Kiểm tra, rà soát ảnh hưởng của trận động đất tại Lai Châu

Thứ ba, 16/06/2020 18:29
(ĐCSVN) - Để chủ động ứng phó, khắc phục hậu quả của trận động đất vừa xảy ra hồi 13h12’ ngày 16/6, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Lai Châu cần kiểm tra, rà soát ảnh hưởng của động đất đến các hồ chứa thủy lợi, thủy điện, trụ sở, nhà ở của người dân trong khu vực để kịp thời có phương án ứng phó phù hợp.

Đó là một trong những đề nghị của Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai – Văn phòng Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tại công điện số 2/CĐ-TW ngày 16/6.

Công điện gửi: Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) tỉnh Lai Châu; Ban Chỉ huy PCTT&TKCN các Bộ, ngành: Quốc phòng, Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn; Viện Vật lý địa cầu; Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam.

 Bản đồ trận động đất ngày 16/6 tại Lai Châu (Ảnh: Viện Vật lý địa cầu)

Theo bản tin của Viện Vật lý Địa cầu, hồi 13h12’ ngày 16/6/2020, đã xảy ra một trận động đất có độ lớn 4,9 tại khu vực huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu, độ sâu chấn tiêu khoảng 12,6km. Cấp độ rủi ro thiên tai cấp 4 quanh khu vực tâm chấn và cấp 3 tại khu vực lân cận.

Để chủ động ứng phó, khắc phục hậu quả của trận động đất, Văn phòng Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai – Văn phòng Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn đề nghị Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Lai Châu kiểm tra, rà soát ảnh hưởng của động đất đến các hồ chứa thủy lợi, thủy điện, trụ sở, nhà ở của người dân trong khu vực để kịp thời có phương án ứng phó phù hợp. Sẵn sàng lực lượng, phương tiện để cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu. Theo dõi, cập nhật diễn biến động đất, thông tin, thông báo kịp thời cho các cấp chính quyền và người dân để chủ động ứng phó.

Ban Chỉ huy PCTT&TKCN  Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Công Thương chỉ đạo công tác đảm bảo an toàn các hồ chứa thủy điện, thủy lợi trong khu vực bị ảnh hưởng của động đất.

Cùng với đó, Viện Vật lý địa cầu theo dõi chặt chẽ, cung cấp kịp thời các bản tin động đất để cơ quan chức năng và nhân dân chủ động ứng phó. Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam và các cơ quan thông tin đại chúng tăng cường các hoạt động tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn nhân dân cách nhận biết, kỹ năng ứng phó với động đất để chủ động phòng tránh, giảm thiểu thiệt hại.

Tổ chức trực ban nghiêm túc 24/24 giờ, thường xuyên báo cáo về Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai và Văn phòng Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn./.

BT

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực