Năm 2019, thu cấp quyền khai thác khoáng sản gần 5.000 tỷ đồng

Thứ ba, 07/01/2020 15:24
(ĐCSVN) – Năm 2019, Tổng cục Địa chất và Khoáng sản (Bộ TN&MT) đã phê duyệt 10 báo cáo sử dụng số liệu, thông tin về kết quả điều tra, thăm dò khoáng sản của Nhà nước với tổng số tiền 14,7 tỷ đồng, trong đó số tiền cấp quyền khai thác khoáng sản đã nộp ngân sách là 4.780 tỷ đồng.
leftcenterrightdel
 Ảnh minh họa. Nguồn ảnh: Bích Liên

Theo Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam, điểm nhấn trong năm 2019 là hoàn thành công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật năm 2019 gồm 1 Nghị quyết của Quốc hội; 1 Nghị định và 1 Thông tư. Kinh tế địa chất khoáng sản đạt được kết quả tốt, đem lại nguồn thu ngân sách quan trọng.

Cụ thể, Bộ TN&MT đã phê duyệt 10 báo cáo sử dụng số liệu, thông tin về kết quả điều tra, thăm dò khoáng sản của Nhà nước với tổng số tiền 14,7 tỷ đồng. Tổng số tiền cấp quyền khai thác khoáng sản đã nộp ngân sách (đến 24/12/2019) là 4.780 tỷ đồng. Hàng chục cuộc đấu giá quyền khai thác khoáng sản đã được tổ chức.

Đặc biệt, Tổng cục đã đánh giá tác động việc thực hiện các chính sách, quy định của Luật Khoáng sản và tổng kết 5 năm thực hiện Nghị định số 22/2012/NĐ-CP của Chính phủ quy định về đấu giá quyền khai thác khoáng sản. Đây là cơ sở quan trọng để đề xuất Chính phủ triển khai việc chỉnh sửa, bổ sung, hoàn thiện hành lang pháp lý lĩnh vực này trong thời gian tới.

Trong công tác thanh kiểm tra, năm 2019, bên cạnh các cuộc thanh tra theo kế hoạch, Tổng cục chú trọng kiểm tra đột xuất và theo phản ánh của cơ quan báo chí và người dân, cụ thể đã tiến hành 48 cuộc kiểm tra tại 22 tỉnh. Ngoài ra, trong năm 2019 Tổng cục đã phối hợp với Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường Bộ Công an kiểm tra tình hình khai thác cát tại các tỉnh Bến Tre, Tiền Giang, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, thành phố Hồ Chí Minh, Bình Thuận, Khánh Hòa.

Trong lĩnh vực điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản, năm 2019 ghi dấu ấn với việc hoàn thành nhiều đề án quan trọng. Đó là 2 đề án của Chính phủ là: Điều tra đánh giá tổng thể tiềm năng than phần đất liền bể Sông Hồng, sơ bộ xác định tài nguyên than nâu trên diện tích 265 km2 khu vực ven biển Tiền Hải, Thái Bình - Nam Định cấp 333 và 334a đạt 6,7 tỷ tấn; đề án Thăm dò quặng urani khu Pà Lừa - Pà Rồng, Nam Giang, Quảng Nam.

Bên cạnh đó, Tổng cục đã hoàn thành 3 đề án đánh giá khoáng sản cấp Bộ. Các đề án này đã đánh giá được nguồn khoáng sản đồng khu Kon Rá, tỉnh Kon Tum; than Sông Hồng và chì kẽm ở 3 khu vực (khu Bảo Lâm - Bảo Lạc, Cao Bằng; khu ngoại vi Chợ Điền - Chợ Đồn, Bắc Kạn; và khu Thái Nguyên). Từ đánh giá này, ngành địa chất đã khoanh định các khu vực có triển vọng để định hướng cho điều tra, đánh giá khoáng sản tiếp theo.

Tiếp tục triển khai hiệu quả những hoạt động của ngành, ông Đỗ Cảnh Dương, Tổng cục Trưởng Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam cho biết, năm 2020 Tổng cục đặc biệt chú trọng vào việc xây dựng các văn bản pháp luật. Hai nghị định quan trọng cần sửa đổi trong năm 2020 là  Nghị định thay thế Nghị định số 22/2012/NĐ-CP về đấu giá quyền khai thác khoáng sản và Nghị định “Quản lý khoáng sản ở các khu vực dự trữ để phát triển các dự án đầu tư trên mặt”.

Triển khai hai nhiệm vụ quan trọng là thực hiện lập Quy hoạch điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản quốc gia thời kỳ 2021-3030, tầm nhìn đến 2050 và  triển khai tổ chức đấu giá thành công 10 mỏ khoáng sản.

Ngoài ra, Tổng cục khẳng định sẽ triệt để áp dụng việc xử lý văn bản trên phần mềm Quản lý văn bản và Hồ sơ công việc, đẩy mạnh việc ký số các văn bản đủ điều kiện; tiếp tục thực hiện tốt công tác thẩm định hồ sơ hoạt động khoáng sản, đảm bảo cấp phép đúng quy trình, quy định của pháp luật, cập nhật đầy đủ hồ sơ hoạt động khoáng sản trên hệ thống phần mềm dịch vụ công của Bộ TN&MT./.

Bích Liên

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực