Luật Dược (sửa đổi) sẽ khắc phục nhiều hạn chế về vấn đề quản lý, sử dụng thuốc

Thứ năm, 19/11/2015 16:14

(ĐCSVN)Luật Dược (sửa đổi) vừa được trình Quốc hội xem xét và thảo luận. Bên cạnh những điểm mới, vẫn còn một số vấn đề khiến nhiều đại biểu quan tâm như: quản lý giá; sản xuất thuốc trong nước; nhập khẩu thuốc...

Ngày 19/11, bên hành lang kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIII, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã thông tin với báo chí về những vấn đề trên.

 

 Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến. (Ảnh: TH)

Phóng viên (PV): Thưa Bộ trưởng, người dân sẽ được lợi gì khi những sửa đổi trong Luật Dược lần này được thông qua?

Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến: Khi Luật mới được sửa đổi, ban hành phải khắc phục được  hạn chế của luật cũ và thích ứng với tình hình mới.

Đối với doanh nghiệp thì một số thủ tục đầu tư, sản xuất, kinh doanh, buôn bán… sẽ được đơn giản hoá; còn người dân sẽ được tiếp cận với thuốc mới, thuốc tốt dễ dàng hơn với giá cả hợp lý hơn và chất lượng cũng sẽ tốt hơn. Thuốc sử dụng trong khám, chữa bệnh cũng được quản lý chặt chẽ hơn để tránh kháng thuốc, tránh lạm dụng thuốc. Công nghiệp dược, đặc biệt là dược liệu, nguyên liệu làm thuốc từ dược liệu, thuốc đông y sẽ được khuyến khích phát triển, nhất là thuốc nội. Luật này gắn với Luật Đấu thầu và Luật Giá để khuyến khích thuốc do Việt Nam sản xuất.

Bộ Y tế cũng đã phát động chương trình người Việt Nam ưu tiên dùng thuốc Việt Nam. Kết quả đấu thầu vừa qua, Bảo hiểm xã hội (BHXH) đã thông báo là tỷ lệ thuốc nội đã tăng thêm gấp đôi, giá và chi phí bảo hiểm y tế cho thuốc đã giảm từ 30-35%. Sau một thời gian dài chúng ta tập trung cho việc này đã có kết quả. Bộ Y tế cũng đã ban hành một loạt các thông tư quản lý khá chặt chẽ giá thuốc, việc đấu thầu thuốc…

PV: Có hiện trạng cùng loại thuốc nhưng lại có nhiều loại giá khác nhau. Luật Dược (sửa đổi) có đóng góp gì để khắc phục thực trạng này thưa Bộ trưởng?

Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến: Việc quản lý giá rất công khai, minh bạch và thực hiện theo các luật hiện hành là Luật Giá, Luật Đấu thầu và theo Nghị định hướng dẫn về đấu thầu thuốc mà Chính phủ đã ban hành. Theo đó, việc đấu thầu thuốc sẽ có một số nội dung chính sửa đổi là: ưu tiên cho thuốc gốc, thuốc nội; đấu thầu tập trung ở cấp quốc gia và có một số thuốc tập trung ở cấp tỉnh. Đồng thời, sẽ ban hành danh mục thuốc tập trung đấu thầu cấp quốc gia, thuốc có hình thức mới là đàm phán giá và danh mục sản xuất trong nước; có những thuốc phân quyền để đấu thầu tập trung ở địa phương.

Về cơ quan quản lý giá, Bộ Y tế sẽ chịu trách nhiệm trước Chính phủ về quản lý giá. Tuy nhiên, phải phân công rõ ràng trách nhiệm của các Bộ, ngành liên quan để thực hiện đúng Luật Đấu thầu và Luật Giá. Tức là chúng ta phải tuân theo hai hình thức, một là theo thị trường; hai là quản lý giá một cách công khai, minh bạch với thuốc mà do ngân sách cấp. Ví dụ, thuốc chi trả từ Quỹ Bảo hiểm y tế (BHYT) và các Chương trình mục tiêu quốc gia cũng như thuốc phòng, chống dịch.

Như vậy, sẽ khắc phục được cơ bản sự chênh lệch giá giữa các địa phương, không để xảy ra tình trạng kê khai giá một cách cao quá mức. Hình thức này sẽ công khai, minh bạch, tập hợp được để bảo đảm cung ứng đủ chất lượng, giá cả chấp nhận được và hội nhập với các quy định hiện nay của các nước về quy trình quản lý giá và đấu thầu thuốc.

PV: Có nhiều đại biểu cho rằng, hiện tại việc mua thuốc dễ như mua rau ngoài chợ, không cần đơn thuốc. Bộ trưởng có quan điểm, trăn trở gì về vấn đề này?

Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến: Đúng là hiện nay có thực trạng mua thuốc không cần đơn tại tất cả các toa thuốc. Mặc dù, Luật năm 2005 đã quy định bán thuốc theo toa và mua thuốc không có toa, quy định về quy tắc thực hành các nhà thuốc. Tuy nhiên, có mấy nguyên nhân dẫn đến tình trạng ghi toa thuốc tràn lan và người dân tự tiện mua thuốc không có ghi toa.

Thứ nhất, người dân luôn nghĩ đơn giản, không muốn đi khám bệnh. Hơn nữa, hệ thống chăm sóc sức khoẻ ban đầu của Việt Nam chưa thể bao phủ đến hết người dân cho nên mỗi khi có bệnh họ đều đến các tiệm thuốc tự mua. Thứ hai, các nhà thuốc không thực hiện nghiêm việc bán hàng theo toa. Thứ ba, cán bộ y tế, thầy thuốc cũng ghi toa một cách tương đối dễ dàng. Tình trạng này gây nguy hiểm, nhất là có thể dẫn đến kháng thuốc, kháng kháng sinh mà Bộ Y tế hiện nay đang quyết liệt vào cuộc.

Trong thời gian tới, để khắc phục, Bộ sẽ tiếp tục ban hành quy định về bán thuốc cần phải có toa ở các quầy thuốc bán lẻ. Đồng thời kiểm tra gắt gao, chỉ đạo các địa phương, sở y tế, các cơ quan thanh tra các địa phương thanh tra các cơ sở bán thuốc lẻ, tuyên tuyền rộng rãi đến người dân phải mua thuốc theo đơn.

PV: Về sản xuất thuốc trong nước, Việt Nam hiện có 180 nhà máy và xưởng chế biến thuốc tân dược, dược liệu, nhiều đại biểu cho rằng phát huy nội lực sản xuất thuốc trong nước chưa đạt yêu cầu. Bộ triển khai thế nào để phát huy tiềm năng nguồn dược liệu?

Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến: Trong khi nhiều nước, nhất là các nước châu Âu phải nhập nguyên liệu thuốc từ Trung Quốc và Ấn Độ, Việt Nam tập trung phát triển thế mạnh là ưu tiên phát triển nguồn nguyên liệu từ dược liệu. Cần phải khuyến khích thuốc chế biến từ nguồn dược liệu cũng như thuốc y học cổ truyền; khuyến khích phát triển y học cổ truyền, có chương riêng về dược liệu, thuốc từ dược liệu và thuốc y học cổ truyền. Cần có chính sách ưu đãi, cụ thể hơn ưu tiên phát triển công nghiệp dược như Luật đang dự thảo.

PV: Việt Nam nhập khẩu rất nhiều loại thuốc khác nhau nhưng chưa có quy định việc nhập khẩu thuốc, cụ thể là phải đến nước đó kiểm tra thực tế, gây nên sự bất bình đẳng và kiểm soát không tốt. Vậy làm sao để kiểm soát vấn đề này thưa Bộ trưởng?

Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến: Thực ra tuy chưa ghi trong Luật hiện hành, nhưng đối với một số doanh nghiệp ở các nước mà cần kiểm soát chất lượng thuốc, Bộ đã tổ chức các đoàn đi kiểm tra, thẩm định các cơ sở sản xuất... khi họ đăng ký hồ sơ để nhập khẩu thuốc, tuy nhiên chưa làm được tất cả. Trong dự thảo Luật Dược sẽ có quy định đối với thuốc nhập khẩu phải có kiểm tra cơ sở sản xuất ở nước ngoài khi họ đăng ký nhập khẩu vào Việt Nam để bảo đảm công bằng giữa nhà sản xuất trong nước và nhà sản xuất có thuốc nhập khẩu từ nước ngoài vào.

PV: Thực tế thị trường trong nước đã xuất hiện thuốc giả, Bộ có giải pháp gì để chống thuốc giả?

Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến: Thuốc giả là một tồn tại mà nước nào cũng có. Tuy nhiên qua tiền kiểm và hậu kiểm, Bộ Y tế phát hiện thuốc giả ở Việt Nam thấp hơn so với quy định của tổ chức Y tế thế giới. Bộ đang tích cực tiến hành kiểm tra, rút giấy phép, dừng lưu hành một số thuốc và đặc biệt là xử phạt rất nặng đối với nơi sản xuất thuốc giả. Để giải quyết việc này có sự vào cuộc của rất nhiều Bộ, ban, ngành, đưa ra chính sách để làm sao thuốc cung cấp đủ, giá cả hợp lý. Cái chính là phối hợp liên ngành để thanh kiểm tra đột xuất cũng như định kỳ và xử phạt nặng, đặc biệt là rút giấy phép hoàn toàn, đình chỉ hoạt động của cơ sở đó và công bố trên truyền thông. Vừa qua, Cục Quản lý dược, Bộ Y tế đã công bố danh tính công khai các cơ sở sản xuất.

Bộ cũng kết hợp với các Bộ Công thương, Bộ Công an, đặc biệt là địa phương, người dân để có thể phát hiện cơ sở sản xuất thuốc giả cũng như đưa nguồn thuốc giả ở ngoài vào lưu hành.

PV: Xin cảm ơn Bộ trưởng!

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực