể chủ quan. Ngay cả TP Hồ Chí Minh, UBND TP đã có nhiều chỉ đạo về công tác này nhưng cần phải sát với những thay đổi thực tế.
Phó Thủ tướng động viên gia đình có người bệnh đang điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng 1

Chiều 11/10, tại TP Hồ Chí Minh, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đã tới thăm, động viên các y, bác sĩ và bệnh nhi bị tay chân miệng, sởi, sốt xuất huyết đang điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng 1; thăm và làm việc tại Bệnh viện Nhân dân 115.

Báo cáo với Phó Thủ tướng, Giám đốc Sở Y tế TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Tấn Bỉnh cho biết trong 9 tháng đầu năm, trên địa bàn có 4.066 ca mắc bệnh tay chân miệng điều trị nội trú và 21.322 ca điều trị ngoại trú. Bên cạnh đó, thành phố cũng ghi nhận 132 ca mắc bệnh sởi.

Sở Y tế đã chỉ đạo Bệnh viện Nhi đồng 1, Nhi đồng 2 và Bệnh viện Nhi xây dựng kế hoạch chuẩn bị và phối hợp bảo đảm chống dịch kịp thời.

Cung cấp thêm thông tin về tình hình dịch tay chân miệng, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng Trần Đắc Phu cho biết, 9 tháng đầu năm 2018, cả nước ghi nhận 53.529 trường hợp mắc tay chân miệng, trong đó có 25.845 trường hợp nhập viện và đã có 6 trường hợp tử vong tại 5 tỉnh, thành phố khu vực phía nam.

Một số tỉnh, thành phố ghi nhận số ca mắc bệnh tích lũy cao và gia tăng nhanh trong mấy tuần gần đây là TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương, Đồng Tháp, Bà Rịa - Vũng Tàu, Long An, Đà Nẵng, Ninh Thuận, Tây Ninh... với hơn 4.000 ca từ đầu năm đến nay (chiếm 77% cả nước), chủ yếu gặp ở trẻ dưới 10 tuổi (chiếm 99,5%).

Cục trưởng Cục Y tế dự phòng Trần Đắc Phu cho biết, theo thống kê của y tế dự phòng cho thấy những địa phương có nhiều khu công nghiệp thường tiềm ẩn nguy cơ lây lan dịch tay chân miệng rất cao.

Về diễn biến dịch sởi, dù chưa thấy biểu hiện bất thường nhưng ông Trần Đắc Phu cũng cảnh báo về chu kỳ của bệnh này là sau 4-5 năm có thể bùng phát do mỗi năm vẫn sót lại khoảng 10% trẻ chưa được tiêm chủng. Tới đây, ngành y tế sẽ phát động một số đợt tiêm vét để giảm nguy cơ dịch sởi bùng phát.

Tới thăm một số khoa, phòng ở Bệnh viện Nhi đồng 1, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam biểu dương tinh thần vượt qua khó khăn, vất vả của đội ngũ y bác sĩ, điều dưỡng đã căng mình ngày đêm chống dịch trong những lúc cao điểm. Đây cũng là lời cảm ơn của người dân gửi đến các y bác sĩ.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam lưu ý bên cạnh phòng chống dịch tay chân miệng thì cũng không được chủ quan với diễn biến dịch sởi đang trong chu kỳ có khả năng bùng phát.

“Chúng ta phải rút kinh nghiệm không được để có dịch mới cấp tập đi chống dịch mà phải phòng dịch khi chưa có dịch. Ngành y tế là nòng cốt nhưng chính quyền cũng phải vào cuộc và phải kiên trì, không thể chủ quan. Ngay cả TP. Hồ Chí Minh, UBND thành phố đã có nhiều chỉ đạo về công tác này nhưng cần phải sát với những thay đổi thực tế", Phó Thủ tướng nói và đề nghị xem xét bố trí chế độ chống dịch đầy đủ cho các cán bộ y tế tham gia.

* Cũng trong chiều 11/10, Phó Thủ tướng đã tới thăm và làm việc với cán bộ, y bác sĩ Bệnh viện Nhân dân 115, TP Hồ Chí Minh. Tại đây, Phó Thủ tướng đã lắng nghe nhiều kiến nghị, ý kiến của lãnh đạo Bệnh viện. Lãnh đạo Bộ Y tế, BHXH Việt Nam, đại diện Sở Tài chính và Sở Y tế TP Hồ Chí Minh đã giải đáp một phần các kiến nghị của Bệnh viện Nhân dân 115.

Phó Thủ tướng phát biểu tại buổi làm việc với cán bộ, y bác sĩ Bệnh viện Nhân dân 115

Báo cáo với Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, TS. BS Phan Văn Báu, Giám đốc Bệnh viện Nhân dân 115 cho biết, Bệnh viện Nhân dân 115  là bệnh viện tuyến cuối và đang thực hiện thí điểm tự chủ tài chính, phát triển mô hình viện - trường. Bệnh viện hàng ngày cấp cứu 350 bệnh nhân, nhập viện 250 bệnh, 100 máy thở luôn sử dụng hết, số bệnh nhân nội trú luôn ở mức 2.000 trong khi chỉ có 1.600 giường bệnh. Mỗi năm, có 4 ngàn sinh viên, học viên, bác sỹ, trong đó có 1.000 sinh viên của trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch học tập và thực hành.

Giám đốc Bệnh viện Nhân dân 115 kiến nghị Phó Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Y tế cho phép bệnh viện được thí điểm hoạt động theo mô hình doanh nghiệp nhằm xây dựng bệnh viện hiện đại hơn, có điều kiện phát triển chuyên khoa sâu, xứng tầm quốc tế, tham gia vào cung cấp dịch vụ y tế quốc tế.

Báo cáo tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ Y tế Phạm Lê Tuấn cho biết, hiện Bộ Y tế đang xây dựng Nghị định chung về tự chủ tài chính cho các bệnh viện trên toàn quốc, về cơ bản đã hoàn thành nhưng vẫn đang triển khai lấy ý kiến thêm tại một số địa phương. Bộ Y tế cũng đang thí điểm mô hình hoạt động tự chủ tài chính chi thường xuyên và chi đầu tư tại 4 bệnh viện tuyến cuối trực thuộc Bộ là: Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện K và Bệnh viện E…

Sau khi nghe ý kiến trình bày của Bộ Y tế và các bệnh viện, đơn vị,  Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhận định, cơ chế tự chủ tài chính đối với các bệnh viện là rất cần thiết, tuy nhiên quá trình thực hiện còn rất chậm do chính sách chưa theo kịp thực tiễn. Đồng ý với việc cần có một quy định chung cho các cơ sở y tế trong cả nước về tự chủ tài chính, Phó Thủ tướng cho rằng, các bệnh tuyến cuối cần có những cơ chế tự chủ riêng để phát triển chuyên sâu. Việc hỗ trợ ngân sách chỉ nên dành cho các cơ sở y tế tuyến dưới, cho hệ thống y tế dự phòng, còn những cơ sở y tế nào có khả năng nên tạo điều kiện để các cơ sở tự chủ, điều này sẽ giúp cho việc phục vụ được người dân tốt hơn, mặt khác có thể nâng cao chất lượng chuyên môn xứng tầm quốc tế.

 “Một số bệnh viện lớn của chúng ta không kém nước ngoài trong khi người Việt tốn hàng tỷ USD chữa bệnh ở nước ngoài.Tại sao chúng ta không giữ lại để điều trị trong nước? Tại sao chúng ta không nghĩ đến việc thu hút cả người bệnh nước ngoài đến Việt Nam để điều trị? Nếu các bệnh viện được tự chủ, chắc chắn sẽ tháo gỡ được vấn đề này”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh./.

Tin ảnh: Minh Anh - Minh Khuê

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực