Nâng cao năng lực về điều trị cho y tế cơ sở

Thứ tư, 15/04/2020 19:40
(ĐCSVN) – Theo Cục Quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế), các cơ sở y tế tuyến địa phương luôn phải sẵn sàng và thường xuyên nâng cao năng lực về điều trị để thu dung các bệnh nhân mắc khi dịch bệnh xảy ra trên diện rộng.
 Ảnh minh họa. (Nguồn: A.N)

Theo đó, hiện có 82,9% bệnh nhân ở cấp độ nhẹ chỉ cần điều trị thông thường và theo dõi sát bệnh nhân là có thể điều trị thành công và thực tế đã chứng minh điều này ở nước ta; chỉ có 15,3% là bệnh nhân có biến chứng nặng, gần 6% nghiêm trọng phải điều trị ở tuyến trung ương. Vì vậy các cơ sở y tế tuyến địa phương luôn phải sẵn sàng và thường xuyên nâng cao năng lực về điều trị để thu dung các bệnh nhân mắc khi dịch bệnh xảy ra trên diện rộng.

Trong tình hình dịch bệnh hiện nay, việc chăm sóc, điều trị, dự phòng lây nhiễm trong các cơ sở y tế là vấn đề rất quan trọng. Thời gian qua, mạng lưới chăm sóc người bệnh COVID-19 với sự hỗ trợ của các chuyên gia đầu ngành, hồi sức tích cực, sự chỉ đạo của Bộ Y tế, Cục Quản lý Khám, chữa bệnh đã tích cực điều trị cho các bệnh nhân mắc bệnh. Tính đến thời điểm hiện nay, Việt Nam chưa có ca tử vong, là một thắng lợi lớn. Tuy nhiên, trước những diễn biến của dịch bệnh, không thể nói trước được điều gì mà  cần phải dồn hết sức, trí tuệ, trang thiết bị, thuốc tốt nhất cho điều trị các bệnh nhân nặng nhất hiện nay và liên tục cập nhật thông tin về các trường hợp này hàng ngày,

Trong tình hình dịch như hiện nay, tuyến cơ sở  phải tăng cường năng lực, nâng cao kiến thức, hiểu biết về điều trị. Vì vậy, cần tiếp tục tăng cường tập  huấn, nâng cao năng lực ở tất cả các tuyến, nhất là việc nâng cao kỹ năng trong chăm sóc, điều trị bởi vì bệnh này dễ lây, khó phòng.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh, Bộ Y tế đã nâng cấp phòng ngừa dịch COVID-19 lên một cấp độ mới vì nguy cơ lây nhiễm trong bệnh viện rất cao. Theo đó, những người đến khám tại bệnh viện đều được coi là F1 có khả năng truyền bệnh, từ đó có thể phòng ngừa dịch bệnh xâm nhập.Trong bối cảnh bệnh nhân nội trú và ngoại trú đã giảm so với trước, các bệnh viện cần tiếp tục thực hiện nghiêm những biện pháp phòng hộ và kỹ năng tiếp cận, chăm sóc, điều trị bệnh nhân

Bên cạnh đó, cần phải xác định dịch bệnh không tuân theo quy luật nào hết nên các tuyến tỉnh, huyện cần được huấn luyện kỹ càng về kỹ năng sử dụng các phương pháp hỗ trợ hô hấp, đặc biệt là máy thở; cần cung cấp đầy đủ trang thiết bị bảo hộ, khẩu trang...  cho các nhân viên y tế.

Các chuyên gia y tế cũng cho rằng, cần hướng dẫn các cơ sở y tế tuyến dưới về các biện pháp phòng ngừa, phân luồng, cách ly khi có trường hợp mắc và nghi nhiễm, đặc biệt công tác kiểm soát nhiễm khuẩn phải được chú trọng, hướng dẫn đánh giá kết quả xét nghiệm và thực hiện ở những phòng xét nghiệm được Bộ Y tế cấp phép.

Từ đầu dịch COVID-19 đến nay, Việt Nam đã ba lần cập nhật, điều chỉnh phác đồ điều trị và vẫn tiếp tục cập nhật đưa vào phác đồ điều trị những loại thuốc mới, phương pháp mới trong điều trị. Bộ Y tế yêu cầu tất cả các cơ sở y tế từ tuyến huyện trở lên phải nắm bắt được phác đồ điều trị để có thể thu dung các bệnh nhân mắc COVID-19 khi dịch bệnh xảy ra trên diện rộng./.

BL

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực