Mỗi cơ sở giáo dục thành lập một hội đồng lựa chọn sách giáo khoa

Thứ hai, 03/02/2020 10:32
(ĐCSVN) - Để việc lựa chọn bảo đảm thực hiện công khai, minh bạch, đúng pháp luật, Bộ GD&ĐT yêu cầu mỗi cơ sở giáo dục phải thành lập một hội đồng lựa chọn sách giáo khoa do người đứng đầu cơ sở giáo dục phổ thông thành lập và làm chủ tịch. Đối với trường phổ thông có nhiều cấp học, mỗi cấp học thành lập 1 hội đồng.

Hội đồng lựa chọn sách giáo khoa gồm những ai?

Bộ GD&ĐT vừa ban hành thông tư hướng dẫn việc lựa chọn sách giáo khoa (SGK) trong cơ sở giáo dục phổ thông đối với trường tiểu học, trường THCS, trường THPT, trường phổ thông có nhiều cấp học và các cơ sở giáo dục thực hiện chương trình giáo dục phổ thông, các tổ chức và cá nhân có liên quan.

SGK được lựa chọn phải thuộc danh mục SGK đã được Bộ trưởng Bộ GD&ĐT phê duyệt để sử dụng trong cơ sở giáo dục phổ thông. Mỗi môn học, hoạt động giáo dục ở mỗi khối lớp lựa chọn 1 đầu sách giáo khoa.

Đồng thời, việc lựa chọn sách giáo khoa phải phù hợp với đặc điểm kinh tế - xã hội của địa phương; phù hợp với điều kiện tổ chức dạy và học tại cơ sở giáo dục phổ thông.

 
 Ảnh minh họa. Nguồn: Hải Hà

Để việc lựa chọn bảo đảm thực hiện công khai, minh bạch, đúng pháp luật, Bộ GD&ĐT yêu cầu mỗi cơ sở giáo dục phải thành lập một hội đồng lựa chọn sách giáo khoa do người đứng đầu cơ sở giáo dục phổ thông thành lập và làm chủ tịch. Đối với trường phổ thông có nhiều cấp học, mỗi cấp học thành lập 1 hội đồng.

Hội đồng gồm: Người đứng đầu, cấp phó người đứng đầu, tổ trưởng tổ chuyên môn, đại diện giáo viên dạy các môn học, hoạt động giáo dục (môn học) có sách giáo khoa được lựa chọn, đại diện ban đại diện cha mẹ học sinh của cơ sở giáo dục phổ thông. Số lượng thành viên hội đồng là số lẻ, tối thiểu là 11  người, trong đó có ít nhất 2/3 là tổ trưởng tổ chuyên môn và giáo viên. Đối với cơ sở giáo dục phổ thông có quy mô dưới 10 lớp, số lượng thành viên hội đồng tối thiểu là 7 người.

Thông tư nhấn mạnh, người đã tham gia biên soạn sách giáo khoa hoặc tham gia thẩm định sách giáo khoa do các nhà xuất bản tổ chức, tham gia chỉ đạo biên soạn, xuất bản, in, phát hành sách giáo khoa và người làm việc ở các nhà xuất bản có sách giáo khoa không được tham gia hội đồng.

Việc lựa chọn SGK tiến hành theo quy trình: Tổ chuyên môn tổ chức nghiên cứu, thảo luận và đánh giá SGK của các môn học thuộc chuyên môn phụ trách theo tiêu chí lựa chọn SGK. Giáo viên bỏ phiếu kín lựa chọn một đầu SGK cho mỗi môn học thuộc phạm vi đánh giá, lựa chọn của tổ chuyên môn. Tổ chuyên môn báo cáo Hội đồng danh mục SGK được lựa chọn, sắp xếp theo thứ tự số phiếu đồng ý lựa chọn từ cao xuống thấp. Danh mục SGK được lựa chọn có chữ ký của tổ trưởng tổ chuyên môn và các giáo viên trong tổ chuyên môn.

Tiếp theo, Hội đồng họp, thảo luận, đánh giá SGK trên cơ sở danh mục SGK do các tổ chuyên môn đề xuất lựa chọn. Hội đồng bỏ phiếu kín lựa chọn SGK.

SGK được lựa chọn phải được hơn 1/2 số thành viên của Hội đồng bỏ phiếu đồng ý lựa chọn. Trường hợp SGK không được vượt quá 1/2 số thành viên của Hội đồng bỏ phiếu đồng ý lựa chọn, Hội đồng thảo luận, phân tích các SGK với các tiêu chí lựa chọn SGKvà bỏ phiếu lựa chọn lại. Sau lần bỏ phiếu thứ hai, nếu vẫn không đạt kết quả thì Hội đồng quyết định lựa chọn SGK có số phiếu đồng ý cao nhất trong danh mục SGK do tổ chuyên môn báo cáo.

Sau khi có kết quả, Hội đồng đề xuất với người đứng đầu cơ sở giáo dục phổ thông danh mục SGK đã được Hội đồng lựa chọn để sử dụng trong cơ sở giáo dục phổ thông. Trên cơ sở đó, người đứng đầu cơ sở giáo dục phổ thông quyết định danh mục SGK sử dụng trong cơ sở giáo dục phổ thông.

Bộ GD&ĐT yêu cầu người đứng đầu cơ sở giáo dục phổ thông công bố công khai danh mục SGK sử dụng trong cơ sở giáo dục phổ thông và niêm yết tại cơ sở giáo dục phổ thông trước khi bắt đầu năm học mới ít nhất là 4 tháng./.

Mỹ Anh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực