Miễn học phí cho sinh viên sư phạm bằng hình thức vay tín dụng có nên không?

Thứ ba, 29/05/2018 16:47
(ĐCSVN) - Bên lề Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV sáng 29/5, nhiều đại biểu tán thành với đề xuất thay thế quy định miễn học phí cho học sinh, sinh viên sư phạm bằng tín dụng sư phạm. Tuy nhiên, cần nghiên cứu kỹ cách thức tổ chức thực hiện nhằm bảo vệ quyền lợi cho người học; bổ sung quy định về việc hoàn trả đối với những người tự đóng học phí.

Đại biểu Phạm Tất Thắng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội. Ảnh:VA

Đại biểu Phạm Tất Thắng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội: Miễn học phí cho sinh viên trường sư phạm không còn sức hấp dẫn

Cách đây hơn chục năm khi mà chính sách miễn học phí cho các trường sư phạm ra đời, thì điểm đầu vào của các trường sư phạm khá cao, thậm chí có những trường cao nhất. Chúng ta thấy chính sách này có tác dụng trong nhiều năm. Nhưng mấy năm trở lại đây, đặc biệt nhìn vào mùa tuyển sinh năm 2017, chúng ta thấy nhiều trường sư phạm tuyển sinh đầu vào thấp, thậm chí có những trường cao đẳng chỉ cần 3 môn 9 điểm đã trúng tuyển. Như vậy, chính sách này không còn sức hấp dẫn đối với những học sinh giỏi nữa. Vậy giờ đây bài toán đặt ra, làm thế nào để thu hút người giỏi thi vào trường sư phạm và ra trường thì đóng góp cho ngành.

Tôi thấy cách tiếp cận của Ban soạn thảo trong xây dựng chính sách này cũng phù hợp. Tức là có chính sách vay ưu đãi, nếu như ra trường cam kết thực hiện đóng góp cho ngành Giáo dục trong bao nhiêu năm thì sẽ không phải hoàn trả tín dụng sinh viên đó. Tôi cho như vậy là đúng. Đó là cách tiếp cận phù hợp. Tuy thế, tôi cho rằng vẫn chưa đủ để tạo sức hút những học sinh giỏi vào trường sư phạm.


Đại biểu Hồ Thị Minh (tỉnh Quảng Trị): Cân nhắc hoàn trả học phí đối với sinh viên sư phạm ra trường không có việc làm


Đại biểu Hồ Thị Minh (tỉnh Quảng Trị). Ảnh: KT

Học sinh, sinh viên sư phạm được vay tín dụng sư phạm để đóng học phí và chi trả sinh hoạt phí trong toàn khóa học; được hưởng các chính sách học bổng khuyến khích học tập, các chế độ miễn, giảm học phí và trợ cấp xã hội quy định. Sau khi tốt nghiệp, nếu công tác trong ngành giáo dục đủ thời gian theo quy định sẽ không phải trả khoản vay tín dụng sư phạm.

Một vấn đề đặt ra, vậy ở đây “Học sinh, sinh viên sư phạm được vay tín dụng sư phạm để đóng học phí và chi trả sinh hoạt phí trong toàn khóa học”; nhưng khi ra trường nếu công tác trong ngành thì không phải hoàn trả, vậy nếu các em sinh viên sư phạm ra trường không có việc làm thì khoản tín dụng đó sẽ xử lý thế nào? Vì các em không có việc làm, không có thu nhập thì không có tiền để trả lại khoản tín dụng đó.

Chính phủ và tư lệnh nghành có dám cam đoan là tất cả sinh viên ra trường đều có việc làm không? nhất là sinh viên sư phạm, vì hiện nay có gần 7.000 sinh viên sư phạm đang thất nghiệp hoặc làm công việc khác sau khi ra trường

Đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa (tỉnh Đồng Tháp): Chuyển sang hình thức tín dụng chỉ là giải quyết vấn đề phần ngọn

Tôi cho rằng việc đề xuất chuyển từ việc miễn học phí sang hình thức tín dụng là sự cân nhắc, đề xuất mạnh dạn của ban soạn thảo. Qua nghiên cứu, cả 2 hai chính sách miễn học phí hoặc vấn đề tín dụng cho sinh viên sư phạm vay tiền, sau khi học xong vào làm nghề có thể miễn trả khoản tiền này, cả 2 hình thức hỗ trợ này đều có tính nhân văn, phù hợp. Nhưng tại sao lại chuyển? Nếu như chỉ miễn giảm học phí thì chưa phải sự hấp dẫn. Trong thực tế nhiều em đào tạo trong trường sư phạm được hưởng chính sách này nhưng ra trường không xin được việc làm trong ngành sư phạm. Do đó, nguồn ngân sách nhà nước bỏ ra nhiều nhưng bị lãng phí vì không thực hiện đúng mục tiêu là thu hút người giỏi.

Rất nhiều năm nay ngành sư phạm không bố trí được việc làm, phải tự xin việc. Đây là lý do căn bản khiến cho nhiều em giỏi muốn vào ngành sư phạm nhưng không dám vào vì không giải quyết vấn đề việc làm. Chuyển sang hình thức tín dụng chỉ là giải quyết vấn đề phần ngọn. Nhưng để giải quyết căn cơ, số lượng học sinh giỏi lựa chọn nghề giáo, nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo trong tương lai thì căn bản làm sao có môi trường sư phạm tốt nhất để những người giỏi phát huy năng lực của mình. Bên cạnh đó, quyền được phân công công việc, quyền được có việc làm sau khi tốt nghiệp. Đây là điều kiện có tính hấp dẫn để các em học sinh giỏi lựa chọn sư phạm.

Đại biểu Nguyễn Thanh Hải, Trưởng ban Ủy ban Dân nguyện của Quốc hội: Sinh viên vay gói tín dụng ưu đãi để đóng học phí là phù hợp với xu thế chung

Trước đây học phí cho sinh viên sư phạm được miễn 100%. Bản thân tôi cũng là sinh viên ngành sư phạm khóa 87-91 của Đại học Sư phạm 1, chúng tôi cũng thấy rằng sự hỗ trợ của nhà nước là hết sức cần thiết. Nó giúp cho sinh viên thuận lợi hơn trong học tập. Họ không phải lo lắng nhiều đến học phí khi gia đình gặp khó khăn. Tuy nhiên, kỳ này trong dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi) thay quy định miễn học phí cho học sinh, sinh viên sư phạm bằng tín dụng sư phạm cũng là theo xu thế hội nhập. Hiện nay, trên thực tế, nhiều sinh viên sư phạm được tạo điều kiện học phí không phải đóng nhưng lại không theo nghề sư phạm mà lại chuyển qua ngành nghề khác. Do vậy, nếu sinh viên vay gói tín dụng ưu đãi để đóng học phí cũng là phù hợp với xu thế chung./.

Nhóm PV

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực