Nên xem xét lại chính sách cộng điểm ưu tiên trong xét tuyển đại học

Thứ năm, 03/08/2017 16:31
(ĐCSVN)- Qua đợt xét tuyển vừa rồi, có thể thấy việc cộng điểm ưu tiên đang nảy sinh những bất hợp lý, gây thiệt thòi cho thí sinh khu vực 3 điểm cao mà không trúng tuyển nguyện vọng 1 vào các ngành/trường yêu thích. Vì thế, đã đến lúc cần thay đổi cách tính điểm ưu tiên để tạo sự công bằng cho thí sinh.

Chưa năm nào, khi mọi người nhìn vào điểm trúng tuyển của các trường top đầu lại "sốc" như năm nay. Nhiều em kết quả điểm thi rất cao nhưng vẫn trượt ngành mình yêu thích, trong khi nếu như mọi năm thì với số điểm này đã chắc chắn đỗ.

 

Nhiều trường đại học sau khi công bố điểm chuẩn, các thí sinh khu vực 3 rất buồn vì thi điểm cao trên 29 điểm vẫn trượt. Thậm chí, với mức điểm chuẩn năm nay, nếu có đạt trên 30 điểm tuyệt đối 3 môn đi chăng nữa thì học sinh thành phố vẫn không có cửa đỗ vào ngành học mình yêu thích.

 

Trong danh sách trung tuyển ĐH Y Hà Nội năm nay, nhiều thí sinh được cộng điểm ưu tiên 3,5 điểm

 

Điển hình như ngành Y đa khoa ĐH Y Hà Nội lấy điểm chuẩn 29,25 điểm; Y đa khoa ĐH Y TP Hồ Chí Minh cũng 29,25 điểm. Học viện An ninh nhân dân lấy điểm chuẩn đối với nữ ngành Ngôn ngữ Anh là 30,5 điểm; Trường ĐH Phòng cháy chữa cháy lấy điểm trúng tuyển đối với nữ là 30,25 điểm.

 

Học viện Kỹ thuật Quân sự điểm chuẩn của thí sinh nữ miền Bắc 30 điểm; Học viện Quân y, điểm chuẩn khối A của thí sinh nữ miền Bắc 29,5 điểm, thí sinh nữ miền Nam có điểm chuẩn là 30 điểm. Ở khối B, Học viện Quân y lấy điểm chuẩn đối với thí sinh nữ miền Bắc 30 điểm, thí sinh nữ miền Nam lấy 29 điểm…

 

Chưa kể còn nhiều ngành của các trường đại học khác lấy điểm chuẩn từ 28 điểm trở lên như: ngành Luật ĐH Ngoại thương lấy 28,25 điểm; ngành Công nghệ thông tin ĐH Bách khoa Hà Nội cũng lấy 28,25 điểm; ngành Răng hàm mặt ĐH Y Hà Nội lấy 28,75 điểm… Nhìn vào mức điểm chuẩn trên, có thể thấy nếu không được cộng điểm ưu tiên, chỉ thi “tay bo” thì rất khó để trúng tuyển.

 

Nhiều phụ huynh và học sinh cho rằng việc để mức điểm được ưu tiên cao như hiện nay là bất hợp lý, thậm chí cảm thấy thua thiệt so với các bạn được cộng điểm.

 

Với quá nhiều điểm cao như năm nay, cộng với các tiêu chí phụ xét tuyển của các trường đại học hiện nay thì việc chênh lệch nhau 0,1 điểm cũng có thể trượt hoặc đỗ ngành mình yêu thích, huống hồ cộng điểm ưu tiên ít nhất đã là 0,5.

 

Như các trường hợp mà báo chí đưa tin, một thí sinh đến từ Thạch Thất, Hà Nội tên N.P.H. cho hay, em trượt ngành Y đa khoa, ĐH Y Hà Nội, vì thiếu 0,05 điểm và kém về tiêu chí phụ. Điểm lần lượt của H. là Toán 9,4; Hóa 9,75; Sinh 10. Do thuộc khu vực 3, em không có điểm cộng ưu tiên, tổng điểm của H. là 29,15 (làm tròn thành 29,25).

 

Dù đủ điểm chuẩn vào trường là 29,25 nhưng khi xét tiêu chí phụ, H. trượt tiêu chí số một: Điểm xét tuyển chưa làm tròn. Các tiêu chí sau ưu tiên lần lượt: Điểm Toán, điểm Sinh và thứ tự nguyện vọng.

 

N.P.N buồn bã chia sẻ: "Em đạt 29,15 điểm, học thật, không có điểm ưu tiên cuối cùng lại trượt. Còn những bạn đạt 25,75 điểm; thêm 3,5 điểm ưu tiên là thành 29,25 điểm lại đỗ?".

 

Hay trường hợp em V.H.H. ở TP.Hồ Chí Minh có điểm thi: Toán 9,6; Hóa 9,75; Sinh 10; Tiếng Anh 8,8. Tổ hợp xét tuyển khối B của H. là 29,35 điểm (do thuộc khu vực 3 nên không có điểm cộng). Theo quy tắc làm tròn, điểm của nam sinh giảm xuống còn 29,25.

 

V.H.H trượt Y đa khoa, Trường ĐH Y Dược TP.Hồ Chí Minh vì Trường lấy 29,25 điểm là mức tối thiểu và xét tiêu chí một: Môn Tiếng Anh đạt từ 9 điểm trở lên; trong khi môn Tiếng Anh của thí sinh chỉ có điểm 8,8, nam sinh này trượt nguyện vọng 1. Lúc này, có lẽ cậu ước mình được cộng thêm 0,5 điểm ưu tiên thì đã được trúng tuyển đúng với ước nguyện từ bé của mình.

 

Dư luận cũng cho rằng, trước đây khi điều kiện kinh tế còn khó khăn thì vấn đề cộng điểm là chấp nhận được. Thế nhưng hiện nay, kinh tế phát triển, mức sống chênh lệch giữa các vùng, miền ngày càng được thu hẹp lại (trừ một số vùng đặc biệt khó khăn), các thí sinh vùng nông thôn cũng có điều kiện học tập tốt lên, nên việc áp dụng chính sách ưu tiên cộng điểm như bây giờ là không còn phù hợp.

 

Một điều bất hợp lý nữa, có nhiều học sinh đỗ đại học nhờ được cộng điểm ưu tiên vùng, tới 3,5-5 điểm. Nhưng khi học ra trường, có mấy em xung phong về nơi ấy để làm việc?

 

                                                                               Ảnh minh họa. Nguồn: VA

 

Trả lời báo Vietnamnet, GS Hà Huy Khoái, nguyên Viện trưởng Viện Toán học Việt Nam phân tích sự bất cập trong cộng ưu tiên: Trước đây, khi kỳ thi đại học tách riêng kỳ thi tốt nghiệp, với mức độ khó cao hơn, học sinh được khoảng 13 điểm là đỗ đại học, thì việc cộng 2 điểm chẳng hạn, là cộng thêm 15, 4% số điểm.

 

Khi tổ chức kỳ thi THPT quốc gia “2 trong 1”, thì thực tế giữa mức điểm cần để tốt nghiệp và để đỗ đại học chỉ hơn nhau trong khoảng 3 đến 6 điểm. Vậy nếu chúng ta vẫn cộng 2 điểm như trước - tức là đã cộng thêm 2 trong tổng số 3-6 điểm, hay cộng khoảng 33,3% đến 66, 6% số điểm.

 

Vì vậy, theo GS Hà Huy Khoái, khi ta thay đổi cách thi (gộp hai kỳ thi làm một) thì cũng cần thay đổi ngay cách xét tuyển, trong đó có cả việc cộng điểm ưu tiên. Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) có thể thay đổi cách tính điểm ưu tiên không quá nhiều, chẳng hạn chỉ trong khoảng từ 0,25 đến 0,75 điểm thay vì như hiện nay. Bởi việc cộng điểm ưu tiên nhiều quá sẽ gây ra sự bất hợp lý.

 

Trao đổi với báo chí xung quanh những ý kiến tranh luận này, bà Nguyễn Thị Kim Phụng, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD&ĐT) khẳng định: Khi nhìn vào chính sách ưu tiên và những người có điểm ưu tiên, chúng ta cần nhìn một cách tổng thể. Tỷ lệ những em ở khu vực 3 đỗ vào các trường đại học top trên vẫn cao hơn rất nhiều so với tỷ lệ các em ở nông thôn, miền núi. Và chính sách ưu tiên chính là để giảm sự chênh lệch vùng miền có các điều kiện kinh tế - xã hội khác nhau, để từ đó tạo ra sự công bằng cho các thí sinh.

 

“Nếu như năm nay có nhiều thí sinh ở khu vực nông thôn, miền núi được vào các trường top trên thì cũng cho thấy rằng chính sách này đã phát huy tác dụng, đã khắc phục được sự chênh lệch về điều kiện học tập, điều kiện sống ở các vùng miền. Các em ở khu vực 3 điểm cao có thể không vào được nguyện vọng 1 nhưng các em vẫn có thể trúng tuyển vào các trường top cao khác ở nguyện vọng 2, 3” – bà Nguyễn Thị Kim Phụng bày tỏ.

 

Chia sẻ thêm về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga cho rằng, quy định cộng điểm ưu tiên đối tượng và khu vực trong tuyển sinh đã được thực hiện từ rất nhiều năm nay. Quy định này cụ thể hóa các chính sách ưu tiên của Đảng và Nhà nước đối với người có công, con em dân tộc, thí sinh sống ở vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo, vùng kinh tế xã hội còn nhiều khó khăn… có điều kiện sống, điều kiện học tập khó khăn hơn rất nhiều so với thí sinh sống ở thành phố.

 

Khi chính sách ưu tiên của Đảng và Nhà nước thay đổi thì quy chế tuyển sinh cũng được điều chỉnh lại cho phù hợp. Ví dụ những địa phương trước đây thuộc khu vực khó khăn, nay điều kiện kinh tế xã hội đã được cải thiện, không còn nằm trong danh sách các địa phương khó khăn thì việc cộng điểm ưu tiên đối với thí sinh cũng sẽ được điều chỉnh giảm.

 

Có thể thấy, với quá nhiều điểm cao như năm nay, để giành được 0,2 điểm thi đại học cũng không phải dễ dàng gì. Do vậy, việc cộng điểm ưu tiên trong tuyển sinh đại học cần phải được cân nhắc, xem xét lại./.

Mỹ Anh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực