Lồng ghép giới vào chương trình, sách giáo khoa phổ thông mới

Thứ ba, 26/01/2016 17:10
(ĐCSVN) – Ngày 26/1, tại Hà Nội, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức Hội thảo tham vấn về Dự thảo tài liệu hướng dẫn lồng ghép giới vào chương trình, sách giáo khoa (SGK) giáo dục phổ thông.


Hội thảo tham vấn lồng ghép giới vào chương trình, sách giáo khoa phổ thông. Ảnh: VA

Tại Hội thảo, PGS.TS Hoàng Bá Thịnh - Trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn (ĐHQG Hà Nội) chia sẻ, giáo dục được xây dựng dựa trên các giá trị văn hóa - xã hội và lịch sử của một cộng đồng. Giáo viên là những cá nhân mang quan điểm và nguyên tắc của riêng mình vào lớp học; do đó, các định kiến văn hóa - xã hội (bao gồm định kiến giới) có thể được củng cố thông qua giáo dục. Kết quả giáo dục được định hình và chịu tác động bởi kỳ vọng của các cá nhân, gia đình, cộng đồng và nhà nước.

Do vậy, trong quá trình xây dựng, thẩm định chương trình và biên soạn, thẩm định SGK trong dự thảo tài liệu, PGS.TS Hoàng Bá Thịnh lưu ý khi lồng ghép giới cần nhấn mạnh vai trò của phụ nữ như là những người làm kinh tế, ví dụ người làm công ăn lương; đồng thời khẳng định, nhấn mạnh sự đóng góp của nữ giới trong sự nghiệp, vai trò hiện tại và tương lai của họ trong xã hội; không nhấn mạnh vai trò “kép” của người phụ nữ trong gia đình và ngoài xã hội.

Cùng với đó, xóa bỏ các định kiến giới phổ biến trong xã hội, như: phụ nữ nhẹ nhàng, nhạy cảm và giỏi hơn nam giới trong chăm sóc trẻ em và nhà cửa; họ yếu hơn đàn ông, không thông minh, không có quyền hạn…thông qua thể hiện những tấm gương nữ giới và nam giới trong các tình huống phi truyền thống nhằm phủ định những suy nghĩ như vậy.

“Nên thận trọng cân nhắc vấn đề giới khi xây dựng nhân vật trong các câu chuyện và vẽ minh họa trong SGK. Cần thể hiện những tình huống trái với những gì đã học hoặc khác với thông lệ xã hội; rà soát, loại bỏ những tục ngữ, thành ngữ và bài hát phân biệt đối xử với trẻ em gái và phụ nữ, tìm cách giải thích các tác phẩm đó với cách nhìn mới” - PGS.TS Hoàng Bá Thịnh nhấn mạnh.

Ông Trần Kim Tự, Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ (Bộ GD&ĐT), Phó ban Vì sự tiến bộ phụ nữ ngành Giáo dục cho rằng, bình đẳng giới đang là vấn đề toàn cầu, có tác động sâu xa không chỉ trong giáo dục mà cả trong đời sống, văn hóa xã hội. Trong giáo dục, dù không hề có một quan điểm nào nói về phân biệt giới và luôn tôn trọng bình đẳng giới, tuy nhiên, ở đâu đó, trong một tình huống nào đó vẫn có những hình ảnh phân biệt hoặc bất bình đẳng. Do đó, tập trung rà soát lại những định kiến về giới trong SGK là vô cùng cần thiết. Và, việc xây dựng một tài liệu về lồng ghép giới vào chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông cho chương trình mới là bước đi tích cực, tránh được những vấp váp không đáng có.

Đóng góp vào Dự thảo tài liệu hướng dẫn lồng ghép giới vào chương trình, SGK, chuyên gia Huỳnh Ngọc Diệp, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam khẳng định: Đây là một tài liệu nghiên cứu công phu, bài bản và thành công là đã đề xuất được những công cụ phân tích lồng ghép giới trong xây dựng chương trình, SGK mới.

Tuy nhiên, bên cạnh rà soát SGK nên lưu ý hơn đến rà soát định kiến giới trong chương trình; nên có thêm quy trình lồng ghép giới vào biên soạn chương trình; bổ sung định hướng nội dung giáo dục về giới, những khuyến nghị cụ thể cho các tác giả xây dựng chương trình, SGK mới…

PGS.TS Nguyễn Công Khanh, Trường ĐHSP Hà Nội cũng đồng tình với quan điểm phải định hướng từ chương trình trở đi, SGK là một phiên bản để cụ thể hóa chương trình. Đồng thời đề nghị cần tạo ra các công cụ nghiêng về những phẩm chất, ví dụ như công cụ đánh giá được năng lực để phát triển tình yêu thương con người, đặc biệt với học sinh./. 

Mỹ Anh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực