Kỷ niệm Ngày Khí tượng thế giới 2017: “Hiểu biết về mây”

Thứ năm, 23/03/2017 15:18
(ĐCSVN) - Ngày 23/3, tại Hà Nội, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) phối hợp cùng Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO) tổ chức Lễ kỷ niệm Ngày Khí tượng thế giới (23/3).

Lễ kỷ niệm Ngày Khí tượng thế giới (23/3). Ảnh: BL

Phát biểu tại lễ kỷ niệm, Thứ trưởng Bộ TN&MT Chu Phạm Ngọc Hiển cho biết: Ngày Khí tượng Thế giới năm nay, WMO đã chọn chủ đề là: “Hiểu biết về mây”. Chủ đề năm nay truyền đi thông điệp về tầm quan trọng của mây trong hệ thống thời tiết, khí hậu, sự cần thiết trong nghiên cứu về mây để nâng cao năng lực, trình độ dự báo thời tiết, khí hậu phục vụ phát triển kinh tế xã hội, phòng tránh thiên tai; đồng thời qua đó cũng giúp nâng cao hiểu biết của người dân về các hoạt động khí tượng thuỷ văn, các dịch vụ khí hậu mà ngành khí tượng thuỷ văn cung cấp, các yếu tố ảnh hưởng đến công tác cảnh báo, dự báo khí tượng thủy văn...

Thông qua chủ đề, WMO gửi gắm thông điệp về tầm quan trọng của mây trong cuộc sống từ góc nhìn khoa học và nghệ thuật. Các đám mây đã góp phần điều tiết chu trình nước và toàn bộ hệ thống khí hậu. Hiểu biết về mây là cơ sở quan trọng để dự báo tình hình thời tiết, mô phỏng các tác động của biến đổi khí hậu trong tương lai và dự đoán nguồn tài nguyên nước.

Hưởng ứng chủ đề của Ngày Khí tượng thế giới năm nay, Thứ trưởng Chu Phạm Ngọc Hiển đề nghị các cơ quan, tổ chức nghiên cứu về khí tượng thủy văn xây dựng mô hình dự báo phù hợp trên cơ sở những thông tin, kiến thức cập nhật về mây để tạo ra những sản phẩm, dịch vụ khí hậu chất lượng của ngành, đáp ứng nhu cầu của các hoạt động phát triển kinh tế xã hội. Đồng thời, cần tuyên truyền phổ biến thông tin, kiến thức về mây, tăng cường nghiên cứu, đưa nội dung về mây vào bài giảng các bậc học về khí tượng thủy văn. Cùng với đó, cần đẩy mạnh hợp tác quốc tế, chia sẻ thông tin, tri thức mới để hiểu rõ hơn về mây và các hiện tượng khí hậu thời tiết khác.

Theo PGS. TS Huỳnh Thị Lan Hương, Phó Viện trưởng Viện Khoa học Khí tượng thủy văn và Biến đổi khí hậu (KTTV&BĐKH), cùng với sự phát triển mạnh mẽ của khoa học tính toán và giám sát, các nghiên cứu chuyên sâu về mây ngày càng được quan tâm hơn.

Hiện nay, Việt Nam có 871 mạng lưới trạm khí tượng thủy văn, trong đó có 186 trạm khí tượng có quan trắc yếu tố mây. Mạng lưới các trạm quan trắc này phân bố khắp lãnh thổ, từ miền núi đến đồng bằng ven biển, từ đất liền đến hải đảo xa xôi. Các thông tin giám sát mây kịp thời thông qua các thiết bị hiện đại đã góp phần quan trọng trong việc đưa ra các bản tin cảnh báo và dự báo kịp thời, chính xác các hiện tượng thời tiết.

Thông điệp mà WMO đưa ra nhằm hưởng ứng Ngày Khí tượng Thế giới năm nay ý nghĩa đối với công tác dự báo, cảnh báo thời tiết, khí hậu, cũng là cách tiếp cận hiệu quả nhằm đưa vấn đề khoa học đến cuộc sống thường nhật để mọi người dễ hiểu, dễ tiếp nhận.

Chủ đề năm nay truyền đi thông điệp về tầm quan trọng của mây trong hệ thống thời tiết, khí hậu, sự cần thiết trong nghiên cứu về mây để nâng cao năng lực, trình độ dự báo thời tiết, khí hậu phục vụ phát triển kinh tế xã hội, phòng tránh thiên tai; đồng thời qua đó cũng giúp nâng cao hiểu biết của người dân về các hoạt động khí tượng thuỷ văn, các dịch vụ khí hậu mà ngành khí tượng thuỷ văn cung cấp, các yếu tố ảnh hưởng đến công tác cảnh báo, dự báo khí tượng thủy văn...

Tại Lễ kỷ niệm, các chuyên gia cũng cho rằng, yếu tố con người vẫn sẽ được đề cao trong quá trình hiện đại hóa mạng lưới quan trắc khí tượng thủy văn, đặc biệt là quan trắc mây. Quan trọng là đồng bộ dữ liệu mây với quốc tế, xây dựng cơ sở dữ liệu về mây, cập nhật, hoàn thiện Atlas mây cho Việt Nam. Đồng thời, đẩy mạnh hợp tác quốc tế thúc đẩy xây dựng mô hình dự báo, cảnh báo phù hợp, hiện đại. Tiếp tục tuyên truyền nâng cao hiểu biết của cộng đồng hơn về mây, tầm quan trọng của ngành khí tượng thuỷ văn, dịch vụ khí hậu của ngành trong hoạt động phát triển kinh tế xã hội và trong công tác cảnh báo dự báo thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu.

Trong dịp này, hưởng ứng Ngày Khí tượng Thế giới, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã chủ trì, phối hợp tổ chức nhiều hoạt động chính: Lễ mít tinh kỷ niệm ngày Khí tượng Thế giới, trong đó có ý kiến phát biểu của đại diện một số tổ chức quốc tế và truyền thông điệp của Tổng Thư ký WMO, giới thiệu một số tham luận khoa học, trao đổi, thảo luận làm rõ hơn chủ đề, ý nghĩa của Ngày Khí tượng Thế giới và liên hệ thực tiễn tại Việt Nam...

Kể từ năm 1961 đến nay, Ngày Khí tượng Thế giới được tổ chức nhằm ghi nhớ sự kiện Công ước thành lập Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) có hiệu lực vào ngày 23/3/1950. Đồng thời tôn vinh những đóng góp to lớn của Cơ quan Khí tượng Thuỷ văn trong công tác bảo vệ tính mạng và tài sản của con người. Năm 2017, WMO chọn chủ đề “Hiểu biết về mây” nhằm nhấn mạnh tầm quan trọng của mây trong chu trình vòng tuần hoàn nước, điều tiết hệ thống khí hậu và truyền tải thông điệp về sự cần thiết của việc tăng cường đầu tư nghiên cứu, phổ biến thông tin, kiến thức và nâng cao hiểu biết về mây.  

 

Bích Liên

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực