Nâng tầm quyền tự chủ của Đại học Quốc gia TP.Hồ Chí Minh

Thứ ba, 02/06/2020 17:39
(ĐCSVN)- Sự đầu tư cơ chế cho các ĐHQG cần có sự đột phá, nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển, không chỉ quy định mà cơ bản là thúc đẩy các ĐHQG phấn đấu mạnh hơn, được giao những nhiệm vụ cao cả hơn, vì sự phát triển của một quốc gia phụ thuộc rất nhiều vào đội ngũ trí thức có trình độ đại học trở lên.
Sinh viên học tập tại trường Đại học Kinh tế - Luật ĐHQG TP. HCM 

Theo quy định, sắp tới, nghị định về Đại học quốc gia (ĐHQG), sau đó là Quy chế tổ chức và hoạt động của ĐHQG và các đơn vị thành viên, sẽ được ban hành, nhằm thay thế cho các văn bản tương ứng hiện hành. Trong những năm qua, hai ĐHQG đã nghiêm túc tuân thủ Luật giáo dục, Luật Giáo dục đại học, các luật liên quan, nghị định cũng như quy chế về ĐHQG, đạt được những thành tựu to lớn, đóng góp đáng kể vào sự phát triển của đất nước, được xã hội và quốc tế công nhận. Xã hội và ngành giáo dục mong mỏi, sắp tới các ĐHQG sẽ tiếp tục có những cơ chế thuận lợi hơn nữa nhằm phát huy được tối đa tiềm năng, hướng tới tầm nhìn, sứ mạng cao cả của mình.

Về vị trí, chức năng, nhiệm vụ của ĐHQG, Luật số 34/2018/QH14, sửa đổi, bổ sung một số điều của luật giáo dục đại học (Luật 34) đã nêu trong Điều 7: “Đại học quốc gia, đại học vùng là đại học thực hiện nhiệm vụ chiến lược quốc gia, nhiệm vụ phát triển vùng của đất nước.”; Điều 8: “... 1. Đại học quốc gia là trung tâm … chất lượng cao, được Nhà nước ưu tiên đầu tư phát triển. 2. Đại học quốc gia có quyền tự chủ cao trong các hoạt động về đào tạo, nghiên cứu khoa học, tài chính, quan hệ quốc tế và tổ chức bộ máy,…”; và Điều 12: “…3. Ưu tiên đầu tư phát triển một số cơ sở giáo dục đại học mang tầm khu vực, quốc tế …; phát triển một số ngành đặc thù, cơ sở giáo dục đại học có đủ năng lực để thực hiện nhiệm vụ chiến lược quốc gia…”. Hai ĐHQG đã tuyên bố sứ mạng của mình, nhấn mạnh việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, trình độ cao; xây dựng môi trường sáng tạo khoa học; được quản trị, điều hành, quản lý theo mô hình hệ thống đại học mẫu mực với cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm cao, góp phần xây dựng, phát triển và bảo vệ đất nước.

Để hiện thực hóa những nội dung lớn trên, thiết nghĩ, các ĐHQG cần được ưu tiên đầu tư không chỉ về mặt kinh phí, cơ sở vật chất, mà còn cần được đầu tư mạnh mẽ, đó là đầu tư về cơ chế, chính sách, tạo nền tảng bảo đảm thực hiện nhiệm vụ to lớn của mình. Các nước trên thế giới đều chủ động có những chính sách đặc thù, mang tính đột phá điểm đối với các đại học mạnh nhằm nâng cao chất lượng hệ thống đại học của mình. Đơn cử, ở nước Nga, tháng 6/1992 Tổng thống Nga đã có sắc lệnh trao quyền tự trị (self-governing) cho trường ĐHQG Moscow; trước đó, tháng 11/1998 trường đã có quy chế riêng, nêu cơ chế vận hành của trường theo quyền tự trị và các luật của Liên bang Nga. Cao hơn, Nga đã có Luật liên bang (Federal Law) dành riêng cho hai trường ĐH hàng đầu (Trường ĐHQG Moscow và trường ĐHQG S. Petersburg) từ năm 2009, được nâng cấp vào năm 2019. Tổng thống Liên bang Nga bổ nhiệm hoặc miễn nhiệm hiệu trưởng hai trường này. Hai trường có quyền tự chủ cao, chẳng hạn được quyền triển khai các chương trình đào tạo trình độ giáo dục đại học trên cơ sở các tiêu chuẩn giáo dục của riêng mình, được mở các chương trình đào tạo đặc thù, có mẫu văn bằng riêng bằng tiếng Nga và tiếng Anh,… Tại Singapore, các trường đại học NUS, NTU, SMU đã được chủ trương trở thành các trường tự chủ (autonomous universities) từ năm 2005.

Trong Nghị định số 186/2013/NĐ-CP đã có những quy định tạo điều kiện chủ động cho ĐHQG, chẳng hạn như được thí điểm mở các ngành đào tạo mới, ngoài danh mục quy định, nhằm đáp ứng nhu cầu xã hội và thực hiện trên cơ sở có đủ các điều kiện theo quy định; báo cáo Bộ Giáo dục và Đào tạo theo dõi, kiểm tra. Trong dự thảo Nghị định về ĐHQG mới đang lấy ý kiến, thiết nghĩ cần tiếp tục tinh thần ấy. Trong dự thảo, có nhiều nội dung gắn với ràng buộc “theo quy định, theo pháp luật khác có liên quan”, chúng tôi cho rằng, về mặt văn bản, đây là điều cần thiết; thực tế các ĐHQG cũng luôn tuân thủ đúng các văn bản pháp lý đã ban hành, luôn luôn đã và sẽ nêu cao trách nhiệm giải trình của mình. Vậy thì, quan trọng là quy định đặc thù, một mặt vẫn tuân thủ các luật, nghị định mới ban hành năm 2019, 2020, mặt khác làm sao tạo điều kiện mở tối đa cho sự tự chủ, kèm tự chịu trách nhiệm của các ĐHQG, phù hợp thậm chí đón đầu với xu hướng phát triển của đại học thế giới.

 Hoạt động nghiên cứu khoa học tại ĐHQG TP. HCM 

Về chi tiết, trong dự thảo điều 3: Nhiệm vụ và quyền hạn của ĐHQG, có 20 khoản khá chi tiết. Chúng tôi thiết nghĩ có thể nhập các khoản 5, 6 và 7 thành một khoản về tổ chức và quản lý đào tạo, khoản 10 và 11 thành một khoản về tổ chức bộ máy và nhân sự, khoản 12 và 13 thành một khoản về tài chính và tài sản. Đặc biệt, công tác tuyển sinh chỉ là một khâu trong quá trình đào tạo (đầu vào – quá trình – đầu ra), không nên chiếm một khoản riêng biệt; hơn nữa, nội dung dự thảo ý này: “Xác định, công bố công khai phương thức, chỉ tiêu tuyển sinh theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo”, còn chặt hơn so với quy định cho đại học vùng mới ban hành ngày 14/05/2020, là “Đại học vùng được tự quyết định về phương thức tuyển sinh và chịu trách nhiệm về công tác tuyển sinh của đại học vùng; đồng thời, là đầu mối về tuyển sinh của toàn đại học vùng”. Về tổ chức và quản lý đào tạo, với đại học vùng, Điều 14 cũng ngắn gọn hơn, chỉ 4 dòng. Vì vậy nên cần phải xem xét lại nội dung này cho phù hợp với vai trò và sứ mệnh của ĐHQG!

Chúng tôi mong mỏi rằng, sự đầu tư cơ chế cho các ĐHQG cần có sự đột phá, nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển, không chỉ quy định mà cơ bản là thúc đẩy các ĐHQG phấn đấu mạnh hơn, được giao những nhiệm vụ cao cả hơn, vì sự phát triển của một quốc gia phụ thuộc rất nhiều vào đội ngũ trí thức có trình độ đại học trở lên./.

PGS. TS. Nguyễn Hội Nghĩa

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực