Nâng cao nhận thức về bảo vệ động, thực vật hoang dã

Thứ sáu, 03/07/2020 16:41
(ĐCSVN) – GS.TS Phùng Hữu Phú đề nghị, các cơ quan báo chí truyền thông cần tích cực hơn nữa, tuyên truyền nâng cao nhận thức, tác động đến hành vi của người dân đối với vấn đề bảo vệ thiên nhiên, bảo vệ các loài động, thực vật nguy cấp nhằm phát triển kinh tế bền vững.

Hội nghị “Bảo vệ động, thực vật hoang dã, nguy cấp, quí, hiếm – Những vấn đề đặt ra” .
(Ảnh: Bích Liên)

Ngày 3/7, tại Hà Nội, Hội đồng Khoa học các cơ quan Đảng Trung ương (Ban Tuyên giáo Trung ương) phối hợp với Tổ chức TRAFFIC tại Việt Nam tổ chức Hội nghị thông tin chuyên đề “Bảo vệ động, thực vật hoang dã, nguy cấp, quí, hiếm – Những vấn đề đặt ra”. GS.TS Phùng Hữu Phú, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng lý luận Trung ương, Chủ tịch Hội đồng Khoa học các cơ quan Đảng Trung ương dự và phát biểu tại hội nghị.

Chia sẻ về ý nghĩa của việc bảo tồn động thực vật hoang dã (ĐTVHD), PGS.TS Phạm Ngọc Linh, Vụ trưởng Vụ Tổ chức - Cán bộ, Ban Tuyên giáo Trung ương cho biết: Các loài ĐTVHD có ý nghĩa và lợi ích quan trọng trong cuộc sống của con người như: Tạo nguồn gen quí, tạo nguồn nguyên liệu dược phẩm để con người chế biến thành thuốc phục vụ hoạt động y học… Nhận thức được ý nghĩa và tầm quan trọng của việc bảo vệ đa dạng sinh học, trong đó có bảo vệ các loài ĐTVHD là góp phần bảo vệ tài nguyên và môi trường, cũng chính là bảo vệ sự ổn định và phát triển bền vững của đất nước.

Theo PGS.TS Phạm Ngọc Linh, hiện nay một xu hướng đáng lo ngại, nạn buôn bán bất hợp pháp các loài ĐTVHD nguy cấp, quí, hiếm ngày càng gia tăng và tinh vi. Hằng năm hàng triệu loài ĐTVHD bị săn bắn, bắt giữ từ thiên nhiên để buôn bán làm thực phẩm, vật nuôi, đồ lưu niệm và dược phẩm… Đây là mối nguy lớn đe dọa sự sinh tồn của nhiều loài sắp tuyệt chủng. Đánh giá của các tổ chức bảo vệ ĐVHD trên thế giới cũng cho thấy, thị trường buôn bán trái pháp luật các loài ĐTVHD lên đến 20 tỷ và lợi nhuận hằng năm là 8-10 tỷ USD, chỉ đứng sau thị trường chợ đen vũ khí và ma túy.

Theo tổ chức CITES, 3 năm 2010-2012, 100 nghìn voi châu Phi đã bị giết hại, bình quân 96 con/ngày; riêng năm 2015 ít nhất 250.000 con bị giết hại. Từ năm 2014-2018 có khoảng 370.000 cá thể tê tê bị thu giữ toàn cầu, tê tê là loài bị buôn bán nhiều nhất trên thế giới…

Tại Việt Nam, từ năm 2013-2017, cơ quan chức năng đã bắt giữ 1.504 vụ vi phạm về ĐVHD, đặc biệt có những loài không nguồn gốc như: Voi, tê giác, tê tê… chiếm 13,5%. Trong năm 2019, có tới 153 vụ vi phạm (trung bình 13 vụ/tháng), trong đó có 51% vụ liên quan vận chuyển trái phép ĐVHD với 216 đối tượng bị bắt giữ, với tổng số tiền phạt là 1,2 tỷ đồng, mức xử cao nhất là 600 triệu và 13 năm tù giam…

PGS.TS Phạm Ngọc Linh cũng cho biết, cùng với nạn buôn bán bất hợp pháp các loài ĐTVHD nguy cấp, quí, hiếm hiện còn nhiều mối đe dọa tiềm tàng đối với ĐTVHD như: Chặt phá rừng, khai thác lâm sản, xây dựng hạ tầng và canh tác nông nghiệp; săn bắt, sưu tầm sinh vật hoang dã. “Đặc biệt, chúng ta chưa nhận thức một cách đầy đủ về ý nghĩa và tầm quan trọng của các loài ĐTVHD. Công tác tuyên truyền để mọi người hiểu và nhận thức về bảo vệ tài nguyên, môi trường nhất là bảo vệ các loài ĐTVHD còn nhiều hạn chế…”, PGS.TS Phạm Ngọc Linh cho hay.

Để ngăn chặn tình trạng trên, cộng đồng quốc tế đã vào cuộc và ban hành Nghị trình của Liên hợp quốc 2030 về Phát triển bền vững có một số mục tiêu cụ thể về “tiến hành biện pháp khẩn cấp chấm dứt nạn săn trộm và buôn lậu các loài động thực vật”. Bên cạnh đó, Đại Hội đồng Liên hợp quốc cũng thông qua một Nghị quyết riêng về chủ đề này vào tháng 7/2015. Ngày 26/2/2016, Ủy ban châu Âu đã thông qua kế hoạch hành động của EU nhằm đối phó nạn buôn bán ĐTVHD trong EU…

Tại Việt Nam, Đảng và Nhà nước ta đã ban hành nhiều nghị quyết, văn bản pháp luật về bảo vệ tài nguyên và môi trường, bảo vệ các loài ĐTVHD.  Các cơ quan chức năng đã huy động sự vào cuộc của các tổ chức, đoàn thể như Mặt trận Tổ quốc các cấp; hình thành và hoàn thiện cơ chế phối hợp giữa các lực lượng Công an, Hải quan, Kiểm lâm, Cảnh sát biển, Bộ đội Biên phòng, An ninh hàng không, Cơ quan quản lý CITES tại Việt Nam… tích cực kiểm tra, phát hiện, xử lý vi phạm đối với hoạt động buôn bán, săn bắt, nuôi cấy nhân tạo trái phép ĐVHD. Bên cạnh đó, đẩy mạnh sự hợp tác quốc tế, phát huy sức mạnh của các cơ quan báo, đài, thông tin đại chúng, đội ngũ báo cáo viên các cấp trong việc bảo vệ các loài ĐTVHD nguy cấp, quí, hiếm…

Theo bà Bùi Thúy Nga, đại diện Tổ chức TRAFFIC tại việt Nam, hoạt động buôn bán trái phép ĐVHD đã ảnh hưởng tiêu cực tới sự phát triển của nền kinh tế; đẩy nhanh các hoạt động phạm pháp; đe dọa tới sự sinh tồn của ĐVHD; ảnh hưởng sinh kế của người dân địa phương; giảm hiệu quả trong công tác quản lý và ảnh hưởng tiêu cực tới sức khỏe cộng đồng.

Bởi vậy, nhằm góp phần nâng cao nhận thức, thay đổi thái độ, hành vi tham gia bảo vệ các loài ĐTVHD, cần tăng cường thực thi pháp luật; tịch thu, bắt giữ, nâng khung hình phạt đối với hành vi buôn bán trái phép các loài ĐTVHD nguy cấp, quí, hiếm. Để làm được điều này “trách nhiệm của cá nhân được coi là yếu tố quyết định cho các nỗ lực giảm cầu. Từ chối mua bán, sử dụng/hoặc nhận quà là sản phẩm ĐVHD là cách hiệu quả nhất để chấm dứt nhu cầu này”, bà Nga chia sẻ

Phát biểu tại Hội nghị, GS.TS Phùng Hữu Phú nhấn mạnh: Đảng và Nhà nước ta đã đề ra những chủ trương, chính sách lớn về phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường, trong đó có những nội dung về bảo vệ đa dạng sinh học và bảo tồn các loài nguy cấp, quý hiếm nhằm phát triển bền vững đất nước. Vì vậy, bảo vệ các loài ĐTVHD cũng chính là bảo vệ quyền sống của chính chúng ta, góp phần bảo vệ phát triển bền vững đất nước.

"Để nâng cao nhận thức, thay đổi thái độ, hành vi tham gia bảo vệ các loài ĐTVHD của đội ngũ cán bộ công chức, viên chức đang công tác tại các cơ quan Đảng Trung ương, mỗi người, nhất là đội ngũ cán bộ, đảng viên, những người làm công tác tuyên truyền, công tác tư tưởng đầu tiên phải nêu gương. Người lãnh đạo nêu gương trước, phải tiếp tục đổi mới công tác tuyên truyền, vận động phong phú, thiết thực hơn, kiên trì thường xuyên hơn trong việc bảo vệ các loài ĐTVHD”, GS.TS Phùng Hữu Phú nêu rõ.

GS.TS Phùng Hữu Phú cũng nhấn mạnh: Cần chung tay, quyết liệt hơn nữa, thực thi luật pháp đầy đủ, để các loài động vật hoang dã, môi trường sống nói chung được bảo vệ. Để làm được điều này, vai trò của báo chí truyền thông là quan trọng, giúp nâng cao nhận thức toàn xã hội về bảo tồn loài hoang dã, đồng thời hỗ trợ cho công tác phòng chống buôn bán trái phép các loài, đảm bảo lợi ích và uy tín quốc gia trên trường quốc tế.

GS.TS Phùng Hữu Phú đề nghị, các cơ quan báo chí truyền thông cần tích cực hơn nữa, tuyên truyền nâng cao nhận thức, tác động đến hành vi của người dân đối với vấn đề bảo vệ thiên nhiên, bảo vệ các loài ĐTVHD nguy cấp nhằm phát triển kinh tế bền vững. Đồng thời, ngoài việc tuyên truyền cần phải tăng cường kiểm tra, giám sát, tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy đảng, sự quản lý của chính quyền các cấp, các cơ quan chức năng, nhất là cấp cơ sở trong bảo vệ thiên nhiên, phát triển kinh tế bền vững, bảo tồn các loài động, thực vật hoang dã nguy cấp, quý hiếm.

Tại hội nghị, các chuyên gia, nhà khoa học và các đại biểu đã tham gia ký vào Tuyên bố ủng hộ “Cam kết bảo vệ ĐTVHD nguy cấp, quí hiếm”. Việc ký vào Tuyên bố này, góp phần thể hiện sự ủng hộ đối với việc bảo tồn các loài ĐTVHD; không tham gia vào việc buôn bán, vận chuyển hay sử dụng trái phép các sản phẩm có nguồn gốc từ ĐTVHD; truyền tải thông điệp thay đổi hành vi; đồng thời hể hiện thái độ không khoan nhượng đối với việc buôn bán, vận chuyển và tiêu thụ trái phép ĐTVHD nguy cấp, quí hiếm./.

Bích Liên

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực